Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Việt và câu chuyện hội nhập

Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam - ông Nguyễn Liên Phương - trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thị trường thế giới.

Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam - Ông Nguyễn Liên PhươngNăm 2015, nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ có hiệu lực. Theo ông, điều này mang lại cơ hội và thách thức nào cho các doanh nghiệp Việt?

 

Với việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ tiến một bước rất xa và rất cao trong việc xác lập thể chế kinh tế thị trường. Về mặt lý thuyết thì đây là cơ hội kinh doanh lớn chưa từng có, khi sân chơi ngày càng mở rộng, phẳng hơn, minh bạch và công bằng hơn. Nhưng cơ duyên này thực sự chỉ là cơ hội cho những người chơi ngang cơ với nhau, có đủ năng lực đua tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Tiếc là chúng ta hiện rất thiếu một đội ngũ doanh nghiệp - doanh nhân như thế. Nên trên thực tế, đây là những thách thức vô cùng lớn mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt.

 

Thách thức lớn như vậy nhưng theo nhiều cuộc thăm dò gần đây, phần đông doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhận ra, câu chuyện hội nhập với họ dường như đang ở đâu đó, không hoặc chưa phải chuyện của mình.

 

Nhìn vào đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp Việt hiện nay thấy chúng ta đang có một lực lượng kinh doanh rất đông đảo, khoảng nửa triệu doanh nghiệp với số lượng doanh nhân lên cả triệu người, tỉnh, thành phố nào cũng có nhiều ngàn doanh nghiệp, nhưng ở nhiều địa phương, doanh nghiệp có năng lực hội nhập thực sự có khi không đủ đếm trên đầu ngón tay. Doanh nghiệp có năng lực hội nhập phải có khả năng phát triển sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Hàng hóa dịch vụ trên thị trường hội nhập ngày nay biến đổi rất nhanh, những doanh nghiệp tham gia cuộc chơi phải có năng lực sáng tạo rất cao. Không cần nhìn xa xôi đến các doanh nghiệp EU, Mỹ, Đông Bắc Á, chỉ cần nhìn sang các nước xung quanh, hàng hóa dịch vụ của Thái Lan, Malaysia đang tràn vào thị trường Việt Nam, còn sang Bangkok tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng hàng Việt. Trong con số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm 2014, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 30%, năng lực cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt yếu vì rất thiếu vắng hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, thị trường.

 

Doanh nghiệp Việt phải làm gì để có thể nắm bắt được thời cơ do các hiệp định thương mại đem lại để đẩy mạnh xuất khẩu?

 

Để thoát khỏi thực trạng sức cạnh tranh doanh nghiệp yếu kém như hiện nay, câu hỏi có tính thời sự không chỉ là các doanh nghiệp phải làm gì, mà là Việt Nam phải làm gì để đưa nền kinh tế bước sang một trang mới với một mô hình phát triển kinh tế mới có sức sáng tạo vượt trội, tận dụng được tối đa cơ hội đang mở ra, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển thịnh vượng và bền vững. Mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, bán nguyên liệu thô, nguyên liệu sơ chế, sản xuất gia công lắp ráp như hiện nay đã hết động lực phát triển.

 

Tìm ra một mô hình phát triển kinh tế sáng tạo mới cho Việt Nam là một nhu cầu rất bức thiết mà chắc chắn trong thời gian tới đây, các nhà hoạch định chính sách kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải cùng nỗ lực tham gia. Mô hình kinh tế sáng tạo mới phải tạo ra môi trường thuận lợi và động lực để các doanh nghiệp Việt “lột xác” và lớn mạnh lên, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường hội nhập và giành thắng lợi. Còn nếu tiếp tục mô hình kinh tế như hiện nay, mọi nỗ lực cải tiến, dù tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cũng chỉ đem lại những thay đổi không đáng kể, và doanh nghiệp Việt cũng như phần nội lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ mất đi tính chủ động thị trường, ngày càng yếu và nhỏ dần trong tương quan với các doanh nghiệp nước ngoài và với các quốc gia khác.

 

 

Khách hàng Trung Đông thưởng thức sản phẩm trầm hương Việt Nam do Công ty LP Việt Nam giới thiệu tại Hội chợ Index Dubai 2014

 

 

Được biết, thị trường Trung Đông đang có sự bùng nổ đầu tư rất mạnh. Và Học viện Doanh nhân LP Việt Nam đang có nhiều hoạt động đưa doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường Trung Đông qua cửa ngõ Dubai (UAE) theo mô hình “đàn chim bay”. Ông có thể cho bạn đọc Báo Công Thương biết rõ hơn về những hoạt động này?

 

Từ 3 năm qua, chúng tôi dành nhiều tâm huyết đưa doanh nhân Việt đến Dubai, là đầu mối giao thương với khu vực thị trường Trung Đông đang phát triển năng động, rất tiềm năng cho hàng hóa dịch vụ Việt và là cửa ngõ marketing quốc tế, giúp quảng bá hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp Việt ra thị trường toàn cầu.

 

Chúng tôi đưa doanh nhân Việt tiếp cận Dubai còn vì điều quan trọng hơn: Sự phát triển thần kỳ của Tiểu vương quốc Dubai từ xuất phát điểm là một xóm chài chỉ trong vòng 30 năm đã trở thành một biểu tượng thành công làm kinh ngạc toàn thế giới nhờ lựa chọn được một mô hình phát triển cực kỳ thông minh và hiệu quả trong thế kỷ XXI. Trên cát trắng sa mạc và làn nước biển trong xanh, một thiên đường kinh doanh dịch vụ đa dạng, năng động, đẳng cấp cao, được cộng hưởng và thăng hoa bởi hình ảnh một thành phố trong mơ với những công trình xây dựng kỳ vĩ, thể hiện trí tưởng tượng và sức sáng tạo khó tin nhất. Trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu tái cấu trúc và sáng tạo một mô hình phát triển mới, Dubai không chỉ là một thành phố tráng lệ, hiện đại và kỳ diệu bậc nhất trên thế giới, mà còn là nơi có thể giúp cho các doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam hình thành và nuôi dưỡng những ý tưởng mới trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế và kinh doanh khác biệt, độc đáo, hiệu quả, khai thác được toàn bộ tiềm năng, thế mạnh của đất nước và con người Việt Nam.

 

Phương thức phát triển cũng có thể ví như việc chúng ta di chuyển, nếu chỉ loay hoay sửa chữa và cải tiến chiếc xe đạp thì cũng không thể nào thoát được phương thức di chuyển chậm như rùa của xe đạp. Chúng ta biết loài người đã sáng tạo ra nhiều phương thức di chuyển nhanh, an toàn, tiện nghi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.

 

Những hoạt động của chúng tôi có mục tiêu góp phần thay đổi tư duy kinh doanh của các chủ doanh nghiệp Việt. Thay đổi tư duy nhằm thích ứng với môi trường hội nhập biến động khôn lường là hoạt động đầu tư phát triển tiêu tốn ít nguồn lực vật chất nhất, nhưng nếu đổi mới được cách nghĩ - cách làm theo hướng sáng tạo vượt trội thì hiệu quả sẽ đến nhanh, to lớn và bền vững nhất.

 

Trân trọng cảm ơn ông và chúc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc góp phần xây dựng thế hệ doanh nhân Việt hội nhập, và hy vọng Báo Công Thương sẽ còn có nhiều cuộc trò chuyện thú vị với ông về chủ đề hội nhập kinh tế.

Theo báo Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo