Bầu Đức gánh nặng “nghìn tỷ” nợ ngân hàng trên vai và nỗi niềm “kẻ chơi lớn”
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: ‘Cơ hội vàng’ giảm giá ô tô trong năm 2019, FDI tháng 2/2019 tăng hơn 2,5 lần / Lượng người mua mỹ phẩm qua mạng tăng 57%
Phiên giao dịch 27/2, cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vẫn duy trì được phiên tăng thứ 5 liên tiếp dù mức tăng chỉ là 0,5% đưa thị giá mã này lên 5.690 đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu công ty con là HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cũng tăng nhẹ 0,3% lên 15.700 đồng.
Trong một diễn biến có liên quan, đại diện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới đây đã có ý kiến tại toạ đàm khoa học về quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm do Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 26/2.
Tại toạ đàm này, ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc HAGL đã nêu ra những vướng mắc liên quan đến Nghị định 20 năm 2017 của Chính phủ.
Cụ thể, đại diện từ công ty của bầu Đức cho rằng, cho đến thời điểm này, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa phát huy hết hiệu quả.
Theo ông Sơn, dòng vốn từ thị trường chứng khoán còn hạn chế do đó, gần như các doanh nghiệp vẫn xoay vòng dựa vào vốn tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ cho vay các công ty mẹ và hạn chế cho vay các công ty con.
“Khi công ty mẹ vay ngân hàng và cho công ty con vay, phần chi phí lãi vay bị khống chế”, ông Sơn giải thích thêm. Theo đó, đại diện HAGL kiến nghị phải tháo gỡ được vấn đề này bởi nếu quá trình này vướng mắc, gần như các tập đoàn kinh tế khó tiếp cận vốn từ ngân hàng.
Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2018, tổng nợ của HAGL ở mức 31.613 tỷ đồng sau khi đã giảm được 3.661 tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, nợ vay dài hạn ngân hàng là 6.143 tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn là 912,9 tỷ đồng.
HAGL đang cho công ty con là HAGL Agrico vay dài hạn 3.679 tỷ đồng và vay ngắn hạn tới 983 tỷ đồng. Trong khi số vay dài hạn giảm thì số vay ngắn hạn lại tăng lên, đồng nghĩa áp lực trả lãi lớn hơn.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số đóng cửa phiên 27/2 với diễn biến trái chiều. VN-Index tăng 3,21 điểm tương ứng 0,33% lên 990,27 điểm, trong khi đó HNX-Index lại giảm nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,03% còn 107,63 điểm.
Độ rộng thị trường nhìn chung đang nghiêng về các mã tăng giá. Có tổng cộng 348 mã tăng, 45 mã tăng trần so với 263 mã giảm, 33 mã giảm sàn.
Thanh khoản thị trường duy trì tốt với khối lượng giao dịch trên HSX đạt 258,92 triệu cổ phiếu tương ứng 5.152,51 tỷ đồng và con số này trên HNX lần lượt là 36,35 triệu cổ phiếu tương ứng 435,99 tỷ đồng.
Phiên này chứng kiến sự trở lại của VIC và VHM. Các mã này tăng giá đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. VIC đóng góp 1,85 điểm còn VHM đóng góp 0,71 điểm cho chỉ số chung. Ngoài ra, VNM cũng đóng góp 0,85 điểm cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, VCB, TCB, CTG lại giảm giá, trong đó riêng VCB kéo lùi VN-Index tới 1,24 điểm.
Công ty chứng khoán VDSC cho rằng, thị trường đang giao dịch có phần chững lại sau khi VN-Index tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.000 điểm. Các cổ phiếu lớn đang có sự điều chỉnh, nhường “sân khấu” lại cho các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Theo khuyến nghị của VDSC, nhà đầu tư có thể giảm dần tỷ trọng các cổ phiếu bluechip trong danh mục khi mà kịch bản vượt 1.000 điểm của VN-Index còn đang bỏ ngỏ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo