Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân 8X Nguyễn Đức Anh: Từ nhân viên bán xe hơi đến chuyên gia điện mặt trời

Từ một nhân viên bán xe ô tô siêu sang tại Mỹ, cơ duyên đã đưa doanh nhân 8X Nguyễn Đức Anh về Việt Nam làm điện mặt trời và trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành.

Trong thời gian sinh sống tại Mỹ trước đây, doanh nhân Nguyễn Đức Anh (Andy Nguyễn, sinh năm 1987) phụ trách khâu phát triển thị trường khu vực bờ Tây cho tập đoàn xe hơi siêu sang Volkswagen America.

Hệ thống điện gió và điện mặt trời đặt trên mái nhà tại trụ sở Công ty Vietnam Eco-Solution (VES) của doanh nhân Andy Nguyễn cũng là dự án năng lượng tái tạo nối lưới đầu tiên tại Việt Nam.

Bỏ Mỹ về Việt Nam làm điện mặt trời

Năm 2011, Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) hợp tác với hãng xe hơi trên mở đại lý đầu tiên tại Việt Nam ở khu vực TP HCM, doanh nhân 8X này được giao nhiệm vụ đào tạo cho đại lý tại Việt Nam. Sau thời gian hỗ trợ cho đại lý này, anh định quay về Mỹ tiếp tục công việc. Trong một lần ngồi nói chuyện với ban lãnh đạo của Vinamotor, biết được định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, anh cảm thấy hứng thú. Nhân lúc Vinamotor lập công ty con là VMGreen (chuyên thực hiện tổng thầu EPC cho các dự án năng lượng tái tạo), anh quyết định ở lại Việt Nam, rót tiền túi mua cổ phần công ty này.

Sau vài tháng kinh doanh, công ty thua lỗ phải giải thể, Andy Nguyễn mất sạch tiền. Theo doanh nhân 8X này, chủ trương năng lượng tái tạo mới có nên hành lang pháp lý chưa đầy đủ, lãnh đạo công ty ai cũng thiếu kinh nghiệm và kiến thức. “Nhưng chủ yếu là thị trường chưa có. Thời đó nói đến điện mặt trời là người ta nghĩ đến bình nước nóng đặt trên mái nhà thôi. Thậm chí không ai tin điện mặt trời có thể nối lưới được”, anh hồi tưởng. Biết mình còn “dốt”, Andy Nguyễn quyết tâm học hỏi về điện mặt trời từ đầu một cách bài bản. Cuối năm 2011, anh ngồi lại với tổng giám đốc Vinamotor và chia sẻ về kế hoạch phát triển một công ty mới. Dù anh hứa sẽ bỏ tiền túi ra làm trong giai đoạn đầu nhưng đối tác tỏ vẻ chán nản, anh liền một mình đứng ra thành lập công ty. VES ra đời không lâu sau đó, tiên phong khai phá thị trường năng lượng tái tạo còn hoang sơ nhưng đầy tiềm năng ở Việt Nam.

Vừa làm chủ vừa làm thầy

Tháng 3/2012, anh thi công dự án đầu tiên tại Đảo Phú Quốc. VES làm tổng thầu (EPC), thực hiện cả dự án điện gió và điện mặt trời, hệ thống chiếu sáng cùng hệ thống pin lưu trữ. Thành công từ dự án này giúp anh có thêm nhiều hợp đồng với Hải Quân Việt Nam.

 

Sau thời gian lăn lộn ngoài biển đảo Việt Nam, Andy Nguyễn nghĩ đến việc thiết kế một hệ thống cho riêng công ty, để chứng minh tính hiệu quả với công chúng. Cuối năm 2012, dự án điện mặt trời nối lưới đầu tiên tại Việt Nam là công trình điện gió kết hợp điện mặt trời trên mái nhà trụ sở VES.

Doanh nhân 8X này chia sẻ, lúc đó phần điện phát dư ra so với nhu cầu (những ngày văn phòng không làm việc), đều hòa vào lưới điện quốc gia miễn phí. Nguyên nhân là thời điểm này chưa có chính sách mua điện từ dân của Bộ Công thương và cũng chưa có công tơ hai chiều.
Hiện VES chỉ có 15 nhân sự, khá bé so với các đối thủ như Solar Bách Khoa hay Vũ Phong với vài trăm nhân sự mỗi công ty. Tuy nhiên, mỗi nhân sự anh đào tạo đều là một chuyên gia trong lĩnh vực điện mặt trời. Hiện có không dưới 8 công ty thi công dự án điện mặt trời tại TP HCM đều là nhân viên cũ của VES.

Anh Andy Nguyễn kể, lúc mới về Việt Nam, cái gì cũng thiếu. Do đó anh phải một mình xây dựng từ đầu, từ quy trình làm việc, phát triển thị trường đến đào tạo nhân viên. Kĩ sư ngành điện mặt trời tất nhiên không có. Anh đành tuyển những kĩ sư mới ra trường rồi đào tạo từ đầu bằng những kiến thức anh học được. “Lúc đó, mình vừa làm chủ vừa làm thầy”, anh cười nhớ lại. Đến công việc nhỏ nhất như đấu mối nối cho các bình ắc quy anh cũng phải làm trước. Trong một lần như vậy, ở những dự án đầu tiên, Andy Nguyễn suýt bị thương vì gặp sự cố phóng điện từ mối nối, chiếc đồng hồ đeo tay của anh gần như bể nát. Nhưng cũng nhờ vậy, nhân viên của anh từ đó đến nay chưa hề gặp sự cố nào tương tự.

Kiến thức anh học được đều chia sẻ hết cho nhân viên, thậm chí anh cũng công khai trên trang facebook cá nhân và website. Chẳng hạn như tài liệu 10 chương anh bỏ tiền túi học tại SMA cũng được chia sẻ công khai. Cảm hứng này một phần bắt nguồn từ tỷ phú công nghệ Elon Musk, chủ công ty xe điện Tesla tại Mỹ. Elon Musk luôn muốn quảng bá rộng rãi công nghệ xe điện để góp phần giải quyết vấn đề trái đất đang nóng lên. Tất cả các bằng sáng chế của Tesla đều được công khai và được Toyota, General Motor hay Chrysler mang về phát triển theo. “Đây là việc tốt cho cộng đồng mà”, Andy Nguyễn nhẹ nhàng lý giải.

Nên đọc
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo