Việt Nam cần đầu tư 33,4 tỷ USD cho phát triển lưới điện
Chủ tịch tỉnh Gia Lai chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm / Đà Nẵng: Danh mục 57 dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025
Liên quan đến việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện, theo Dự thảo quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86 GVA công suất trạm biến áp 500 kV và gần 13.000 km đường dây, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103 GVA công suất trạm 500 kV và gần 6.000 km đường dây.
Lưới điện 220 kV tương ứng cần xây dựng 95 GVA, gần 21.000 km đường dây và 108 GVA, hơn 4.000 km đường dây.
Với khối lượng đầu tư xây dựng lớn, ước tính giai đoạn 2021-2030 Việt Nam cần đầu tư khoảng 33,4 tỷ USD cho phát triển lưới điện, trong đó 14,7 tỷ USD cho lưới truyền tải và 18,7 tỷ USD cho lưới phân phối.
Cơ cấu trung bình vốn đầu tư phát triển lưới điện chiếm 27%, nguồn chiếm 73%. Theo tính toán, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD cho lưới điện.
Theo đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đây là khối lượng đầu tư cực lớn nhưng cũng tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong khoảng 3 năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong 10 năm tới.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần đầu tư nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, bao gồm tăng cường năng lực dự báo; phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.
Nhằm đáp ứng yêu cầu rất lớn về nguồn vốn hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển và các bộ, ban, ngành để tìm kiếm thêm các gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn theo các hình thức khác bên cạnh vay vốn ODA, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tổ chức đánh giá, xếp hạng tín dụng quốc tế để có thể tiếp cận nguồn vay quốc tế mà không cần có sự bảo trợ của Chính phủ.
Với chương trình phát triển lưới điện này, Bộ Công Thương cho rằng, lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng. Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.
End of content
Không có tin nào tiếp theo