Doanh nghiệp - Doanh nhân

8 nguyên tắc giúp đầu tư thành công từ Sir John Templeton

Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn….

Lời khuyên thành công từ Elon Musk nhắn gửi người trẻ / Bài học thành công của ông chủ Amazon gửi người trẻ

Sir John Templeton là một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại. Ông trở thành tỉ phú khi là người tiên phong thực thụ của các quỹ tương hỗ đa dạng hóa toàn cầu, bao gồm cả quỹ Templeton World Fund được lập nên năm 1978. Quỹ Templeton Growth Fund đã thu được tỉ suất lợi nhuận bình quân năm xấp xỉ 14% trong giai đoạn 1954-2004, cao hơn hẳn mức 11% của S&P.

Sinh thời, John Templeton sinh ra trong một gia đình nghèo ở Tennesee. Nhờ học bổng, ông đã theo học kinh tế học ở trường Yale và tốt nghiệp với vị trí đầu lớp năm 1934. Sau đó, ông tiếp tục theo học Oxford bằng học bổng Rhodes Scholar và lấy được bằng thạc sĩ về ngành luật năm 1936. Trở về Mỹ, ông lên New York làm nhân viên tập sự cho Fenner & Beane, một trong các hãng tiền thân của Merrill Lynch.

[Quy tắc đầu tư vàng] Không sợ lỗ với 8 nguyên tắc giúp đầu tư thành công từ Sir John Templeton - Ảnh 1.

5 năm sau đó, ông tiến hành mở công ty quản lý đầu tư đầu tiên của chính mình mang tên Templeton - Dobbrow & Vance, trong vũng sâu của cuộc Đại suy thoái năm 1937. Công ty quản lý đầu tư này khá thành công, tài sản tăng lên 300 triệu USD với 8 quỹ tương hỗ dưới sự quản lý của nó. Tên công ty sau đó được đổi thành Templeton Damroth và được bán đi năm 1968, vào thời điểm ông bắt đầu lại từ đầu với quỹ Templeton Growth Fund của chính mình, đặt trụ sở tại Nassau, Bahamas.

Templeton cũng lựa chọn quan điểm tránh xa phố Wall bằng cách đầu tư chủ yếu vào thị trường Anh và Nhật Bản. Chính điều này đã giúp ông trở thành một tỷ phú giàu có và đi đầu xu hướng đầu tư toàn cầu. Cũng nhờ có các nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, việc hoạch định tính toán thời gian của ông luôn hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Ngay từ giai đoạn đầu tiên của thời kỳ cổ phiếu ngành công nghệ và Internet bùng nổ những năm 1990, Templeton đã có được vị trí đáng kể trên thị trường cổ phiếu của lĩnh vực này và kiếm về cho mình cả một gia tài.

Trong vòng 25 năm sau đó, Templeton đã tạo ra một số trong những quỹ đầu tư quốc tế lớn nhất và thành công nhất. Ông bán lại các quỹ mang tên Templeton năm 1993 cho tập đoàn Franklin Group. Năm 1999, tạp chí Money bầu ông là "người lựa chọn cổ phiếu đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ". Templeton còn được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vì những thành tựu của mình.

Sau khi nghỉ hưu, Templeton trở thành một nhà hoạt động từ thiện rất tích cực trên khắp thế giới qua quỹ John Templeton Foundation. Quỹ đã tài trợ rất nhiều cho các nghiên cứu về tinh thần và khoa học. Mỗi năm ông đều dành tặng khoảng 40 triệu đôla cho các quỹ từ thiện song ông vẫn hết sức tận tụy với năng khiếu thiên bẩm của mình "nghiên cứu về đầu tư chứng khoán".

Là một trong những nhà đầu tư ngược xu thế hàng đầu của thế kỷ XX, John Templeton được giới đầu tư coi là người đã "mua cổ phiếu dưới đáy của cuộc Đại suy thoái, bán ở đỉnh của thời kỳ bùng nổ Internet và có vô số vụ đầu tư thành công khác giữa hai thời kỳ này."

Phong cách đầu tư của ông có thể được tóm tắt là tìm kiếm những cổ phiếu giá trị, mà ông gọi là "săn món hời", bằng cách tìm kiếm trong số nhiều công ty ở nhiều nước khác nhau thay vì chỉ một nước. Châm ngôn đầu tư của Templeton khá đặc biệt " Kiếm tiền bằng mọi giá luôn nhận sự thất bại. Mọi con đuờng dẫn đến thành công cần phải được trải nghiệm và nghiên cứu kỹ lưỡng". Ông cũng cho hay kinh nghiệm và kiến thức là một trong những nhân tố quan trọng nhất để trở thành một nhà đầu tư thành công. Dưới đây là 8 lời khuyên đúc kết dành cho các nhà đầu tư đại chúng mong muốn thành công:

1. Khi đầu tư, bạn cần có hứng thú và đam mê. Nhưng nếu chỉ yêu thích mà không bỏ thời gian nghiên cứu thì bạn sẽ gặp rủi ro.

2. Nếu chỉ là nhà đầu tư nghiệp dư, hãy phát huy những hiểu biết sẵn có để đầu tư vào những công ty uy tín. Đôi khí, lòng tin đầu tư vững vàng sẽ giúp bạn chiến thắng những đối thủ chuyên nghiệp.

3. Không ai có thể đoán trước tương lai, song song với việc dự đoán tình hình kinh tế và thị trường, nhà đầu tư nên tính đến những rủi ro mà cổ phiếu có thể đem lại.

4. Luôn luôn mua cổ phiếu ở một mức biên an toàn (margin of safety). Ai cũng ưa thích việc mua hàng khi đang giảm giá. Hoàn toàn tương tự trong việc mua bán cổ phiếu, nhà đầu tư thông thái luôn là người muốn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị của nó, thường chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mức chênh lệch thấp hơn đó chính là biên an toàn, tức là một khoảng cách an toàn để phòng ngừa rủi ro giá trị nội tại của cổ phiếu bị sụt giảm so với giá trị tại thời điểm nhà đầu tư mua vào. Tùy vào mức độ thận trọng, mỗi nhà đầu tư chấp nhận một mức biên an toàn khác nhau.

5. Quản lý các khoản đầu tư hết sức chặt chẽ. Templeton lưu ý rằng không có cổ phiếu nào có thể giữ vị trí số một mãi mãi. Các thị trường luôn ở trong trạng thái biến đổi liên tục và có thể thay đổi ngay lập tức. Nếu như nhà đầu tư không nhận ra được sự thay đổi, họ sẽ mất tiền.

6.Nhà đầu tư có câu trả lời cho mọi câu hỏi là người không hiểu về câu hỏi. Đừng nên tự tin thái quá khi tham gia thị trường. Theo cách diễn giải của kinh thánh, thất bại sẽ đến sau niềm tự hào. Sự tự tin thái quá trong phong cách đầu tư chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.

7.Nếu bạn muốn đầu tư cổ phiếu lâu dài, nhưng không muốn mất thời gian và công sức để có mặt trong những giờ học chứng khoán, bạn có thể đầu tư vào những quỹ có mô hình giống đầu tư chứng khoán, sự rủi ro sẽ ít hơn và thu được lợi nhiều hơn.

8. Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng nên luôn luôn giữ một phần vốn của bạn dưới dạng tiền mặt, không bao giờ nên đầu tư tất cả tiền của bạn vào cổ phiếu.

Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm