Đầu tư

Tuyến đập Quảng Nam mới xây có nguy cơ bị phá hủy, Đà Nẵng khôi phục lại đập tạm trên sông Quảng Huế

DNVN - UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Dawaco khôi phục lại tuyến đập tạm cũ trên sông Quảng Huế để đảm bảo điều tiết tăng lưu lượng dòng chảy về hạ lưu sông Vu Gia, giảm mặn và cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng khi đập tạm Quảng Huế tại ngã ba sông Vu Gia – Ái Nghĩa – Quảng Huế do các ngành tỉnh Quảng Nam xây dựng có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng hoặc phá hủy.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng lập Tổ tư vấn pháp lý xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Khôi phục lại đập tạm cũ đã phát huy tác dụng trong hai năm 2021, 2020

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam vừa có ý kiến chỉ đao, giao Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phối hợp với các sở, ngành và địa phương TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có phương án xây dựng tuyến đập tạm thứ hai trên sông Quảng Huế theo hướng khôi phục lại tuyến đập cũ đã thực hiện năm 2019, 2020 (có gia cố chuyển tiếp phía hạ lưu nếu cần thiết).

Đập tạm do Sở NN-PTNT Quảng Nam xây dựng ở ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế...

Đập tạm do Sở NN-PTNT Quảng Nam xây dựng ở ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, việc yêu cầu Dawaco khôi phục lại tuyến đập tạm cũ này nhằm chủ động kịp thời thi công hoàn thành, đảm bảo điều tiết tăng lưu lượng dòng chảy về hạ lưu sông Vu Gia để duy trì mức nước ổn định tại đập dâng An Trạch, giảm mặn trên sông Cầu Đỏ khi tuyến đập tạm Quảng Huế tại ngã ba sông Vu Gia – Ái Nghĩa – Quảng Huế do các ngành tỉnh Quảng Nam xây dựng có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng hoặc phá hủy.

Thông tin thêm với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, thực hiện chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng, hiện Dawaco đang lập hồ sơ, phương án gia cố đập tạm theo hướng khôi phục tuyến đập cũ trên sông Quảng Huế; sẽ thông báo cho xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) biết để chuẩn bị triển khai.

“Tuyến đập tạm Quảng Huế đã phát huy tác dụng rất tích cực trong hai năm 2019, 2020 trước khi bị bão lũ lớn cuối năm 2020 làm cho hư hại. Lần này khôi phục lại tuyến đập cũ cũng sẽ làm đập bao cát ở trên thềm rọ đá như các năm trước, nhưng năm nay cần phải gia cố thêm rọ đá nữa, như chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.

Dự kiến giữa tuần sau Dawaco sẽ tiến hành khôi phục lại ngay tuyến đập tạm này, để nếu tuyến đập do Quảng Nam xây dựng ở phía bên ngoài có bị sạt lở, hư hỏng, phá hủy thì còn có tuyến đập tạm này bên trong để đảm bảo đưa nước về trạm bơm An Trạch ổn định được!” – ông Hồ Minh Nam nói.

Từ thống nhất chủ trương của lãnh đạo hai địa phương

Được biết, trong hai năm 2019 và 2020, UBND TP Đà Nẵng đã giao Dawaco đắp đập tạm bằng bao cát trên sông Quảng Huế đến cao trình +3,2m. Qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc đắp đập tạm này đã làm tăng lưu lượng nước về hạ lưu sông Vu Gia và góp phần hiệu quả cấp nước tưới cho nông nghiệp huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và cấp nước giảm mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên các đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020 đã làm sạt lở tuyến đập tạm này, dẫn đến tỷ lệ phân lưu tại Quảng Huế về sông Thu Bồn nhiều hơn về sông Vu Gia, khiến cho từ tháng 2/2021 nguồn nước tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bắt đầu nhiềm mặn trở lại, độ mặn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng dần, thậm chí có thời điểm lên đến 1.997mg/l (lúc 10h45 ngày 1/3/2021).

Vì vậy, ngày 8/3/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có Công văn 1251/UBND-SNN gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị thống nhất chủ trương phối hợp triển khai các giải pháp tăng lượng nước về hạ du sông Vu Gia, trong đó có việc tiếp tục triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế đến cao trình +3,2m, để cấp nước cho huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

mặc dù mới qua mấy tháng đầu mùa khô 2021 nhưng đã có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng, thậm chí bị phá hủy

... mặc dù mới qua mấy tháng đầu mùa khô 2021 nhưng đã có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng, thậm chí bị phá hủy.

Ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu có Công văn 1353/UBND-KTN gửi UBND TP Đà Nẵng, thống nhất chủ trương thực hiện đắp đập tạm trên sông Quảng Huế theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn, duy trì ổn định mực nước thượng lưu hệ thống thủy lợi An Trạch, đảm bảo nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng.

Đến thực hiện của Sở NN-PTNT Quảng Nam

Tại Công văn 1353/UBND-KTN (ngày 16/3), UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở NN-PTNT tỉnh theo dõi, phối hợp có ý kiến về giải pháp thiết kế, thi công công trình tạm trên sông Quảng Huế đảm bảo mục tiêu: cải thiện nguồn nước về hạ du sông Vu Gia, hỗ trợ nguồn nước cho sông Thu Bồn để khống chế mặn xâm nhập vào hạ lưu sông Thu Bồn và tiêu thoát nước trong mùa lũ.

Thế nhưng, thay vì phối hợp để Dawaco (bằng kinh phí của đơn vị) đắp lại đập tạm tại vị trí cũ (đã phát huy hiệu quả trong 2 năm 2019, 2020) thì Sở NN-PTNT lại triển khai (bằng kinh phí của địa phương) đắp mới một đập tạm khác ở khu vực ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế, cách vị trí đập tạm cũ khoảng 500m. Đây là diễn biến hoàn toàn bất ngờ đối với phía Đà Nẵng,

Phương án thi công ban đầu của Sở NN-PTNT Quảng Nam là đắp tường hướng dòng, nhưng sau thấy không ổn vì sức nước tại ngã ba sông này quá lớn nên chuyển sang đắp đập kín. Lúc này Sở NN-PTNT Quảng Nam mới mời Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng vào để bàn, nhưng chuyện đã rồi, không còn bàn gì được nữa. Đến đêm 12/4 thì đập tạm do Sở NN-PTNT Quảng Nam xây dựng được cho là ngăn dòng tại Quảng Huế thành công.

Tuy nhiên chỉ mới qua mấy tháng đầu mùa khô 2021, mặc dù được gia cố liên tục nhưng đập tạm ở ngã ba sông Vu Gia - Ái Nghĩa - Quảng Huế này không chịu nổi sức nước do các thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam xả xuống để phát điện, dẫn tới nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng, thậm chí bị phá hủy tuyến đập.

Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, ngày 11/5/2021, Sở NN-PTNT Quảng Nam có Công văn 999/SNN&PTNT đề nghị Sở NN-PTNT Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng đập tạm theo hướng khôi phục lai nguyên trạng tuyến đập cũ đến cao trình +2.3m (theo thực trạng dự án chỉnh trị sông Quảng Huế của Bộ NN-PTNT trước đây) và có gia cố chuyển tiếp phía hạ lưu để đảm bảo hạn chế tối đa xói lở ở hạ du, tăng ổn định cho công trình; phần công trình tạm phía trên có thể thực hiện như giải pháp đã thực hiện trong các năm 2019, 2020.

Vì vậy tại Công văn 3127/UBND-ĐTĐT ngày 22/5, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã yêu cầu Dawaco có phương án khôi phục lại tuyến đập tạm tại vị trí cũ để chủ động, kịp thời hạn chế lưu lượng nước từ sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn, đảm bảo an toàn cấp nước cho TP Đà Nẵng!

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm