Doanh nghiệp - Doanh nhân

Áp lực khi người Thái 'mạnh tay' rót vốn vào Việt Nam

Làn sóng đầu tư từ Thái Lan vào Việt Nam không mới, nhưng gia tăng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 khi thấy rõ những cơ hội tại thị trường Việt Nam. Đằng sau những tín hiệu này có là mối lo nhiều ngành "rơi" vào tay người Thái.

Toyota Việt Nam ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2020 / Hyundai là thương hiệu bán nhiều ôtô nhất tại Việt Nam năm 2020, bỏ xa đối thủ Toyota

Gulf Energy Development Plc - nhà sản xuất điện tư nhân hàng đầu của Thái Lan đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam bằng cách mua lại 70,5% cổ phần của Global Mind Investment Management Pte (GMIM) từ Nech Opportunities Fund VCC với tổng số vốn đầu tư trị giá 40 triệu USD (1,2 tỷ Bạt).

Gia tăng "thâu tóm"

Theo Bộ Công Thương, việc mua cổ phiếu được thực hiện thông qua Kolpos Pte do Gulf sở hữu 100%. Kolpos Pte được thành lập tại Singapore nhưng điều hành các hoạt động tại thị trường Việt Nam.

SCG-thau-tom-nganh-bao-bi-4483-161104818

Tập đoàn SCG đã sở hữutới 7 công ty con trong ngành bao bì Việt Nam.

GMIM là công ty được đăng ký tại Singapore, hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp liên quan đến năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện và năng lượng gió, cũng như các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng như cảng và nhà kho. Mục tiêu đầu tư vào GMIM của Gulflà nhằm mở rộng hơn nữa đầu tư tại Việt Nam.

Việc mua lại GMIM là một phần trong khoản đầu tư trị giá khoảng 100 tỷ Bạt của Gulf được phân bổ trong 6 năm để mở rộng sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2020, dù tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế là rất lớn, nhưng những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của nhà đầu tư Thái Lan vẫn diễn ra sôi động tại thị trường Việt Nam. Cuối tháng 12/2020, TCG Solutinons thuộc Thai Containers Group, công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) đã đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu (94,1% vốn điều lệ) của Công ty Bao bì Biên Hòa nhằm mục đích đầu tư.

Bao bì Biên Hòa sở hữu tệp khách hàng tầm cỡ, trong đó các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Pepsi, Coca-Cola, LG... Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) này cũng cung cấp bao bì carton cho nhiều DN thuộc các ngành hàng như bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, dược phẩm.

Trước khi thâu tóm Bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG cũng chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu nhiều DN bao bì, vật liệu xây dựng khác như Nhựa Tín Thành, Prime Group...

 

Nói tới thu hút vốn FDI từ Thái Lan không thể không nhắc tới các dự án năng lượng tái tạo. Đầu năm 2020, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) đã thông báo mua lại 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước với tổng công suất 750 MW.

Hay Tập đoàn BG Container Glass (BGC), nhà sản xuất bao bì lớn nhất Thái Lan mới đây cũng đang có giao dịch với các nhà đầu tư Việt Nam để mua các trang trại điện mặt trời với giá trị dao động từ 800 - 1.600 tỷ đồng.

Trước đó, người Thái cũng thâu tóm hàng loạt DN bán lẻ lớn ở Việt Nam. Trong đó, những thương vụ lớn phải kể tới như Berli Jucker - đơn vụ thành viên của TCC Holdings mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD hồi năm 2015. Hiện, tập đoàn này đổi tên hệ thống bán lẻ thành MM Mega Market Việt Nam. Hay Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat không tiếc tay chi 1,14 tỷ USD mua lại siêu thị BigC từ đối tác châu Âu; tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi chi ra gần 5 tỷ USD thông qua công ty con để mua 343,66 triệu cổ phiếu Sabeco...

Cần góc nhìn đa chiều

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2020, Thái Lan có 40 dự án đăng ký mới, 23 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 100 lượt góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 và gần gấp 7 lần trong giai đoạn 2015-2020.

 

Hiện, Thái Lan là một trong 9 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế đến cuối năm 2020 là 12,8 tỷ USD, với 603 dự án. Vốn từ Thái Lan chủ yếu đổ vào các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, năng lượng sạch và bất động sản.

Bà Pannakarn Jiamsuchon, Tham tán thương mại Thái Lan tại Việt Nam cho biết, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên các DN Thái Lan đánh giá rất cao về cơ hội kinh doanh trong thời gian tới. Các nhà đầu tư đang ở Việt Nam cũng đang tính mở rộng đầu tư để tìm kiếm cơ hội từ các FTA.

Tuy vậy, cũng có vấn đề đặt ra là thông qua các thương vụ M&A, người Thái đã và đang nắm giữ thị phần lớn ở những ngành có tiềm năng và triển vọng trong tương lai của Việt Nam. Điển hình như trong lĩnh vực bao bì, SCG Group sở hữu tới 7 công ty con ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, ở một góc nhìn tích cực, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhìn nhận, M&A đang là xu hướng trong đầu tư nước ngoài. Đây không phải chuyện riêng của Việt Nam mà là xu thế của thế giới.

Ông Mại lấy ví dụ Sabeco sau khi bán cổ phần cho người Thái, nhiều ý kiến lo Thái Lan thôn tính toàn bộ Bia Sài Gòn. Nhưng thực chất, chúng ta được mấy tỷ USD một lúc, rồi thay đổi dần quản trị tốt hơn.

 

"Trước đây, Bia Sài Gòn chỉ loanh quanh tại Việt Nam, nhưng giờ đã ra thế giới. Sân bóng của Ngoại hạng Anh, Bia Sài gòn xuất hiện trên bảng quảng cáo, trên vai áo của các tuyển thủ Câu lạc bộ Leicester City (Câu lạc bộ do chủ Thái quản lý) tại Anh cũng in logo Bia Sài Gòn", ông Mại cho hay.

Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực mang tính nhạy cảm như năng lượng thì có lẽ vẫn cần thận trọng. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần phải lựa chọn nhà đầu tư và đối tác cho hình thức đầu tư này. Theo đó, cần có định hướng chính sách những ngành nghề, lĩnh vực nào cần và không cần khuyến khích đầu tư theo kênh M&A... Những lĩnh vực nhạy cảm hoặc DN trong nước sản xuất được thì không nên khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài để không làm yếu đi kinh tế tự cường và an ninh quốc gia.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm