Đầu tư

Điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 'thở phào nhẹ nhõm'?

DNVN - Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang gia tăng. Những tiện lợi về cơ sở hạ tầng, chất lượng của các khu công nghiệp, nhất là không còn nỗi lo về thiếu điện khiến nhà đầu tư nước ngoài “thở phào nhẹ nhõm”.

Thuế tối thiểu toàn cầu, cú hích quan trọng thu hút vốn FDI / Thúc đẩy thu hút vốn FDI

Chia sẻ với báo chí, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI mạnh nhất ở Đông Nam Á. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về ổn định chính trị và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Nhà đầu tư FDI cũng nhận thấy cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt là tiện nghi trong các khu công nghiệp tốt, mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Trước đó, các nhà đầu tư lo ngại thiếu điện sẽ ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dự án đường dây 500 kV mạch 3 có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, với gần 520 km đường dây mạch kép giúp kéo điện ra miền Bắc vừa khánh thành đang tạo niềm tin cao cho nhà đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng sự ổn định về điện, cộng với tiện lợi về cơ sở hạ tầng, chất lượng của các khu công nghiệp đang khiến cho nhà đầu tư nước ngoài “thở phào nhẹ nhõm”. Nếu FDI vào Việt Nam năm 2023 có xu hướng giảm thì năm nay, xu hướng này gia tăng.

Kỳ vọng sự ổn định về điện, tiện lợi về cơ sở hạ tầng, chất lượng của các khu công nghiệp đang tạo niềm tin cao cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Tuy nhiên, điều lo ngại của nhà đầu tư hiện nay là Việt Nam thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao. Đây là điều khiến cho nhiều nhà đầu tư vào công nghệ thế hệ mới chưa dám tới Việt Nam”, ông Nghĩa nhận định.

Về làm thế nào để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Nghĩa, Việt Nam phải đạt được một loạt yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là ổn định về điện và lực lượng lao động tốt. Hiện Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ đầu tư để phát triển các trường dạy nghề, đặc biệt là các trường dạy nghề đào tạo kỹ sư công nghệ cao như bán dẫn, điện tử.

Đánh giá về hoạt động FDI của Trung Quốc vào Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng, sự có mặt của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là một quá trình tất yếu, tạo nhiều thời cơ cho kinh tế Việt Nam phát triển. Việt Nam cần phải biết cách thu hút và tận dụng để học tập các kinh nghiệm và trình độ quản lý của nhà đầu tư Trung Quốc.

Trung Quốc trong vòng vài thập kỷ gần đây phát triển rất mạnh về công nghệ, đặc biệt là công nghệ vi sinh, robot và trí tuệ nhân tạo. Sắp tới, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam (đường bộ, đường sắt cao tốc). Đây cũng là thế mạnh của Trung Quốc.

“Các nhà quản lý quốc tế đều đánh giá Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về quản trị doanh nghiệp. Đó là cách quản trị hiện đại trên những lĩnh vực công nghệ hàng đầu. Điều này góp phần tạo ra một thời đại kinh tế mới trên toàn cầu - thời đại công nghệ mới”, ông Nghĩa nhận định.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm