Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp xây dựng trong ‘làn sóng’ tái cấu trúc

Coteccons, Vinaconex, Fecon… là những đơn vị đang tái cấu trúc bộ máy doanh nghiệp theo hướng tập trung nhằm vạch rõ đường phát triển trong tương lai.

Tiếp nối làn sóng đầu tư mạnh mẽ, doanh nghiệp Hàn rót 870 triệu USD vào Masan và Vingroup chỉ trong 1 tháng / Sếp lớn Hòa Phát bán 1,3 triệu cổ phiếu của công ty, thu về hơn 50 tỷ đồng

Kết phiên 24/9, cổ phiếu của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã tăng 43% so với mức thấp nhất cuối tháng 5, bất chấp giai đoạn điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II. Nhưng trước đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này từng mất gần nửa giá trị do những lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của kết quả kinh doanh và “tiền chảy” vào các công ty liên kết.

Những nút thắt chỉ được tháo gỡ tại ĐHĐCĐ thường niên vào đầu tháng 6, sau khi Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương chia sẻ với cổ đông về đường lối hoạt động, trong đó có định hướng sáp nhập các công ty vệ tinh, thành “One Cotecons”.

“Cái áo của Cotecons đã chật thì chúng ta phải nghĩ đến cái mới, thay đổi để tăng lên”, ông Dương chia sẻ. Vị Chủ tịch cũng tiết lộ Coteccons có nhiều kế hoạch phát triển chứ không riêng dựa vào lĩnh vực xây dựng.

Sau cùng, cổ đông đã đi đến thống nhất về việc sáp nhập các đơn vị thành viên mà Cotecons không nắm giữ cổ phần chi phối về tập đoàn. Hiện nay, Cotecons có 4 đơn vị liên kết gồm Thương mại Quảng Trọng (sở hữu 36%), FCC (sở hữu 35%), Hiteccons (sở hữu 31%) và Ricons (sở hữu 14,87%). Theo Chủ tịch Dương, nếu sáp nhập tất cả các công ty thành viên thì Coteccons sẽ trở thành một tập đoàn tư nhân lớn. Tầm nhìn đến năm 2020, doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD, vốn điều lệ khoảng 1,000 tỷ đồng.

Việc định hướng sáp nhập, tái cấu trúc doanh nghiệp được thông qua đã góp phần tác động đến đà tăng giá của cổ phiếu của CTD trong 2 tháng gần đây. Nửa đầu 2018, CTD ghi nhận lợi nhuận ròng 718 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 8.723 đồng.

Không riêng Cotescon, nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực xây dựng cũng đang dần chuyển mình, tái cấu trúc theo các hướng khác nhau, xác định chiến lược dài hạn.

Đầu năm 2018, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) tái cơ cấu mô hình doanh nghiệp bằng việc ra mắt 2 đơn vị chủ lực là Vinaconex CM và Vinaconex Invest, nhằm phân rõ 2 “tháp” kinh doanh và tập trung các đơn vị nhỏ lẻ về một đầu mối.

Vinaconex CM sẽ là đơn vị nòng cốt về xây dựng tập trung đầu tư hệ thống trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất đẩy nhanh tiến độ các dự án, trở thành tổng thầu. Định hướng đến năm 2021, doanh nghiệp này có thể đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt 8.000 tỷ đồng và 165 tỷ đồng.

Vinaconex Invest sẽ hướng tới đầu tư các dự án bất động sản phân khúc tầm trung, trung bình khá, phấn đấu phát triển mới 1 -2 dự án trong năm 2018, xem xét giải ngân vốn đầu tư vào những dự án/công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có mức sinh lời cao.

Toàn bộ 42 thành viên của VCG sẽ được phân cho 2 đơn vị chủ lực quản lý, tiếp nhận hoặc thoái vốn như Viwasupco.

Nửa đầu 2018, Vinaconex đạt lợi nhuận ròng 133 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. EPS ở mức 403 đồng.

Một ví dụ khác như CTCP Fecon (HOSE: FCN), cuối tháng 5, HĐQT của doanh nghiệp đã có nghị quyết thống nhất tái cấu trúc một số khoản đầu tư vào công ty con, liên kết, trong đó thoái vốn tại Viện Nền móng và Công trình ngầm, Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), hay gần đây nhất là Khoáng sản Fecon (HOSE: FCM).

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, việc thoái vốn tại các công ty nhằm tập trung nguồn lực cho các hoạt động chính của Fecon trong tương lai (xây dựng công trình ngầm, năng lượng sạch…). Với riêng FCM, Fecon đã đạt được thỏa thuận về việc để Tập đoàn Phan Vũ nắm 51% vốn tại doanh nghiệp. Lãnh đạo công ty cho biết, việc chuyển nhượng FCM cho Phan Vũ nhằm phát triển công ty theo ngành nghề kinh doanh cốt lõi là sản xuất và kinh doanh cọc betong, đi cùng Phan Vũ có thể đưa FCM vươn xa hơn.

Phan Vũ là doanh nghiệp Tập đoàn Japan Piles nắm cổ phần chi phối, thuộc nhóm 4 doanh nghiệp lớn trong ngành cọc bê tông Việt Nam bên cạnh FCM, Minh Đức và Kiến Hoa. Việc sáp nhập 2 đơn vị có thể mở rộng thị phần và nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong ngành cọc bê tông.

Nửa đầu 2018, FCN ghi nhận lợi nhuận ròng 66,5 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. EPS đạt 712 đồng. Trong khi đó, FCM đạt 11,8 tỷ đồng lãi sau thuế với mức EPS 276 đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp trên, một số công ty khác cũng đang tích cực tái cấu trúc bộ máy như DIG, VGC… bằng việc thoái vốn và giảm số lượng công ty con, đơn vị liên doanh, liên kết.

Theo ndh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm