Bí quyết "điên rồ" giúp Jack Ma gây dựng đế chế tỷ đô
Vợ chồng cùng đi theo Jack Ma người thì thành công, kẻ thì thất bại / Jack Ma biến Quách Tĩnh, Triệu Mẫn, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ... thành đồng nghiệp
Tròn 55 tuổi, tỷ phú Jack Ma ngày 10/9 chính thức rời ghế chủ tịch tập đoàn Alibaba sau 20 năm gây dựng và phát triển gã khổng lồ này.
Alibaba đã huy động được hơn 20 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng(IPO) ngày 19/9/2014, nâng giá trị vốn hóa của tập đoàn này lên 240 tỷ USD. Tại thời điểm đó, Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc và là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá hơn 18 tỷ USD.
Alibaba không phải là một doanh nghiệp thương mại điện tử thuần túy mà còn gặt hái lợi nhuận từ các mảng như thanh toán điện tử, điện toán đám mây, giải trí trực tuyến, cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, cái cách mà Jack Ma, từ một giáo viên tiếng Anh đến từ tỉnh lẻ Hàng Châu, đã xây dựng, vận hành và nâng tầm đế chế Alibaba lên giá trị 460 tỷ USD trong vòng 20 năm qua trở thành dấu hỏi lớn cho giới doanh nhân, các startups và ngay cả công chúng.
Có 4 triết lý quản trị “điên rồ” được Jack Ma biến hóa và vận dụng thành công vào việc phát triển đế chế Alibaba, Michael Zakkour, chuyên gia tư vấn tăng trưởng và tiếp cận thị trường Trung Quốc, đúc kết và nhận định trên trang Entrepreneur.
Ngây thơ như cậu bé Forump Gump
Jack Ma có sự gắn kết mật thiết với cách nhìn nhận “ngây thơ” của cậu bé Forrrest Gump trong bộ phim cùng tên. Ông xem đi xem lại bộ phim Forrest Gump rất nhiều lần. Nhờ đó, thầy Mã không bao giờ thất vọng, ngay cả khi chỉ kiếm được 15 USD mỗi tháng từ dạy học và phải ra đường bươntrải kiếm sống.
Jack Ma cũng không hề nhụt chí khi bị KFC hay một khách sạn từ chối tuyển dụng. Thế nhưng, người đàn ông thấp bé đó luôn đau đáu niềm tin nếu ai đó tuân thủ nguyên tắc do mình đặt ra và làm việc cật lực, thì mọi thứ đều có thể.
Giống như nhân vật Forest Gump, Jack Ma nhìn thế giới qua lăng kính của một đứa trẻ và tin rằng công nghệ sẽ là phép màu còn cuộc sống thực sự là một hộp sôcôla béo ngậy.
Đổi mới trên vai người khổng lồ
Jack Ma luôn hiểu rằng đổi mới không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với phát minh. Giống như Steve Jobs - không phải người phát minh máy nghe nhạc kỹ thuật số, hay Bill Gates - không phát minh hệ điều hành máy tính, Jack Ma gây dựng đế chế của mình dựa trên những nền tảng có sẵn. Đơn cử, eBay vốn là trang thương mại điện tử tiêu dùng lớn nhất và thành công nhất trên thế giới vào thời điểm Jack Ma ra mắt sàn giao dịch điện tử Taobao.
Điều khiến Jack Ma thành công là biết điều chỉnh và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử phù hợp với văn hóa, lịch sử, triết lý và tư duy của người Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Jack Ma thiết lập tính năng trò chuyện thời gian thực trên Taobao, giúp người mua và người bán tạo quan hệ, xây dựng niềm tin khi đàm phán ở thời gian thực.
Bay cao cùng “đại bàng”
Sự khôn khéo của Jack Ma ở chỗ kết nối với những “đại bàng” - những nhà quản lý thông minh, có năng lực và sáng tạo quanh mình. Tỷ phú Trung Quốc không bao giờ cho mình là chuyên gia “biết tuốt” và cũng không mặc định ông là người sáng lập tập đoàn nên phải giành quyền quản lý mọi mảng miếng kinh doanh. Một điều rất lạ, Jack Ma luôn sẵn sàng thu nạp các giám đốc điều hành ngoại quốc để thực hiện mục tiêu Đông - Tây kết hợp.
Tỷ phú Trung Quốc kết bạn với Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo và Masayoshi Son, chủ tịch của gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản Softbank. Cả hai đều là những nhà đầu tư vào Alibaba từ rất sớm và giúp tập đoàn Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Yahoo và Softbank đã được “hoàn vốn” rất nhiều vào ngày Alibaba thực hiện IPO.
Thành công ở Jack Ma cho thấy doanh nhân thành công là người biết học cách để người khác chia sẻ và cùng kiểm soát công việc và họ chỉ nên làm những điều vì doanh nghiệp, chứ không phải vì cái tôi.
Kinh doanh, đừng cứng nhắc
Jack Ma xây dựng văn hóa doanh nghiệp “khác lạ” tại Alibaba từ những ngày đầu. Nghe có vẻ sáo rỗng và lỗi thời nhưng thực tế đã chứng minh thành công của Jack Ma.
Tỷ phú Trung Quốc đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp với sự gắn kết, hòa nhập và vui vẻ của nhân viên. Ông quan niệm đặc trưng của nhân viên chính là thương hiệu và hình ảnh của công ty. Bản thân Jack Ma luôn gắn với hình ảnh một người tràn đầy năng lượng, bộc trực, vui vẻ và dễ gần, thậm chí hát karaoke cùng nhân viên.
Vị tỷ phú luôn biết cách tạo bầu không khí làm việc cho nhân viên. Ông còn được ví như người cha, người thầy truyền cảm hứng, hay nhạc trưởng. Nhờ đó, Jack Ma luôn có một e-kip quản lý và nhân viên siêu trung thành và hết mình phó tá đến “cùng trời cuối đất”.
Jack Ma dành nhiều năm nghiên cứu văn hóa và phương thức quản lý phương Tây và các doanh nghiệp thành công để “gạn đục khơi trong”. Ông biết cách chắt lọc tinh hoa quản trị phương Tây gắn nó văn hóa dân tộc và thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc để tạo ra đế chế thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.
Với doanh nhân, điều quan trọng là biết cách xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp, đồng thời không quá coi trọng cái tôi của người làm chủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Tỷ phú Jack Ma. Ảnh: AFP