Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân trẻ Lý Huy Sáng: Chần chừ tự động hóa sẽ mất cơ hội

Lý Huy Sáng, con trai cả của ông Lý Ngọc Minh, là một con người duy mỹ trong cả cách sống, cách làm và cách tư duy. Anh còn là người tiên phong trong cuộc cách mạng về công nghệ đầy quyết liệt, góp phần đưa Minh Long lên một đẳng cấp mới.

Khi robot vẫn còn là một lĩnh vực quá mới mẻ với các nhà sản xuất Việt Nam, thì Minh Long đã tiên phong trong việc đưa robot vào sản xuất từ rất sớm, cơ duyên nào giúp anh tiếp cận với robot?

Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với công nghệ robot là khoảng năm 2003, khi tham quan nhà máy sản xuất đồ gốm sứ bên Đức, tôi thấy mình như lạc vào thế giới khác. Trước giờ, tôi quan niệm ngành gốm sứ là “chân lấm tay bùn”, bước vào nhà máy người ta thấy hoàn toàn khác. Con người hoàn toàn không tham gia vào quá trình sản xuất; mình ước mơ một ngày nào đó sẽ làm được như vậy.

Tới 2005, tôi thuyết phục ba mua robot, cuối cùng không được duyệt. Đối với nhà sản xuất đó là đầu tư… xa xỉ, vì tất cả đều tính lên chi phí đầu vào. Không đơn giản chỉ là mua con robot về, giống như ngày xưa mình mua một chiếc vi tính vậy. Ba rất thương tôi, mua về chiếc máy tính đầu tiên, khi nhấn nút màn hình lên, chờ hoài không thấy gì hết. Gõ vào chơi game, chơi đánh cờ, chẳng thấy gì hết. Tôi đậy máy lại cả đêm băn khoăn.


 

Ngày xưa không có Internet, mình quậy cả tuần không làm được gì hết. Cuối cùng đi hỏi họ nói phải có phần mềm. Nó giống như con robot, phải cần có phần mềm. Thuyết phục mãi ba mới cho mua, giá khoảng 70.000 USD tại thời điểm đó. Con robot người ta bán chỉ ví như cánh tay, còn bàn tay lại mỗi cái khác nhau, phải nghĩ tới việc làm sao cầm nắm những sản phẩm gốm sứ.

Trong khi ngành mình lại chưa có người nghiên cứu chuyên ngành. Phải qua rất nhiều thời gian mới có thể đưa robot vào sử dụng. Vì robot trong ngành gốm sứ là thiết bị phức tạp, mỗi sản phẩm phải có quy trình khác nhau, cần tay nắm khác nhau. Chuyên gia thì hướng dẫn một thời gian là họ về. Phải cần đào tạo nhân viên, gửi qua Đức, Thái Lan đào tạo sử dụng robot, rồi mua nguyên bộ phận tay nắm về… Hơn nữa, robot xưa không hiện đại như bây giờ, quá trình lập trình phức tạp và chỉ thực hiện những động tác tương đối, nên mình phải hoàn thiện từ từ.

Minh Long đã trải qua những thử thách nào để có thể tự động hóa dây chuyền sản xuất?

 Quay lại bài toán chi phí, mình thuyết phục ngày đêm để ba đầu tư tự động hóa cao hơn nữa, hiện công ty có khoảng 30 con robot, nhưng mới chỉ ở giai đoạn 3.5 thôi chứ không tới 4.0. Phải đầu tư thêm rất nhiều để robot có những cảm biến, biết được môi trường xung quanh, nối được với trung tâm điều hành để tự động đổi tay nắm trên bàn tay để phù hợp từng sản phẩm. Phải làm sao để mỗi khi có con người, robot có thể dừng hành động của mình để không làm con người bị tổn thương… đó là cả một thách thức dài. Tới 2017, Minh Long mới áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất bằng robot.

Theo anh, vì sao các nhà sản xuất Việt Nam còn rất dè dặt với việc sử dụng robot?

 Trong cạnh tranh toàn cầu hiện nay, bài toán đầu tiên là hiệu quả, nhưng con người thông thường quan điểm ở hoàn cảnh cùng cực thì mới chịu thay đổi, còn đang ổn định thì không dễ thay đổi.

Thứ hai con người là bầy đàn, thấy người khác dùng rồi mới dùng theo. Ít ai dám là người đầu tiên.

Hơn nữa, khi quy mô sản xuất lớn rất khó thay đổi. Nên chăng, những nhà cung cấp tự động hóa sẽ tài trợ cho một số doanh nghiệp nhỏ. Sau khi họ chứng minh được hiệu quả đầu tư, và có sự tiếp sức của báo chí tuyên truyền, thì trong thời gian rất gần doanh nghiệp sẽ thấy cần phải thay đổi ngay.

Bài học nào đắt giá mà anh có thể chia sẻ trong quá trình áp dụng tự động hóa này?

 Nói thì dễ, nhưng làm rất khó, không phải có tiền là làm được. Tự động hóa là con dao hai lưỡi, tự động hóa có độ chính xác rất tốt, nhưng nếu công nghệ không ổn định thì sản phẩm lỗi hàng loạt ra càng nhiều, dẫn đến cửa tử nhanh hơn. Phải khắc phục công nghệ thật ổn định mới áp dụng tự động hóa được. Thời điểm cũng là yếu tố khá quan trọng khi áp dụng tự động hóa.

Một doanh nghiệp dù có nguồn lao động dồi dào, nhiều vốn mà cứ chần chừ hoặc không tính đến việc áp dụng tự động hóa thì đến một lúc nào đó, nguồn vốn không còn nhiều, doanh nghiệp muốn chuyển sang tự động hóa cũng đã muộn. Như vậy, mình đã tự đánh mất cơ hội tốt.
Khi nhà sản xuất nào đó muốn bước vào tự động hóa, phải ý thức được rằng mọi chuyện không dừng lại ở việc thấy robot, có những phần mềm mình không thể thấy được. Trên thế giới bây giờ có công ty đã thay thế cô tiếp tân bằng một chatbot, nghe tiếng tưởng con người nói chuyện với mình… nhưng toàn bộ đối đáp đều là tự động hóa hết, dựa trên cơ sở dữ liệu để trả lời tức thời.

Theo tôi, việc tự động hóa giúp ích rất nhiều cho sản xuất, kinh doanh, cho nông nghiệp. Tương lai 5-10 năm sau, trồng trọt sẽ được thay thế bằng drone (máy bay không người lái). Trên thế giới có những hội thảo khoa học giúp nhà kinh doanh thấy trước được tương lai. Thông tin rất quan trọng. Những doanh nghiệp thấy trước, có bước chuẩn bị, vì họ có được thông tin trước mình rất nhiều, từ đó chiến lược kinh doanh của họ cũng đi trước mình rất nhiều.

Ngành dầu khí Việt Nam mới bắt đầu, còn nước ngoài ngành dầu khí đang chết dần. Năng lượng gió, năng lượng mặt trời phát triển tầm cỡ nào đó thì dầu khí không còn chỗ đứng nữa. Họ chuyển hướng sang khai thác năng lượng từ thiên thạch trên trời, thế giới bên ngoài đã tiến rất xa trong tự động hóa.

Quay trở lại là chia sẻ thông tin, con người thường sợ hãi về những gì chưa biết, nếu báo chí chia sẻ nhiều về các doanh nghiệp thành công thì nhiều doanh nghiệp khác sẽ áp dụng mạnh hơn.

Vậy hiệu quả ban đầu đã được thể hiện thế nào thưa anh?

 Nguyên tắc kinh doanh của Minh Long xưa nay là lập công ty để hiệu quả và trường tồn. Nếu ai chứng minh được sẽ ổn. Ban giám đốc đã đồng ý cho tôi thực hiện ước mơ.

Ngày xưa, lương nhân viên thấp, nếu đầu tư máy robot cả chục triệu USD thì tính ra về mặt chi phí đầu tư cho tự động hóa như vậy quá cao, phần lợi nhuận thấp và khó khăn dòng vốn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài kiên định theo đuổi đầu tư công nghệ tới nơi tới chốn, kết quả đã được chứng minh bằng con số rõ ràng.

Trước khi đầu tư robot, mỗi ngày công ty sản xuất 100.000 sản phẩm/ngày, và sử dụng 1.500 nhân viên. Từ khi có robot, công ty tăng 250.000 sản phẩm/ngày, nhân viên giảm còn 800 người, tỷ lệ hàng đạt chất lượng cao tăng lên.

Trước đây mỗi lần nhân viên tăng ca phải trả thêm tiền tăng ca, phụ phí, bảo hiểm xã hội… khi tự động hóa không còn tốn những chi phí này nữa. Tình trạng mỗi lần có trận đấu bóng, nhân viên bỏ ca, ở nhà coi đá bóng, cuối tháng nhận lương xong là nhậu không biết ngày mai ra sao, bỏ làm… diễn ra thường xuyên trước đây, gây áp lực lớn cho nhà sản xuất.

Giờ có robot, trong những mùa thấp điểm thì công ty không tốn tiền vì mình có thể cho máy nghỉ hoạt động mà không phát sinh chi phí như thuê con người làm việc,  tốn thêm các chi phí như lương, bảo hiểm xã hội...  Và hơn nữa robot thì không mất chi phí đào tạo khi mở rộng dây chuyền sản xuất vì đơn giản là chỉ cần cài đặt thông số kỹ thuật là robot có thể hoạt động được ngay.

Đầu tư công nghệ đưa vào sản xuất, thường tâm lý doanh nghiệp hay chọn cái có sẵn, đã ổn định, Minh Long có đi theo hướng đó không?

 Có lẽ là không (cười). Cũng giống như Bill Gates lẫn Mark Zuckerberg, họ luôn chọn những hướng đi riêng để phát triển tốt hơn trong quá trình kinh doanh. Minh Long cũng đã và đang thực hiện điều đó.

Về đối tác, tùy vào từng dự án Minh Long sẽ chọn đối tượng phù hợp. Nếu đó là dự án có quy mô lớn, Minh Long ưu tiên chọn đối tác là những công ty lớn, uy tín và bắt buộc họ phải ký hợp đồng bảo mật thông tin trong 5 năm. Nếu đó là dự án vừa và nhỏ, Minh Long ưu tiên chọn startup.

Ưu điểm của những công ty này là họ luôn mong muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình một cách rộng rãi nên sẽ nỗ lực hết mình và có những chiến lược tốt để khẳng định thương hiệu. Từ đó, hai bên sẽ tạo ra sức bật mới, cùng nhau phát triển. Đồng thời, đây cũng là động cơ mới bắt buộc một số doanh nghiệp lớn hạn chế tình trạng ỉ thế độc quyền. 

Thời điểm anh mua con robot đầu tiên là do áp lực kinh doanh lớn hay do anh đam mê công nghệ?

 Do tôi đam mê công nghệ thôi, muốn có một công ty phát triển trường tồn. Là người đảm nhận trọng trách nặng nề ở Minh Long về quản trị, công nghệ, theo anh, Minh Long đang bước vào một giai đoạn mới với sự đầu tư bền bỉ thế nào suốt mấy năm qua, để chủ động đón đầu làn sóng cách mạng 4.0? Để làm được việc này, Minh Long phải có định hướng rất rõ ràng trong việc chuẩn bị về chiến lược kinh doanh, định vị thị trường, cũng như là việc chuẩn bị về con người.

Ngoài ra, việc chuẩn bị về mặt kĩ thuật là một việc thách thức nhất, cũng như là tốn kém thời gian nhiều nhất. 

Đầu tư rất lớn vào công nghệ trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, anh đã phải đối diện với những khó khăn gì từ vốn, từ tư duy cũ của đội ngũ, và từ chính cách quản trị của một công ty gia đình?

 Trong những thách thức này thì thách thức lớn nhất đó là cách quản trị gia đình. Vì là công ty gia đình nên luôn quan tâm đến độ an toàn trong chiến lược kinh doanh. Và để có sự an toàn thì phải làm chậm rãi, từ từ từng bước một. Nên có đôi khi sẽ làm mất đi cơ hội.

Cuộc cách mạng về công nghệ và quản trị này đã giúp Minh Long gặt hái quả ngọt như thế nào từ các dãy sản phẩm riêng biệt?

 Cái giúp nhiều nhất đó là tạo ra hiệu suất rất cao, từ đó giảm được chi phí sản xuất rất nhiều. Và có thể tạo ra được các sản phẩm mang tính cạch tranh hơn trên thị trường.

Anh muốn chia sẻ điều gì với các startup trong môi trường quyết liệt hiện nay? Tinh thần nào anh cho là cần thiết nhất để khởi nghiệp kinh doanh?

Tôi nghĩ mỗi startup cần phải có ba yếu tố, thứ nhất la lòng đam mê mãnh liệt, vì chỉ có đam mê mới có thể giúp cho ta không bỏ cuộc khi gặp phải thách thức nối liền thách thức.

Thứ hai là kiến thức, bạn không cần phải có học thức để thành công, nhưng không có kiến thức thì hầu như không có cánh cửa nào có tương lai tốt đẹp mở ra đón chào bạn cả.

Thứ ba là sự kiên nhẫn, kiên trì. Vì đằng sau những thách thức luôn là phần thưởng lớn cho những ai không bỏ cuộc.

Anh có niềm tin mãnh liệt vào con đường đã chọn?

Tôi luôn tin rằng trên đời này không có ngọn núi nào là dễ chinh phục cả, ngọn núi càng cao thì càng có nhiều thách thức, nhưng đó cũng là những ngọn núi đáng để cho chúng ta kính nể nhất.

Anh muốn giấc mơ về hạnh phúc sẽ hiện lên trong mỗi gia đình Việt như thế nào qua từng sản phẩm mình đã làm bằng sự tận hiến?

Hạnh phúc của tôi rất đơn giản, đó là khi thấy được khách hàng mua sản phẩm của mình là vì chất lượng chứ không phải vì những chiêu trò PR, marketing.

Nên đọc
Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo