Cạnh tranh

Điểm trừ xuất khẩu 2024: Vẫn tập trung nhiều vào các thị trường lớn

DNVN - Xuất khẩu Việt Nam năm 2024 dù có nhiều điểm sáng nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó đáng chú ý là việc tập trung nhiều vào một số thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc, có thể tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế.

Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ sức mạnh văn hóa kinh doanh / Canada khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với dây thép Việt Nam

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 ghi nhận nhiều điểm sáng.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%. Các mặt hàng nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Xuất khẩu sang ASEAN 11 tháng năm 2024 đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang EU đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,5%. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ đã phục hồi mạnh với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 108,9 tỷ USD, tăng 24%.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Cả năm 2024 ước xuất siêu 24,1 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.


Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Cũng theo ông Hải, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước phục hồi tốt. Theo đó, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước năm 2024 ước đạt 113,7 tỷ USD, tăng 18,9%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (ước đạt 290 tỷ USD, tăng 11,9%).

Ngoài ra, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 phục hồi, đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2023, chủ yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Việc nhập khẩu các mặt hàng linh kiện, máy móc, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng trưởng trở lại cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, cùng như những tín hiệu tích cực về các đơn hàng nhận được trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất nhập khẩu vẫn còn một số điểm hạn chế. Trong đó, xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Điều này tuy mang lại kim ngạch lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn. Các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe tại EU và Mỹ đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và chi phí vận chuyển còn cao so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Đáng lưu ý, yêu cầu sản xuất xanh và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường quốc tế ngày càng tăng cao, trong khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị, dẫn đến nguy cơ mất cơ hội tại các thị trường khó tính. Dù vậy, theo ông Hải, đây cũng là cơ hội để ngành hàng Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững, tận dụng các xu hướng tiêu dùng mới.

Xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển có thể cản trở nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, biến động chính sách thương mại từ các cường quốc như Mỹ cũng tạo ra nhiều bất ổn khó lường.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm