Doanh nhân John Le: Không thành công không có nghĩa là thất bại
John Le từng là một trong Top 40 doanh nhân thành đạt dưới 40 tuổi tại Mỹ khi sáng lập ứng dụng hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính và huy động hơn 35 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
Năm 2015, anh mang mô hình công nghệ bất động sản Propzy về thị trường Việt Nam với mong muốn đem đến sự minh bạch trong thông tin thị trường nhà đất. Gặp John trong những ngày cuối năm bận rộn, anh gây ấn tượng với vẻ ngoài năng động cùng khả năng tiếng Việt lưu loát dù sống ở Mỹ từ lúc 4 tuổi. Vừa “khoe” nền tảng Propzy trên điện thoại thông minh, anh vừa nói:
“Những vấn đề mà thị trường bất động sản Việt Nam thường gặp là thông tin không minh bạch và môi giới thiếu uy tín. Thực ra, không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia… đều gặp những vấn đề này. Vì vậy, việc tìm mua hay thuê một căn nhà vừa ý mất nhiều thời gian và công sức. Số lượng cổng thông tin bất động sản tại Việt Nam không ít nhưng phần lớn đều không có sự cam kết minh bạch thông tin hay bảo đảm quy trình giao dịch an toàn. Tôi cũng từng là “nạn nhân” của tình trạng này khi tìm thuê văn phòng làm việc. Nhân viên môi giới thường chỉ muốn nhanh chóng chốt hợp đồng để có hoa hồng. Thông tin mới, cũ lẫn lộn và không đáng tin cậy, thậm chí nhà đã bán mà môi giới không nắm được”.
Vì hầu hết người bán nhà thường nghĩ rằng gửi nhà cho nhiều nhà môi giới để bán được nhà nhanh hơn, nên mới có tình trạng nhà đã bán mà môi giới chưa kịp cập nhật…
Thực tế, quyết định bán nhà nhanh chóng chưa hẳn sẽ mang lại kết quả tốt vì có nhiều thông tin hoặc rủi ro mà người bán chưa lường trước được. Chính vì vậy, giao dịch bán với quy trình khép kín của Propzy sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho người bán ở mức thấp nhất, thông qua việc sử dụng ứng dụng Propzy đăng tin bất động sản (Owner DIY). Ứng dụng này giúp người bán tiếp cận đầy đủ thông tin về giá bất động sản đang giao dịch ở thời điểm hiện tại trong cùng khu vực. Từ đó, họ dễ dàng quyết định bán với giá nào là hợp lý nhất.
Ngoài ra, trong suốt quá trình giao dịch với Propzy, người bán có thể thấy được phản hồi của thị trường về bất động sản của mình, theo dõi được tiến trình và trạng thái của giao dịch một cách dễ dàng và minh bạch. Mặt khác, dịch vụ của chúng tôi cũng hỗ trợ người bán phân tích tình huống để có đủ thông tin và ra quyết định, từ đó họ có được kết quả giao dịch tốt nhất.
Xây dựng một trang web hoàn thiện về thông tin, hình ảnh, anh có nghĩ các nhà môi giới sẽ “xài chùa” thông tin để phục vụ cho việc bán hàng của mình?
Propzy đưa ra giải pháp nền tảng giao dịch để tất cả môi giới bất động sản có thể sử dụng để phục vụ việc bán hàng của họ và xem đó là lối mở để họ hợp tác với chúng tôi về sau. Nếu quan sát phản ứng của những người thiếu đói khi gặp thức ăn, chúng ta sẽ thấy rằng trong ngày đầu tiên, họ sẽ cố ăn cho thật no, xong xuôi còn giấu để mang về nhà. Ngày thứ hai, thứ ba, họ sẽ ăn no, nhưng không mang về nữa. Đến ngày thứ năm, thứ sáu, họ sẽ trò chuyện với người mang thức ăn cho mình. Đó là một phản ứng tự nhiên. Hiện nay, đội ngũ nhân viên kinh doanh của Propzy sẽ liên lạc và hướng dẫn người mua, thuê xem nhà, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nếu khách hàng yêu cầu.
Với tư cách là dịch vụ trung gian, người môi giới sẽ nhận thức đúng đắn vai trò của mình là người cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng đích thực cho chủ sở hữu. Cuối cùng, người tiêu dùng được thụ hưởng nhiều nhất từ công nghệ tiên tiến, tiếp cận được nguồn thông tin chất lượng và phong phú, thị trường minh bạch và những nguyên tắc tiêu chuẩn trong ngành.
Trước Propzy, cũng đã có một số ý tưởng tương tự ra đời nhưng không thành công. Có vẻ như anh thích chọn đường khó khi “đâm đầu” vào bất động sản, một thị trường “khó chơi” theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư?
Tôi thích chinh phục những con đường mạo hiểm và những thứ chưa ai làm. Khi còn ở Mỹ, trong khi mọi người tập trung học tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha thì tôi và cậu em trai học tiếng La-tinh. Tôi cũng đam mê chinh phục những trò chơi mạo hiểm, chẳng hạn như trò lướt ván buồm ở Mũi Né, Phan Thiết. Với môn thể thao này, người chơi sử dụng ván có gắn cánh buồm nhờ lực đẩy của nước để lướt trên mặt biển. Khi chưa bắt nhịp được với sóng và gió, tôi đã nhiều lần ngã nhào xuống biển, người đau ê ẩm… Cuối cùng, sau hai tuần kiên trì luyện tập và không ít lần uống nước biển đến… say, tôi đã thuần phục được chiếc ván trượt “khó bảo”.
Hầu hết những lần khởi nghiệp, tôi đều chọn làm những con đường chưa ai đi. Năm 2009, tôi cùng một trong ba công ty thông tin tín dụng lớn nhất thế giới TransUnion thành lập Trung tâm thông tin Tín dụng quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam chưa từng có một công ty tín dụng tư nhân. Vì vậy, tôi cũng đã làm việc với các bộ, ngành và đặc biệt là ngân hàng nhà nước Việt Nam và IFC để tư vấn về khung pháp lý và kinh nghiệm hoạt động thông tin tín dụng trên thế giới nhằm vận dụng tốt cho Việt Nam để đưa lĩnh vực này vào hệ thống pháp lý. Đến năm 2013, tôi lại bắt tay vào hỗ trợ các công ty Quản lý tài sản (AMC) của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam để giải quyết vấn đề nợ xấu – một vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế ở thời điểm đó. Propzy hình thành trong giai đoạn thị trường bất động sản còn nhiều rối rắm, phức tạp, nhưng tôi nghĩ rằng thị trường luôn dành cơ hội cho người giải quyết được vấn đề của ngành, chỉ cần chuyên nghiệp và biết đầu tư vào ứng dụng công nghệ. Thời đại công nghệ mà không ít ban quản lý ở các chung cư cao cấp vẫn dùng các ứng dụng Excel, Word… với quy trình rườm rà. Chúng ta cần áp dụng công nghệ để quản lý tối ưu, tiết kiệm thời gian, tiền bạc thì mới mong thị trường bất động sản có sự thay đổi theo hướng tích cực trong giai đoạn chuyển mình như hiện nay.
Sau khi thông tin của Propzy được đăng trên báo chí, nhiều người ủng hộ ý tưởng của anh nhưng cũng tỏ ra hoài nghi mô hình này sẽ sớm chết yểu do thị trường nhà đất TP.HCM có đặc thù mang tính địa phương rất cao, thủ tục pháp lý phức tạp, anh nghĩ sao về điều này?
Tôi đặt ra lộ trình của ý tưởng công nghệ bất động sản của mình là từ 4 - 5 năm. Nay chặng đường chúng tôi đi mới được 3 năm thì chưa thể nói về kết quả. Thực tế, 2 năm đầu, công ty chưa có lợi nhuận. Nhưng hiếm có người khởi nghiệp nào thành công từ những ý tưởng đầu tiên. Sau một, hai lần chảy máu, vết thương sẽ liền da và chai lì hơn với những tác động bên ngoài. Tôi lại là người “cứng đầu” và luôn kiên trì với mục tiêu của mình. Đến cuối cùng, nếu không thành công thì tôi cũng không cảm thấy hối tiếc vì đã đầu tư và cố gắng hết sức mình.
Điều quan trọng hơn là mỗi ngày tôi đều có niềm vui trong công việc khi thấy nhân viên của mình trưởng thành, phát triển. Những nhân viên trẻ trung, vui vẻ của tôi đang cùng nhau đưa công ty đi lên. Tôi cảm động khi thấy nhân viên thức đến sáng để chuẩn bị cho một văn phòng kịp ra mắt vào sáng hôm sau. Tôi không thể ép họ làm việc chăm chỉ nếu họ không thấy yêu công việc và công ty của mình. Trên cương vị là sếp, tôi có một cảm xúc tuyệt vời khó tả khi truyền được cho nhân viên niềm đam mê trong công việc.
Anh nói rằng hiếm có người khởi nghiệp nào thành công từ những ý tưởng đầu tiên. Anh từng khởi nghiệp khá nhiều lần, đầu tư vào các nhóm khởi nghiệp cũng không ít, vậy anh đã có bao giờ thất bại?
Thất bại hay không là do cách nghĩ của từng người. Riêng tôi, không thành công chưa hẳn là thất bại, vì tôi đã thu được những bài học hữu ích cho những lần đầu tư sau. Chẳng hạn, một trong những công ty tài chính đầu tiên của tôi ở Mỹ khá thành công được đề nghị mua lại với giá 200 triệu USD, tôi quyết định không bán. Sau đó thị trường đi xuống, tôi phải bán công ty với giá thấp hơn rất nhiều. Với mọi người, đó được xem là thất bại lớn, nhưng tôi xem đây là bài học về cách đánh giá thị trường và thời điểm ra quyết định. Từ những kinh nghiệm ấy, tôi lại sẵn sàng cho một dự án mới. Nếu cứ khư khư “ôm” thất bại cũ, chắc chắn tôi sẽ chẳng làm được gì tiếp theo. Trên sân tennis cũng vậy, tôi có một thói quen xấu là… đập gãy vợt để giải tỏa tâm lý. Vì vậy, tôi luôn phải mang theo nhiều cây vợt mỗi lần đến sân. Rõ ràng sau mỗi lần tâm lý được giải tỏa, tôi quên ngay cú bóng hỏng trước đó và thi đấu tốt hơn rất nhiều.
Trong thi đấu tennis, khả năng là một phần nhưng yếu tố tâm lý cũng quan trọng không kém. Đôi khi, chỉ một chút áp đảo về tâm lý đã khiến đối thủ mạnh hơn phải chịu thua. Trong làm ăn cũng vậy, yếu tố tâm lý cũng góp phần làm nên thành công của một bản hợp đồng. Có lúc tôi đặt cược với chính mình bằng một đòn tâm lý cho đối tác, như một hợp đồng kinh doanh tôi ký năm 1999. Đó là một ngày cuối năm, trong tài khoản của công ty chỉ còn khoảng 20 ngàn USD, không đủ trả lương cho 30 nhân viên đang chờ nghỉ tết. Tôi chỉ còn 3 ngày để thương lượng một hợp đồng, trong đó có hai điều khoản tôi không thể nhượng bộ vì nó sẽ mang lại những bất lợi cho công ty về sau. Luật sư thì hối thúc tôi phải chấp nhận vì chúng tôi đang cần nguồn tiền của đối tác. Cuối cùng, tôi đã có một quyết định mạo hiểm bằng tin nhắn cho đối tác: “Tôi sẽ có một chuyến bay dài bắt đầu từ sáng mai. Đến chiều mai khi máy bay đáp xuống, tôi muốn nhận một tin báo rằng các ông đồng ý với điều kiện tôi đưa ra, nếu không hợp đồng sẽ vô hiệu”. Trong chuyến bay dài 17 tiếng đồng hồ hôm sau, tôi như ngồi trên đống lửa. Thật may, phía đối tác đã đồng ý nhượng bộ trước sự cứng rắn của tôi. Nhiều hợp đồng làm ăn sau này cũng vậy, tôi luôn tìm cách xoay chuyển tình thế, không để mình bị lép vế trước đối tác, bằng cách thể hiện rõ quyền lợi của đôi bên. Chúng ta chỉ khó ra quyết định khi thấy mình ở “kèo dưới”, sẽ dễ dàng hơn khi nghĩ rằng mình không còn gì để mất!
Những lần “lên xuống” như thế trong làm ăn có lẽ đã tôi luyện cho anh một trái tim đủ mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh…
Đúng vậy, trong làm ăn, đôi khi kết quả thay đổi trong vòng 24 giờ. Nếu không có một cái đầu lạnh và một trái tim mạnh mẽ thì khó mà giữ cho mình sự bình tĩnh, sáng suốt trong công việc. Tôi có trái tim mạnh mẽ có lẽ cũng nhờ chơi thể thao lâu năm. Vì vậy, dù công việc ở công ty luôn chồng chất, tôi vẫn rời văn phòng lúc 17 giờ vào thứ Hai, Tư, Sáu để đến sân tennis. Tôi cũng không ôm đồm trong công việc mà phân quyền, giao việc cho nhân viên một cách rõ ràng. Nhiều việc tôi đã thấy ngay cách xử lý nhưng tôi vẫn dành cho nhân viên một, hai tuần để họ học cách suy nghĩ, sáng tạo, sửa sai. Ngay cả người trợ lý đã theo tôi nhiều năm vẫn phải học về cách tư duy đa chiều.
Có một điểm yếu thường thấy trong hầu hết nhân viên là suy nghĩ một chiều, chẳng hạn như khi tìm hình ảnh cho brochure thì họ nghĩ ngay đến một nhóm người quanh bản hợp đồng. Họ thường chọn một con đường quen thuộc để đến mục tiêu, nếu không may đụng phải một bức tường nào đó, họ cứ loay hoay tìm cách leo qua, trong khi chỉ cần lách qua phải hoặc trái một chút, đường đi đến đích lại khá thênh thang. Vì vậy, tôi luôn đòi hỏi nhân viên phải liên tục sáng tạo, cố gắng nghĩ khác và làm khác. Có vẻ như tôi là người sếp khó tính khi để ý đến từng chi tiết nhỏ trong công việc. Tôi luôn quan niệm từng việc nhỏ có thể làm thay đổi mục tiêu lớn. Đâu là điểm khác biệt giữa dịch vụ của khách sạn năm sao và khách sạn bình dân? Ở khách sạn năm sao, từ người mở cửa xe đến nhân viên phục vụ phòng đều chào đúng tên bạn, còn ở khách sạn bình dân thì ngay cả lễ tân cũng không biết bạn là ai. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng có thể khiến khách hàng hài lòng và cảm thấy khác biệt. Tôi luôn cố gắng để nhân viên trải nghiệm nhiều để họ tự ý thức được cách làm sao cho dịch vụ của mình tốt hơn. Thật vui vì nhân viên vẫn “chịu” lắng nghe những đòi hỏi của một ông sếp khó tính.
Trong lúc trò chuyện, anh hay dùng tay phải vuốt ngón cái của bàn tay trái, đó là một thói quen của anh?
Đây là một thói quen vô thức khi tôi tập trung. Móng tay cái của tôi bị hư từ khi tôi học tiểu học, là một kỷ niệm đáng nhớ vì… yêu sớm. Tôi ngỏ lời với một cô bé xinh đẹp láng giềng, nhưng cô ấy muốn đóng cửa từ chối. Tôi vội đưa ngón tay cái ra… chặn cửa lại, hành động điên rồ này để lại hậu quả là móng tay tôi bị hư. Đến nay, trong những cuộc họp căng thẳng, khi tập trung quá mức, tôi hay dùng tay gỡ móng tay này đến tứa máu, khiến nhiều đồng nghiệp lo lắng…
Khi trưởng thành, anh còn có hành động điên rồ nào với các cô gái xinh đẹp không?
Không đâu. Nay tôi không yêu các cô gái xinh đẹp bằng những nhân viên chăm chỉ, chịu khó. Chỉ cần họ sẵn lòng học hỏi thì tôi luôn đủ kiên nhẫn để giúp họ tiến bộ. Tôi cũng quý những người chịu hợp tác để cùng phát triển. Một số người hỏi tôi rằng người Việt Nam ở Mỹ có hay bị kỳ thị không? Tôi nói rằng người Việt hầu như không bị người nước ngoài kỳ thị, chỉ có sự kỳ thị, bất hợp tác trong chính những người đồng hương chúng ta mà thôi. Trước đây, một cô bạn luật sư của tôi từng có ý định kết nối những người Việt ở Mỹ để tạo một network mạnh mẽ tương trợ lẫn nhau như người Ấn Độ, Trung Quốc, Do Thái… nhưng cuối cùng cô thất bại vì người Việt chúng ta thiếu sự đoàn kết, thật đáng tiếc!
Tôi luôn tin đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh. Thành công của một doanh nghiệp là công sức của tập thể chứ không chỉ nhờ một ông giám đốc giỏi. Nếu có sự đoàn kết giữa những doanh nghiệp như Propzy cùng cộng đồng các nhà môi giới, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo nên một thị trường bất động sản không còn rối rắm như hiện tại. Còn hiện giờ, điều tối thiểu mà Propzy có thể mang lại cho thị trường là giúp mọi người có thể chạm đến được những thông tin xác thực và những chuẩn mực an toàn.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo