Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa: ​Mộc mạc nhưng 'chất'

“Mỗi lần ra nước ngoài nhìn những chiếc nút áo của Việt Nam lấp lánh trên bộ cánh lịch lãm của chính khách trong lòng lại trào dâng một niềm tự hào đến khó tả và điều đó càng làm mình quyết tâm để tạo ra những chiếc nút áo tuyệt phẩm hơn”, “Vua” nút áo của Việt Nam- Tôn Thạnh Nghĩa- chia sẻ.

Tôn Thạnh Nghĩa hiện là một cái tên rất quen thuộc và gắn liền với công việc sản xuất nút áo xà cừ bán cho cả thế giới. Tại Việt Nam, Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Thuận An, Bình Dương) là lớn nhất, trên thế giới công ty do ông Nghĩa làm chủ là một trong ba doanh nghiệp đứng đầu. Tận mắt chứng kiến hàng loạt mẫu mã nút áo xà cừ (sản xuất bằng nguyên liệu vỏ ốc, sò, trai..) với đủ loại họa tiết chạm trổ tinh xảo thật không ngoa khi gọi Tôn Thạnh Nghĩa là “Vua nút áo” và ông đã làm thăng hoa cho một nghề thủ công truyền thống và thu về hàng triệu đôla mỗi năm.

Ngày trước, sản xuất nút áo còn ở mức độ thô sơ và luôn chịu cảnh bị cạnh tranh khốc liệt, đối thủ chính chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện nay sản phẩm hầu hết đều xuất khẩu thông qua dăm đầu mối ở Đức, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, nút áo Tôn Văn được phân phối đến hơn 100 quốc gia, đặc biệt các hãng thời trang nổi tiếng của thế giới tại Ý, Anh, Mỹ, Pháp như Nike, Guci, G&G… là bạn hàng lâu năm. “Văn minh châu Á gắn liền với đôi đũa, người cầm đũa thì khéo tay. Công nhân của tôi vốn đã khéo tay lại được học nghề bài bản nên sản phẩm họ tạo ra khách hàng Đông Tây đều ưng và tìm đến tận nhà mua”, ông Nghĩa dí dỏm.

Ông Tôn Thạnh Nghĩa luôn tự hào mình là doanh nhân nước Việt.

Trong ngành may mặc, chiếc nút áo chỉ là một phụ kiện nhỏ nhưng lại không thể thiếu được, đặc biệt là gắn liền với hai chữ thời trang. Ông Nghĩa nói, ngành thời trang thế giới thay đổi “gu” chừng 10% mỗi năm, đây là một “trò chơi” không hơn nhưng đủ làm cho cả thế giới đảo điên. Riêng phụ kiện nút áo tính dịch chuyển về “gu thẩm mỹ” không nhiều nhưng sự đòi hỏi luôn khắt khe. Để đáp ứng được những điều khắt khe đó, những chiếc nút áo từ hình dáng tròn, vuông, méo rồi đến họa tiết chim cá, gam màu tối sáng cho hợp gu khách hàng luôn là điều thú vị, đòi hỏi đôi tay người thợ phải nhanh, chậm tay là tụt lại phía sau.

Sản xuất nút áo xà cừ là nghề thủ công truyền thống, nhưng để tạo ra được những chiếc nút áo đẹp đến sắc sảo như một tác phẩm hội họa là một công việc trần ai đầy gian khó, chính quá trình dựng nghiệp của ông Nghĩa đã chứng minh.

Tôn Thạnh Nghĩa người Quảng Nam, “chất Quảng” luôn vận vào con người, ông sống mộc mạc đến giản đơn nhưng lại rất quyết liệt trong cách nghĩ và cách làm. Ngày trước ông cũng nghèo khó như bao người Quảng Nam khác nhưng ông tự nhận mình là người có chí và không ngại khổ trước bất cứ điều gì. Ông nói rằng, ông sợ nhất người ta gọi mình là “đại gia” vì khi mặc áo đại gia thì khó chơi được với nhiều người, nhất là người nghèo.

Ông Nghĩa tốt nghiệp ngành Thủy lợi Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ra trường ông làm viên chức nhà nước không lâu rồi đầu quân cho một công ty sản xuất nút xà cừ của Nhật Bản, sau đó làm đến chức phó giám đốc. Năm 35 tuổi, ông Nghĩa lấy bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, ông kể thời đó làm việc và học như điên chỉ nhằm một mục đích duy nhất là kiếm thêm gạo để nuôi vợ và hai con.

Năm 1997, ông Nghĩa rời công ty của Nhật trở về lập Cơ sở sản xuất nút áo Tôn Văn, tiền thân Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn. Công ty Nhật sau đó chuyển giao cho một doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp này hiện là đối tác chuyên đặt hàng của “người làm công” họ Tôn năm nào để cung cấp cho cả thế giới.

 

Để làm ra được những chiếc nút áo xà xừ đẹp, hợp mốt là cả một cuộc “đấu tranh” không ngừng nghỉ. Ông Nghĩa chia sẻ, ngoài trí tuệ và sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ, để có sản phẩm tốt phải cần đến máy móc hiện đại. Vì thế công ty đã phải phải nhập khẩu từ Ý các loại máy như máy làm nút tự động, máy khoan lỗ vuông, máy khắc chữ bằng tia laser trên bề mặt lẫn bề dày hạt nút.... “Những thành công không phải từ những cỗ máy nhập khẩu, cái chính là cải tiến nó để tạo ra được những sản phẩm xuất sắc, năng xuất cao, chi phí sản xuất thấp, giúp doanh nghiệp có lãi, công nhân được hưởng lương cao hơn” - ông Nghĩa đánh giá.

Ông Tôn Thạnh Nghĩa (trái ảnh) luôn sát cánh với công nhân trong từng công đoạn sản xuất.

Khởi nghiệp ở tuổi 40, sau 20 năm dồn hết cả tâm lực để gây dựng doanh nghiệp với vô vàn khó khăn lẫn thất bại và những điều ông có được ngày nay đều lấm bết mồ hôi. Bước sang năm Mậu Tuất này, ông Nghĩa tròn tuổi sáu mươi nhưng trông rất trẻ, hào sảng trong cách sống và luôn tự nhận mình là người may mắn. “Tui nhìn lên mình chưa bằng ai nhưng nhìn xuống thấy hơn hẳn lắm người, đời như rứa là quá vui rồi”, ông Nghĩa nói.

Trong niềm vui mà ông đang có, tôi nhận ra trên khuân mặt khá góc cạnh của doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa đậm nét khao khát làm giàu mà theo ông là làm một doanh nhân để có bản lĩnh, có điều kiện để giúp được nhiều người, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Bao năm vất vả làm lụng, ông Nghĩa đúc kết làm ăn phải nghĩ đến những nhu cầu rất đời thường, lợi nhuận thu được cao cho doanh nghiệp là tốt nhưng công nhân hưởng lương cao, đời sống của họ hạnh phúc sẽ tốt hơn nhiều. Trong làm ăn, chữ tín là điều quan trọng nhất, vì chỉ một lần thất hứa sẽ rất khó cho những lần bắt tay về sau. “Là doanh nhân, trước hết anh phải sống có ích cho cuộc đời. Khi bước chân ra khỏi biên giới, phải nghĩ đến hình ảnh của cả dân tộc, bản thân anh phải tự khẳng định bằng bản lĩnh của mình, đừng để cho người ta xem thường. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi đưa ra thế giới chính là hình ảnh, danh dự của đất nước và phải sống chết về điều đó” - ông Nghĩa khẳng định.

Ngoài làm chủ doanh nghiệp, ông Nghĩa còn phụ trách Ban công tác xã hội của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn. Với công việc này, ông Nghĩa có thêm điều kiện gặp gỡ những mảnh đời gian khó khắp cả nước. Sau mỗi chuyến đi, ông Nghĩa nói rằng, những tha nhân mà ông gặp đã cho ông thêm sức mạnh, để sống cuộc đời có ý nghĩa và làm lụng hăng say thêm. Tết này ông Nghĩa ao ước Việt Nam ngày càng có thêm người giàu và người nghèo ít đi. Như vậy theo ông Nghĩa giới doanh nhân nước nhà phải lao động bằng khoa học và cật lực hơn.

 

Nên đọc
Theo Báo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo