Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Đỗ Hoàng Mỹ Linh và trái tim nóng đỏ một tình yêu gốm Việt

Dẫu chẳng phải là người con của quê gốm Bát Tràng, nhưng vì chót yêu nét tinh tế trong từng đường nét hoa văn, yêu từng màu men gốm tạo nên cái hồn cốt riêng có của làng gốm nổi tiếng nhất Việt Nam, chị Đỗ Hoàng Mỹ Linh, giám đốc Công ty Gốm Sứ Mỹ Linh đã hiến trọn trái tim mình cho tình yêu gốm Việt và giờ đây, nhắc đến Mỹ Linh là người ta nghĩ ngay đến Gốm Sứ Bát Tràng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.

Đời nọ nối tiếp đời kia, cứ thế cha truyền, con nối, từ khi hình thành đến nay, những nghệ nhân gốm Bát Tràng đã tạo ra không biết bao nhiêu sản phẩm từ thứ đất sét vô tri, thổi vào từng món đồ thứ hồn thiêng của đất trời và tâm nguyện bao đời của người dân nước Việt. Những bộ lư hương, lục bình, bát đĩa, ấm chén Bát Tràng… theo chân người dân Việt đi đến khắp muôn phương, mang theo Quốc hồn, Quốc túy, mang theo niềm tự hào của dân tộc Việt.

Doanh nhân Đỗ Hoàng Mỹ Linh và trái tim nóng đỏ một tình yêu gốm Việt.

Gốm Bát Tràng đẹp và quý vậy mà cũng có những lúc phải lao đao vì không cạnh tranh nổi với những loại gốm công nghiệp đến từ Trung Quốc. Khi đất nước mở cửa, gốm Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã đẹp ùa vào len lỏi khắp các gian hàng, phố chợ làm cho nhiều lò gốm thủ công truyền thống lao đao. Vì mưu sinh, nhiều người phải đổi nghề, nhiều lò gốm nguội lạnh.

Có một người con gái Bắc lập nghiệp trong mảnh đất phương Nam xa xôi, mỗi lần về quê chị lại lang thang trong làng gốm tìm mua những món đồ mình yêu thích. Rồi khi sở thích của mình đã được thỏa mãn, chị lại trăn trở tự hỏi: Tại sao gốm đẹp vậy mà vẫn chỉ mãi ở làng nghề. Mình có thể làm gì cho gốm Việt vươn xa?

Được sự ủng hộ của chồng và gia đình, chị dừng tất cả các công việc kinh doanh hiện tại và bắt tay vào tìm hiểu một cách nghiêm túc về gốm Bát Tràng. Càng tìm hiểu chị càng bị “ma lực” của dòng gốm này cuốn hút và chị nguyện dành trọn tâm lực để nâng tầm cho dòng gốm quý Bát Tràng.

Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả, ông trời đã cho các nghệ nhân làng gốm đôi bàn tay tài hoa nhưng lại không cho họ cái tầm của một doanh nhân để phát triển gốm Bát Tràng lên một đỉnh cao mới. Chị Linh tự đặt lên vai mình cái trọng trách đó.

Đi sâu vào tìm hiểu, chị nhận ra gốm Bát Tràng trong quá trình sản xuất chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên không kiểm soát được chất lượng, tỷ lệ hàng không đạt lớn dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả kinh thế thấp. Việc định vị thương hiệuchưa đúng cũng là một nguyên nhân khiến gốm Bát Tràng khó tìm được đầu ra và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ.

 

Một trong những sản phẩm cao cấp của Gốm sứ Mỹ Linh.

Thời gian đầu xắn tay vào với gốm Bát Tràng, chị gặp không ít khó khăn. Định vị gốm Bát Tràng là dòng gốm cao cấp chị quyết tâm loại bỏ đi những sản phẩm không đạt chất lượng. Đó chính là lý do, thời gian đầu, Gốm sứ Mỹ Linh phải chịu sự thua lỗ liên tục, tuyển chọn hàng thì khắt khe mà thị trường lại nhỏ hẹp, mối quan hệ giao thương cũng chưa có nhiều, thu không đủ bù chi. Càng “bơi” càng đuối, chị phải bán đi nhiều tài sản để duy trì hoạt động của công ty.

Bước chân vào nghề năm 1998, thời điểm hai năm sau đó, năm 2000 có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức khi vợ chồng chị như rơi vào bế tắc, khánh kiệt đến mức có lúc cả hai người chỉ còn đúng 6.000 đồng trong người. Khi đó, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp còn do sự lấn át của sản phẩm gốm sứ có công nghệ sản xuất từ Trung Quốc… khiến các doanh nghiệp gốm sứ  nói chung và gốm sứ Mỹ Linh nói riêng phải đối mặt với tình thế khó khăn. Lúc bấy giờ, chính gia đình là chỗ dựa vững chắc giúp chị củng cố quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.

Lòng đam mê, nhiệt huyết được đền đáp sau những quyết tâm nỗ lực, gắng gượng rồi bứt phá vươn lên, gốm sứ Mỹ Linh đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Năm 2014, chị chính thức thành lập công ty TNHH Thương mại dịch vụ Gốm Sứ Mỹ Linh chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng gốm sứ Bát Tràng danh tiếng, chính thức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và công nghiệp đang có mặt trên thị trường. Với những hoạch định chiến lược và đầu tư đúng đắn được thiết lập lại toàn diện, chị vực dậy hệ thống sản xuất và giới thiệu thành công gốm sứ Mỹ Linh đến các đối tác nước ngoài. Dựa trên nền tảng làng nghề truyền thống Bát Tràng với các sản phẩm gốm sứ khác biệt và có kỹ thuật chế tác tinh xảo mà máy móc không thể thay thế được, chị cùng các nghệ nhân tiến hành nghiên cứu và vận dụng thêm nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự khác biệt về tính độc đáo, mang bản sắc văn hoá bản địa và đánh trúng vào thị hiếu của phân khúc khách hàng mục tiêu.

Có thể nói, cho đến hôm nay, gốm sứ Mỹ Linh chính là một trong những bệ đỡ nâng gốm sứ Bát Tràng lên một tầm cao mới. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Gốm Sứ Mỹ Linh đã đưa gốm Bát Tràng chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu… và nhiều quốc gia trên thế giới. Thành công này của gốm sứ Mỹ Linh sẽ không thể nào có được nếu như nữ thủ lĩnh Đỗ Hoàng Mỹ Linh không có một trái tim nóng đỏ, lúc nào cũng đau đáu niềm đam mê giữ lửa cho cái nghề làm cho đất nở hoa.

Nên đọc
Theo Thương gia & Thị trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo