Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Đặng Văn Thành - bản “nâng cấp” thời 4.0

Kinh doanh thời Cách mạng công nghiệp 4.0, với ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, khó khăn, thách thức rất nhiều. Nhưng chỉ cần giữ được lửa kinh doanh, không dừng lại, thì thành công sẽ tiếp tục đến.

Giữ lửa kinh doanh và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0

Mỗi lần nhắc đến những khó khăn trong kinh doanh, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC luôn nhấn mạnh rằng, đã là doanh nhân phải chấp nhận thách thức, từ đó có phương cách thích ứng linh hoạt.

Gần 40 năm “lập nghiệp”, ông cũng theo phương châm đó mà điều hành doanh nghiệp, không ngại khó, không ngại khổ, luôn giữ vững niềm tin và “giữ lửa” kinh doanh.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công.

Nhắc lại câu chuyện ngày xưa, ông kể, năm 1979, ông và vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc (Phó chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC) cùng thành lập cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường. Chồng giao thương, vợ quản lý chi tiêu sổ sách. Ông đã sát cánh với người nông dân từ việc nghiên cứu giống mía, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa, ổn định nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm..., đồng thời không ngừng tăng năng suất của các nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

Cứ thế, quy mô ngành mía đường của TTC lớn dần. Sau 39 năm đồng hành cùng cây mía, từ 100 triệu đồng vốn điều lệ và 29 nhân viên, TTC hiện sở hữu 9 nhà máy đường tại vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Lào, với tổng diện tích 62.300ha mía, tổng công suất 48.600 tấn mía/ngày và tổng sản lượng đường sản xuất 653.121 tấn.

Tất nhiên, nói thì đơn giản nhưng thực tế gần 40 năm kinh doanh, biết bao chông gai, thử thách. Trực tiếp quản trị - điều hành TTC, ông đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Hiện nay, khi Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, ông vẫn giữ tâm thế sẵn sàng. Ông cho rằng, khi cách mạng công nghệ đến, năng suất mía có thể tăng từ 15-20%, trong khi chi phí sản xuất lại giảm đến 20%, như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ông cũng không ngại máy móc, robot sẽ thay thế con người, bởi con người tuy không giỏi tìm kiếm, tổng hợp một khối lượng dữ liệu khổng lồ… nhưng lại vượt trội ở khả năng phán đoán, ra quyết định.

“Bóng chỉ được ném xa khi chân trụ đứng vững”, Chủ tịch Tập đoàn TTC đã nói như vậy. Ông bảo, hội nhập chính là một “cuộc chơi lớn” - chia đều cơ hội cho tất cả mọi người. “Nhưng để thành công, phải trụ vững đôi chân của mình - trên chính mảnh đất của mình. Đứng vững, mới cầm nổi vũ khí để liệng xa và không bị chao đảo hay ảnh hưởng bởi bất cứ yếu tố nào bên ngoài”, ông Thành mỉm cười cho biết.

 

Dậm chân tại chỗ là xuống dốc

Trong quá trình toàn cầu hóa, hoạt động M&A giữa các công ty tại nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như giữa các công ty Việt Nam với nhau xuất hiện ngày càng nhiều và với quy mô ngày càng lớn. Không nằm ngoài xu hướng ấy, việc thực hiện chiến lược M&A trong hơn 10 năm qua đã góp phần khẳng định thương hiệu và quy mô của ngành mía đường TTC.

Chỉ riêng năm 2017, ngành đường TTC có 3 dấu mốc quan trọng: hợp nhất 2 đơn vị mía đường trực thuộc Tập đoàn TTC thành Tổng công ty mía đường có vốn hoá thị trường gần 10.000 tỷ đồng, tạo chuỗi sản xuất khép kín; trở thành đại lý phân phối chính thức tại Việt Nam của John Deere - công ty có 180 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị nông nghiệp; và xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn đường sang các thị trường Myanmar, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Philippines, Sri Lanka…

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông cho biết, M&A là một trong những phương thức nhanh nhất và có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế cạnh tranh, và chìa khóa quan trọng nhất để có những thương vụ M&A thành công chính là “đúng thời điểm”, nhằm tối ưu hóa quyền lợi cổ đông.

“Việc chuyển giao nếu diễn ra không đúng lúc sẽ khiến giá trị công ty giảm sút như thể ‘làm lỡ thì’ của một người con gái”, người đã có gần 40 năm lăn lộn với cây mía, hạt đường đã ví von như vậy.

 

Tính đến nay, TTC đã có nhiều dấu ấn thành công trong các thương vụ M&A, nhưng với ông, một trong những thương vụ đặc biệt nhất, chính là mua 68,52% cổ phần của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh vào năm 2006. Nhờ bước ngoặt này, TTC đã sở hữu dây chuyền sản xuất tiên tiến vào thời ấy.

“Đa số các đối tác đều tìm đến và mời chúng tôi nhận chuyển giao. Tôi đánh giá cao những con người đó bởi họ biết chọn điểm rơi tốt nhất cho cổ đông của mình”, ông chia sẻ và cho biết, có 3 yếu tố cần tính toán trước khi tiến hành M&A, gồm cùng ngành, vị trí địa lý và tỷ lệ sở hữu.

Bởi thế, TTC sẽ luôn ưu tiên chọn mua những dự án tại nơi mà TTC còn vắng bóng. Còn về tỷ lệ sở hữu, thì trong 4 tỷ lệ chi phối cơ bản gồm 49%, 51%, 65% hay 100%, TTC luôn ưu tiên con số 51% và dần tiến đến mức cao nhất.

Ấp ủ giấc mơ mới

Vừa pha trà, vừa giới thiệu về sản phẩm ô long mà TTC đang trồng tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), ông vừa bảo rằng, ông còn nhiều kế hoạch ấp ủ ở phía trước. Bởi bên cạnh lĩnh vực mía đường - nông sản, TTC còn được biết đến là một Tập đoàn đầu tư đa ngành, đa dạng trong các lĩnh vực đầu tư: bất động sản, năng lượng, giáo dục và du lịch, với quy mô gồm 4 tổng công ty, 1 ủy ban ngành, hơn 150 đơn vị trực thuộc và hơn 10.000 cán bộ, nhân viên.

 

“Dậm chân tại chỗ là xuống dốc. Doanh nhân cũng như những chiếc máy tính, phải thường xuyên nâng cấp cả phần cứng lẫn phần mềm, loại bỏ những phiên bản cũ kỹ”, ông Thành nói.

“Phần mềm” của TTC chính là những thông tin cập nhật, những nghiên cứu về các lĩnh vực ngành nghề đang kinh doanh, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư, sản xuất - kinh doanh cho phù hợp. Còn “phần cứng”, đó chính là hệ thống cơ sở sản xuất - kinh doanh của TTC trải dài tại nhiều địa phương khắp cả nước.

“Mọi danh mục đầu tư đều phải hướng đến hai đối tượng: khách hàng và người lao động. Phải làm sao để phục vụ tốt nhất khách hàng và tạo điều kiện để mọi cán bộ nhân viên có điều kiện làm việc tốt nhất, để họ luôn tự hào về nơi mà họ cống hiến - gắn bó hàng ngày. Gầy dựng lực lượng hiền tài luôn được đưa vào nhóm những chiến lược phát triển của Tập đoàn”, ông cho biết thêm.

Có được sự ủng hộ của cả khách hàng và nhân viên, ấy là cái gốc để TTC có thể tiếp tục khẳng định dấu ấn thương hiệu Việt, không những trong nước mà cả quốc tế.

Trò chuyện với doanh nhân Đặng Văn Thành:

 

Sự khác biệt giữa hiền tài và nhân tài là gì, thưa ông?

Nhân tài là nguồn nhân sự từ bên ngoài, chủ yếu là các chuyên gia được mời gọi vào những vị trí mà chúng tôi chưa đào tạo kịp. Nhưng chúng tôi rất hạn chế làm việc này. Đào tạo đội ngũ sẵn có chính là phương thức “nhân giống”, đồng nhất văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo nên nhóm hiền tài cho doanh nghiệp, làm trụ đỡ vững chắc để dù phong ba bão táp đều có thể vượt qua.

Hậu M&A là những câu chuyện liên quan đến văn hóa doanh nghiệp. Ông giải quyết như thế nào?

Đa số các thương vụ M&A của TTC đều thành công. Nếu có trở ngại, tôi chọn cách giải quyết nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, như dành vài buổi nói chuyện trực tiếp với nhân viên, gieo cho họ lý tưởng sống và trách nhiệm với xã hội để toàn tâm trong công việc.

Ông còn duy trì thói quen chạy bộ vào 2 giờ chiều mỗi thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần hay không?

 

Giờ lớn tuổi nên tôi chỉ chơi thể thao và đạp xe. Để có sự dẻo dai, tôi đứng lên, ngồi xuống ít nhất 20 lần/ngày, rồi uống một ly nước chanh mỗi buổi sáng. Nhưng tôi vẫn mê chạy lắm. Cứ nhìn vào 10 bình chứa khoảng 200 lít mồ hôi, tôi sẽ biết sức khỏe của mình đang như thế nào.

Triết lý kinh doanh của ông là gì?

Công nghệ sẽ hỗ trợ chứ không thể thay thế con người. Bởi, mọi thứ đều do bộ óc con người xây dựng nên. Và chúng ta đang tạo nên những cuộc cạnh tranh thú vị.

Nên đọc
Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo