Khởi nghiệp

Startup làm bàn học chống cận, sản xuất sợi từ lá dứa được doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm

DNVN - Một số dự án của phía Việt Nam được phía Ấn Độ quan tâm như dự án bàn học chống gù, chống cận dành cho học sinh, mô hình thể thao cộng đồng, dự án sữa hữu cơ, sản xuất sợi từ lá dứa…

Deloitte Việt Nam hỗ trợ startup tự tin gọi vốn đầu tư / Sinh viên Đai học Cần Thơ đạt giải nhất cuộc thi “Từ sáng tạo đến khởi nghiệp”

Tại diễn đàn "Khởi nghiệp Việt Nam - Ấn Độ” diễn ra mới đây, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mặc dù hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo giữa Việt Nam và Ấn Độ còn khiêm tốn. Các hoạt động kết nối khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối thị trường, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia khởi nghiệp với hệ sinh thái phát triển đứng thứ 3 thế giới. Đây cũng là một trong những điểm nóng phát triển nhanh nhất các công ty khởi nghiệp kỳ lân cùng nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn đang có các kế hoạch thâm nhập thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Do đó, cần phải tăng cường các hoạt động hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ, kết nối hệ sinh thái hai nước để phát triển cả về lượng lẫn về chất các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Là đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, đồng thời là tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có thương hiệu trong hệ sinh thái ở Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn sẵn sàng đồng hành với các đối tác Việt Nam và Ấn Độ tạo ra mạng lưới kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư, chuyên gia của hai nước, góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Trung tâm khởi nghiệp KSUM bang Kerala Ấn Độ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và hơn 50 điểm kết nối của doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh về các lĩnh vực khoa học - công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Ấn Độ trong những năm qua đã liên tục phát triển và đến nay đã đứng thứ 3 thế giới với gần 80 ngàn công ty khởi nghiệp, hơn 110 công ty "kỳ lân" với số vốn trên 1 tỷ USD, 4 công ty trở thành công ty "siêu kỳ lân" với số vốn trên 10 tỷ USD.
Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực. Trong số các trung tâm khởi nghiệp của Ấn Độ, bang Kerala có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Những thành công của Ấn Độ nói chung và bang Kerala nói riêng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hoàn toàn có thể chia sẻ, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ.
"Lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, một lĩnh vực mới nhưng có rất nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai bên. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ và tiếp tục tạo thêm các cơ hội nữa để các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của hai bên được kết nối, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác khác trong tương lai", Đại sứ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong khuôn khổ Techfest Quốc gia. Đồng thời hy vọng các startup, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Ấn Độ sẽ tham dự Techfest Quốc gia 2022 và mở ra những cơ hội hợp tác giữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hai nước trong thời gian tới.
Sau phiên chia sẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi nước từ phía các chuyên gia, 12 doanh nghiệp khởi nghiệp được lựa chọn đã trình bày phần gọi vốn (pitching) cho dự án và mô hình kinh doanh của mình. Một số dự án của phía Việt Nam được phía Ấn Độ quan tâm như dự án bàn học chống gù, chống cận dành cho học sinh, mô hình thể thao cộng đồng, dự án sữa hữu cơ, sản xuất sợi từ lá dứa… Các dự án tham gia pitching từ phía Ấn Độ đều là dự án trong lĩnh vực công nghệ như công nghệ giáo dục, máy bay không người lái dùng trong nông nghiệp…
Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Ấn Độ hy vọng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới giữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai nước.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm