Ông Vũ Bá Phú: Thương hiệu như chìa khóa giúp gia tăng giá trị của doanh nghiệp
DNVN - Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp.
Thừa Thiên Huế: OCOP góp phần nâng tầm nông đặc sản địa phương / Đà Nẵng: Quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô
Theo báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance.
Là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia, hàng năm, Brand Finance thực hiện Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report). Đây được coi là báo cáo nghiên cứu toàn diện liên quan đến đánh giá quyền lực mềm của các quốc gia. Năm 2021, Brand Finance đã thực hiện khảo sát 75.000 người (bao gồm cả chuyên gia và công chúng) đến từ 102 nước nhằm đánh giá về quyền lực mềm của 105 quốc gia.
Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 cho thấy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.
Một số sản phẩm, dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề Việt Nam đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến cho biết, trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu đối với một quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
"Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Có thể kể đến như Viettel - Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến; Công ty CP Sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc, thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới…", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ.
Trong khi đó, đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đến mối quan hệ của Việt Nam với thế giới, ông Vũ Bá Phú cho rằng, đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra nhiều tác động toàn diện, sâu rộng, đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam nhằm khống chế đại dịch, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp Việt Nam thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Không những thế, Việt Nam đã thành công khi biến thách thức của đại dịch COVID-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo