Đầu tư

Cơ hội cho các "cá mập" rót vốn đầu tư vào doanh nghiệp logistics

DNVN - Theo Tập đoàn VinaCapital, ngành dịch vụ logistics Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới nhưng còn phân tán, rời rạc. Theo đó, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nên rót tiền vào các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cần nhiều vốn hoạt động trong phân khúc có tính phân tán cao.

Nhôm Xingfa Trung Quốc "lấn sân" thị trường Việt Nam và sự bất an của doanh nghiệp trong nước / Ba yếu tố hàng đầu thu hút doanh nghiệp châu Âu rót vốn vào Việt Nam

Nhiều dư địa
Báo cáo của Tập đoàn VinaCapital cho thấy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam tăng trưởng 14-16% trong những năm gần đây và tổng chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam là hơn 20%/GDP.
Tỷ lệ này thuộc hàng cao nhất thế giới vì sự thiếu hiệu quả trong quy trình logistics. Ví dụ, 3/4 khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam chỉ đi qua 6 trong số 75 cảng biển của quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Tập đoàn VinaCapital, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành logistics tại Việt Nam có tính bền vững vì sự mở rộng liên tục của lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Thêm vào đó là sự gia tăng về tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Michael Kokalari cho rằng, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện chỉ chiếm hơn 20% kinh tế của đất nước nhưng con số này đạt trên 30% đối với các nền kinh tế được xem là "con hổ châu Á”. Dòng vốn FDI liên tục đổ về đã giúp việc xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam về cơ bản được đảm bảo trong nhiều năm tới.

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới nhưng còn phân tán, rời rạc.
Ngoài ra, sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng mang đến nhiều cơ hội đầu tư. Đặc biệt là trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng lạnh vì nhu cầu cao đối với thực phẩm tươi sống và một số sản phẩm dược dễ bị hư hỏng, cũng như dịch vụ giao hàng chặng cuối trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hơn nữa, thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng trưởng hơn 25% mỗi năm và Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu lớn hơn của thương mại điện tử đối nền kinh tế của đất nước trong tương lai. Điều này có khả năng tạo ra một môi trường pháp lý đặc biệt thuận lợi cho dịch vụ giao hàng chặng cuối và các công ty dịch vụ logistics khác.
Đầu tư vào những doanh nghiệp cần nhiều vốn
Theo ông Michael Kokalari, các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam cần đầu tư nhất là những doanh nghiệp cần nhiều vốn hoạt động trong phân khúc có tính phân tán cao.
Ví dụ, các công ty vận tải chiếm khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp trong ngành, nhưng hơn 80% các công ty vận tải đường bộ ở Việt Nam có quy mô đội xe dưới 5 chiếc và ước tính khoảng 70% số xe tải giao hàng quay về trạm với thùng rỗng. Hơn nữa, đơn vị trung gian được trả hoa hồng ước tính chiếm 30% trên phí dịch vụ mà các công ty vận tải đường bộ kiếm được.
Ngay cả trong vận tải kho lạnh, được xem là một trong những phân khúc hứa hẹn nhất của ngành logistics Việt Nam, thị phần đa số thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 70% các công ty trong phân khúc này có ít hơn 10 xe tải.
"Cơ hội rất hấp dẫn cho các công ty trong nước xuất phát từ thực tế là các khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho các dịch vụ logistics đáng tin cậy. Cùng với đó là nhu cầu của khách hàng trung lưu đối với các sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi logistics chất lượng cao đang tăng nhanh. Ví dụ như mua sắm trực tuyến với dịch vụ giao hàng tận nhà, nhu cầu về thực phẩm và thuốc dễ hỏng... Ngoài ra, lợi nhuận đầu tư dài hạn được tạo ra từ các công ty này sẽ tăng lên", ông Michael Kokalari nói.
VinaCapital cũng kỳ vọng vào mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn đối với các công ty logistics được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam và từ sự tăng trưởng liên tục của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Sự phát triển của ngành sản xuất công nghệ cao kéo theo nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ logitstics có giá trị cao như kho ngoại quan để tập trung hàng hóa có giá trị tương đối cao trước khi các sản phẩm đó được xuất khẩu. Ngoài ra, máy móc được nhập khẩu để sản xuất hàng điện tử tiêu dùng thường có giá trị cao.
Một nhánh hấp dẫn trong ngành logistics của Việt Nam là dịch vụ thủ tục hải quan. Trong đó, đơn vị trung gian có năng lực tốt có thể đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa trong và ngoài nước bằng cách đảm bảo tuân thủ các quy định phức tạp được yêu cầu.
"Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLBA), hầu hết trong số hơn 800 công ty giao nhận hàng hóa của Việt Nam đều cung cấp dịch vụ thông quan. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng các công ty có thể kết hợp dịch vụ thông quan như là một phần của tiêu chí “doanh nghiệp vận tải cốt lõi”, có khả năng đáp ứng các nhu cầu vận chuyển, logistics cho các công ty sản xuất công nghệ cao để thu được phí dịch vụ cao hơn", Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Tập đoàn VinaCapital nhận định.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm