'Mai Thành cổ' quyết tâm khởi nghiệp lại theo ước mơ nâng tầm ẩm thực Việt
Duyên - nợ với nghề
Chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, chị Mai cho biết, với gần 10 năm làm việc ở châu Phi và đã đạt thành công nho nhỏ với chuỗi cửa hàng nail & spa chuyên làm đẹp cho phụ nữ châu Phi, chị đã phát hiện ra một điều tuyệt vời rằng, các món ăn Việt Nam thực sự là một tài sản quý giá của quốc gia nhưng chưa được khai thác triệt để và chưa được nâng tầm giá trị.
"Tôi nhận thấy người nước ngoài ở Châu Phi, và ngay cả người Châu Phi đều rất rất thích ăn món ăn của Việt Nam, đặc biệt là các món phở, bánh mỳ, nem rán, bún chả... Họ trầm trồ, khen ngợi mỗi khi được tôi trổ tài nấu nướng thết đãi họ một món ăn Việt Nam nào đó. Từ đó, tôi có có ý tưởng và ấp ủ ước mơ mở nhà hàng, để ẩm thực Việt Nam được xứng tầm, và xa hơn là mang món ăn Việt Nam, ẩm thực Việt Nam ra thế giới", chị Mai kể.
Năm 2015 thị trường Châu phi có dấu hiệu lạm phát khủng hoảng tiền tệ do dầu mỏ mất giá, chị quyết định để lại công ty gồm các tiệm nail cho nhân viên "ruột" và đối tác ở lại trông nom. Chị về nước và mở cửa hàng kinh doanh các món đồng quê, đặt tên là Thành Cổ, tại số 60 phố Tô Hiến Thành.
Kinh doanh được hơn một năm, chị đóng cửa hàng vì doanh thu cao nhưng không có lãi, do một phần chị không biết nghề. Với thất bại này và muốn dành cho khách hàng những trải nghiệm thật sự ấn tượng về văn hóa ẩm thực Việt trong một không gian mới mẻ và xứng tầm hơn, chị lao vào học học hỏi nghề nhà hàng từ kiến thức ẩm thực, chuyên môn phục vụ, setup vận hành đến kinh doanh, bán hàng marketing, kế toán tài chính cho nhà hàng...
Cuối năm 2016, chị Mai thành lập Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Baobab, mở nhà hàng với tên cũ là Thành Cổ (kinh doanh ẩm thực Việt) và quán cà phê Vamos (văn hóa châu Phi) tại phố Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội.
Rút kinh nghiệm từ thất bại cũ, chị hoạch định chiến lược đầu tư phát triển bằng cách xây dựng thương hiệu cho cái tên Thành Cổ, định vị thương hiệu Thành Cổ, xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi, điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh, xây dựng hệ thống các chiến lược, hệ thống quy trình vận hành, quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống quản trị kinh doanh đặc thù cho ngành nhà hàng, xây dựng bộ công thức món ăn....
Vì thế, hơn một năm đầu, chị chỉ sử dụng phương pháp marketing truyền miệng là chủ yếu, chú trọng món ăn và dịch vụ để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Để có thời gian nghiên cứu hoàn thiện mô hình kinh doanh, hoàn thiện concept, cũng như mô hình quản trị phù hợp với tầm nhìn kinh doanh văn hóa ẩm thực Việt, chị đầu tư cho quảng cáo thương hiệu rất ít. Theo kế hoạch dự kiến của chị, hết năm 2018, đầu năm 2019 sẽ đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động truyền thông và marketing để đột phá doanh thu; đưa sản phẩm ra thị trường, kêu gọi đầu tư, và tập hợp nguồn lực nhằm tiến tới mở rộng hệ thống tại các tỉnh thành có du lịch phát triển, xa hơn nữa là xuất khẩu ra nước ngoài...
Nhưng thật không may, từ giữa năm 2018, đối tác bên Châu Phi đóng cửa công ty cũ, chuyển hết cơ sở kinh doanh sang công ty mới và lấy hết toàn bộ cổ phần của chị. Mất thị trường Châu Phi, chị quyết tâm dồn toàn bộ tâm huyết cho Baobab, cho dự án Thành Cổ.
"Nhiều đêm tôi thức trắng làm việc để nghĩ cách tối ưu mô hình kinh doanh, mô hình quản trị. Đến nay, Thành Cổ đã vượt qua thời điểm khó khăn của giai đoạn khởi nghiệp, đã có lãi, đã nắm được đâu là chìa khóa thành công, đã tự tin trong tương lai sẽ trở thành mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá, và rất hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng tôi bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Gần 1 năm, tôi nỗ lực cố gắng một mặt động viên trấn an nhân viên, một mặt tham gia học các lớp đào tạo kỹ năng huy động vốn, thiết kế slide thuyết trình, nỗ lực tìm kiếm các nhà đầu tư, hoặc các đối tác, các doanh nhân lớn, các hội, nhóm, cộng đồng... nhưng đều thất bại và bị từ chối đầu tư", chị Mai chia sẻ.
Quyết tâm khởi nghiệp lại
"Với những gì đã trải qua trong thời gian qua, tôi quyết định cho tạm dừng hoạt động nhà hàng Thành Cổ để xử lý các công việc cấp bách bảo vệ uy tín cá nhân, để có thể tiếp tục khởi nghiệp lại dự án kinh doanh thương hiệu Thành Cổ, tiếp tục thực hiện khát vọng và sứ mệnh tiên phong: nâng tầm ẩm thực Việt thông qua văn hóa ẩm thực Việt Nam bằng một chuỗi nhà hàng & khách sạn Thành Cổ", chị Mai cho biết.
Theo chị Mai, quyết định dừng hoạt động nhà hàng Thành Cổ chỉ là thất bại tạm thời, và chị sẽ không từ bỏ ước mơ. Sự thất bại lần này giúp chị nhận ra những sai lầm của mình trong cách dùng người, trong môi trường kinh doanh, rào cản pháp lý. Thất bại cũng giúp chị nhận rõ điều quan trọng nhất phải làm là giáo dục. Chỉ có giáo dục thì mới có thể mới tạo nên văn hóa tốt cho tư duy, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hay đơn giản là 1 nhân viên.
"Nhận thức rõ vấn đề này, mình sẽ không làm từ ngọn nữa mà sẽ làm từ gốc. Theo đó, sau khi thanh lý Thành Cổ, mình sẽ chia sẻ kiến thức của mình bằng việc viết sách và tặng sách về chủ đề tránh thất bại khi khởi nghiệp ngành F&B.
Trước mắt, chị sẽ chia sẻ miễn phí toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, cũng như những quy trình, hệ thống,... mà đội ngũ Thành Cổ đã tạo ra dưới sự hướng dẫn tư vấn của chuyên gia Hà Lan do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội giới thiệu, cũng như sự tư vấn của rất nhiều chuyên gia Việt Nam khác và các anh chị doanh nhân lớn, các chủ tịch câu lạc bộ, hiệp hội..., để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ngành F&B nói chung và ngành nhà hàng nói riêng.
Thông qua đó, chị cũng muốn tạo lập cộng đồng các bạn đã và sắp trở thành doanh nhân, chủ nhà hàng, chủ quán ăn, chủ doanh nghiệp F&B để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau, kết nối giao thương, cùng nhau thực hiện các dự án tiềm năng, cùng nhau tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho đối tác, cho bản thân và cho nhân viên của mình...
Không dừng lại ở đó, kế hoạch khởi nghiệp lại của chị Mai sẽ bắt đầu bằng mô hình nhà hàng ảo - bếp trung tâm (Cloud Kitchens). Mô hình này sẽ ứng dụng công nghệ trong quản trị và kinh doanh như bigdata, thương mại điện tử, ứng dụng giao hàng, nền tảng kết nối...
Theo đó, nhà hàng dùng ứng dụng kết nối mua hàng nhưng kết nối đó không chỉ đơn giản là một trang web, mà cũng như một nhà hàng bình thường, có khách vào nhà hàng, có mô phỏng concept nhà hàng..., cuối cùng ra bill, đơn hàng được chuyển đi cho khách hàng vừa order, thanh toán bằng thẻ tín dụng. Sau khi sản phẩm được phủ khắp nơi, khách hàng được biết đến thương hiệu thông qua ship, chị Mai mới mở nhà hàng thật.
Mô hình này được thiết lập nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, nghiên cứu sử dụng blokchain để minh bạch tài chính cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư cho dự án. Mục tiêu của chị là đưa sản phẩm của Thành Cổ tiếp cận với khách hàng được nhiều nhất, phủ được thị trường nhanh nhất, sau đó sẽ cho khởi tạo xây dựng lại concept nhà hàng Thành Cổ với phiên bản mới hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn mang đậm phong cách và bản sắc Việt Nam.
Với kế hoạch khởi nghiệp lại, chị Mai mong nhận được sự ủng hộ của khách hàng, các nhà đầu tư, các doanh nhân đàn anh đàn chị... để dự án Thành Cổ mới sớm trở lại thị trường trong một diện mạo mới, và tiến tới chinh phục thị trường nước ngoài, để thông qua ẩm thực có thể truyền thông quảng bá được văn hóa Việt Nam.
Hi vọng bằng "tài sản" là kinh nghiệm sau thất bại, và đặc biệt là ý chí quyết tâm khởi nghiệp lại vì khát vọng nâng tầm ẩm thực Việt Nam, chị Mai sẽ tránh được những sai lầm trong quá khứ, sớm tìm kiếm được người đồng hành để hiện thực hóa ước mơ tăng giá trị cho ẩm thực nước nhà mà chị ấp ủ lâu nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo