Cạnh tranh

Doanh nghiệp 'quên' báo cáo phát triển bền vững nguy cơ phải ngừng giao thương

DNVN - Thời gian tới, nếu doanh nghiệp Việt không thực hiện báo cáo phát triển bền vững sẽ không có khả năng tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia và nước phát triển sẵn sàng hi sinh thị phần 1% của Việt Nam để bảo vệ báo cáo phát triển bền vững của họ.

Mật ong Việt Nam bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá / Bôi nhọ đối thủ thiếu căn cứ, công ty ADC phải bồi thường 200 triệu đồng

Mục tiêu Net Zero nhiều thách thức

Biến đổi khí hậu đã tác động đến mọi mặt như kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu và trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các nước thế giới đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh một cách toàn diện. Quá trình chuyển đổi xanh hướng tới sự phát triển bền vững (PTBV) được xem là mục tiêu sống còn, xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.

Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, bảo đảm tăng trưởng xanh, PTBV.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0”, tức Net Zero vào năm 2050.

PGS, TS Trương Mạnh Tiến - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Phát biểu tại hội thảo "Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững - Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050" ngày 5/6 tại Hà Nội, PGS, TS Trương Mạnh Tiến - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đánh giá, việc Việt Nam cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là khoảng thời gian rất gấp. Trong khi đó, Trung Quốc, Indonesia đặt mục tiêu tới năm 2060. Việc thực hiện cam kết sớm hơn các nước này 1 thập kỷ là cả một vấn đề.

"Còn nhiều thách thức liên quan đến vấn đề chuyển đổi năng lượng, kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải carbon. Việc mỗi công dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cam kết Net Zero, có trách nhiệm hơn trước cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế là điều vô cùng cần thiết", ông Tiến nhấn mạnh.

Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi

GS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam đến năm 2030 là 27% so với kịch bản phát triển thông thường.

Theo Quyết định số 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có tên trong danh mục bắt buộc thực hiện kiểm kê khí KNK gồm 1.912 cơ sở. Các doanh nghiệp này phải có báo cáo phát thải và hoàn thiện trước tháng 3/2025.

Tuy nhiên, trong số này, hiện mới chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện báo cáo kiểm kê KNK. Việc các doanh nghiệp "quên" hạn mức phát thải cho phép, dẫn đến việc vi phạm và phải nộp phạt, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp.

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT).

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Đình Thọ, tất cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đều bao gồm những nội dung liên quan tới PTBV.

Những quy định này bắt buộc tất cả các nước, từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân đều phải hướng tới mô hình chuyển đổi xanh và sống xanh.

"Trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo PTBV sẽ không có khả năng tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia và các nước phát triển vốn là thị trường chính của Việt Nam sẵn sàng hi sinh thị phần 1% của Việt Nam để bảo vệ báo cáo PTBV của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ phải làm quen dần với báo cáo này", chuyên gia nêu.

Nhấn mạnh những lợi ích của việc thực hành ESG và theo đuổi chiến lược PTBV, ông Phạm Hoài Trung - Trưởng Ban vận động Net To Zero 2050 cho rằng, triển khai ESG mang lại những sáng kiến thực hành nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng các tiếp cận và thu hút đa dạng nguồn lực mang tính bền vững cao, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển công ty.

Ông Phạm Hoài Trung - Trưởng Ban vận động Net To Zero 2050.

“Cụ thể hơn, ESG nâng cao khả năng tiếp cận với nhà đầu tư; nâng cao việc thu hút khách hàng, người mua mới; nâng cao khả năng tiếp cận với nhà cung cấp tín dụng ưu đãi cũng như các chuỗi cung ứng mới”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, thực hành ESG giúp các doanh nghiệp tạo mới nhiều phát kiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững.

Trong đó, doanh nghiệp có thể xây dựng, phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu; tạo ra các khoản tiết kiệm mới đến từ ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của công ty. Đồng thời tạo ra sự đổi mới, nắm bắt cơ hội, đón đầu tận dụng các chính sách ưu đãi…

Không những thế, ESG cũng giúp doanh nghiệp sớm nhận diện, phòng tránh và quản lý hiệu quả các rủi ro như đột nhiên mất khách hàng, khủng hoảng truyền thông, rò rỉ thông tin kinh doanh nội bộ…

Đặc biệt, ESG cũng mang lại cho doanh nghiệp những phát kiến nhằm tích hợp các xu hướng phát triển bền vững đang hiện hành như ESG, CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) vào trong mọi quá trình quản lý và vận hành, qua đó nhanh chóng hội nhập theo xu hướng và các tiêu chí phát triển bền vững.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm