Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Kiên trì làm giàu từ tài nguyên bản địa
Nghĩ bằng đầu, làm bằng tim
Sinh ra trong một gia đình 3 đời làm nghề gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh khi còn là một cậu bé 12 tuổi đã mường tượng về một ngày có thể “cách mạng ngành gốm sứ”.
Và rồi ước mong trẻ con có cơ hội trỗi dậy. Ông kể, khi nghe lại câu chuyện, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từng nói với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tại sao một tỉnh làm sành sứ như Bình Dương lại không thể sản xuất một bộ đồ trà để tiếp khách mà phải mua sản phẩm ngoại, ông như được châm ngòi nổ.
“Câu nói ấy đã châm ngòi để tôi bắt đầu hành trang 2 năm, tìm đến những nơi có sản phẩm chất lượng cao nhất để học hỏi”, sáng lập thương hiệu Minh Long nói.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, ông dệt mơ ước trong đầu, trong tâm để đến một ngày, cơ hội đến, ông sẵn sàng bắt lấy và thăng hoa.
Nhưng ông cũng hiểu, để chuyển đổi quy mô từ những làng nghề truyền thống trở thành các công ty sản xuất theo quy trình công nghiệp không hề dễ dàng, nhất là khi trong các sản phẩm cao cấp, 80% là linh hồn của bàn tay người thợ. Suy nghĩ bằng đầu, nhưng sẽ làm bằng cả trái tim, ông nói lại cảm xúc hồi đó.
“Máy móc thiết bị là phần cứng, còn phần mềm là linh hồn mới quan trọng. Nói nôm na là cần giải pháp mới để rút ngắn quy trình, nhưng phần hồn phải được lưu giữ nguyên vẹn”, ông Minh lấy ví dụ về công nghệ một lần nung độc quyền trên thế giới giúp Minh Long tiết kiệm 3 - 7 lần chi phí cũng như thời gian sản xuất.
14 năm trước, Minh Long từng gặp nhiều khó khăn khi quá chú trọng đầu tư máy móc công nghệ Nhật Bản khiến chi phí sản xuất tăng vọt. Kèm theo đó, giá gas, lương nhân viên đều tăng trở thành bài toán khó. Quyết định chuyển đổi tất cả sang công nghệ 1 lần nung được đưa ra, nhưng các thành viên ban điều hành rất phân vân bởi chỉ cần một rủi ro nhỏ, họ sẽ mất uy tín và cả thị trường.
“Số phận ngặt nghèo buộc chúng tôi phải ra quyết định, buộc chúng tôi phải thành công”, người sáng lập thương hiệu gốm sứ Minh Long nói.
Bản thân là nguồn vốn vô hạn
Ông Lý Ngọc Minh có những quan sát riêng về giới start-up, nhất là những khó khăn của họ trong việc kêu gọi các nguồn lực. Ông cho rằng, start-up phải dựa vào nguồn lực của chính mình là chính.
“Rất khó thành công nếu dựa vào tài chính của gia đình hay tình cờ may mắn. Các start-up phải thể hiện sự triển vọng để nhà đầu tư nhìn thấy khả năng thành công cao”, ông Minh nói.
Tất nhiên, người sáng lập sứ Minh Long cũng nhấn mạnh, không nên đặt nặng vấn đề có tiền mới khởi nghiệp, vì tiền bạc, kiến thức, mối quan hệ đều là vốn.
“Trước hết, yếu tố quan trọng nhất là kiến thức sau đó tạo lập các mối quan hệ mới có thể gọi vốn thành công”, ông Minh tư vấn.
Đây cũng là yếu tố cốt lõi trong 5 nguyên tắc kinh doanh gắn bó với ông Lý Ngọc Minh hơn 40 năm qua.
Thứ nhất, đơn giản nhưng phải hiệu quả. Thứ hai, an toàn tuyệt đối để kiểm soát rủi ro yêu cầu đầu tiên. Thứ ba, kiên trì làm cho bằng được và hai nguyên tắc cuối cùng là vui vẻ, cởi mở cùng hợp tác chân tình kể cả với đối tác hay công nhân viên.
“Khi hợp tác với bất cứ ai, nhiều khi mình phải chịu “thua thiệt” một chút”, ông Minh đúc kết.
Tuy nhiên, sự sòng phẳng sẽ diễn ra như thế nào giữa “kèo trên” và “kèo dưới” dựa trên quy mô hoặc giá trị doanh nghiệp? Đã có công ty nước ngoài dành 4-5 năm thuyết phục Minh Long trở thành đối tác gia công, nghĩa là sản phẩm do Minh Long sản xuất, nhưng mang thương hiệu của họ nhưng ông Minh một mực từ chối với đề nghị này.
Đổi lại, sự nhượng bộ mang lại hợp tác win-win để sản phẩm mang thương hiệu của 2 cả đơn vị.
“Hát hoài 1 tuồng dù hay đến cỡ nào, khán giả cũng sẽ chán. Vậy phải luôn luôn có tuồng mới, sản phẩm mới”, ông Minh chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo