Cạnh tranh

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải duy nhất

DNVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất.

Mỹ siết chặt quy định phòng vệ thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì? / Lối đi nào cho doanh nghiệp trước những điều chỉnh chính sách lớn của EU?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về biện pháp ứng phó với các chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Mỹ.
Thủ tướng nêu rõ, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với Đoàn công tác đàm phán.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là duy nhất.(Ảnh: VGP)
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Mỹ nói riêng. Chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Mỹ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…
Về xuất khẩu, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì để đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, chủ động đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Đây cũng là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường, sản xuất và xuất khẩu.
Chiều cùng ngày, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, mức thuế 46% Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 9/4 tới có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Có thể tác động đến tăng trưởng, việc làm và thu hút đầu tư. Các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày… có nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.
Nêu nguyên nhân, Thứ trưởng nói: khi tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng suy giảm, theo đó hàng hóa Việt Nam sẽ giảm.
Liên quan đến đối tác hợp đồng Việt nam đã ký kết, các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ xem xét với chính sách như thế này có tiếp tục hợp đồng hay không. Trong khi đó, các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn.

Thứ trưởng Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời báo chí về mức thuế đối ứng 46% Mỹ áp với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Hiện nay, Đảng, Chính phủ đã và đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với Mỹ và có giải pháp làm sao hài hòa cho cả hai bên. Trong cuộc điện đàm tối 4/4 giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác song phương, Việt Nam đề nghị Mỹ đưa thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa hai bên.
Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, đề nghị tạm hoãn áp thuế để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Bộ Công Thương nhận định, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức nhưng đây cũng là thời cơ tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, số hóa, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp Việt cần chủ động cập nhật thông tin, kiểm soát xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
"Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng", Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nêu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm