Cách các tỷ phú Mỹ dạy con về tiền bạc
Khi nói đến mối quan hệ giữa trẻ em và tiền bạc, có nhiều quan điểm và cách ứng xử khác nhau giữa các bậc phụ huynh khắp thế giới. Và thực tế chứng minh rằng khác biệt trong mức thu nhập các gia đình cũng có thể dẫn đến bất đồng về quan điểm. Tác gia Rich Morris, đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Những đứa trẻ, Sự giàu có và Hậu quả cho rằng có sự khác nhau trong quan điểm dạy con về vấn đề tiền bạc giữa tầng lớp siêu giàu và các gia đình trung lưu, vì đơn giản là giới siêu giàu phải đối mặt với khó khăn đặc thù khi có… quá nhiều tiền.
Ở nhiều nước, vấn đề tài chính cá nhân được đào tạo từ khá sớm ở trường học, có thể bắt đầu từ cấp bậc trung học ở Mỹ, hoặc cá biệt là có những nơi cho trẻ tiếp cận việc quản lý chi tiêu ngay từ cấp bậc mầm non, tiểu học.
Tuy nhiên, giới siêu giàu Mỹ vẫn tự đặt ra những chiến lược cụ thể để giúp con họ ngay từ khi còn nhỏ có thể tiếp cận đến vấn đề nhạy cảm này, và thực hiện nó hàng ngày một cách chủ động.
Tiếp cận từ thực tế: Gia tài nhà mình “khủng” cỡ nào?
Điều số 1 mà các bậc phụ huynh tỷ phú cần phải nói chuyện rõ ràng và thẳng thắn với con cái về tiền bạc là: Giá trị tài sản của gia đình, kế hoạch tài chính, con đường nào để đạt được sự giàu có hiện tại, và kế hoạch kế thừa tài sản gia đình ra sao, hoặc con đường gây dựng sự nghiệp riêng mà con họ có thể chọn.
Các câu hỏi trên có thể được giải đáp qua hàng loạt buổi nói chuyện gia đình, ở mọi lứa tuổi cho đến khi trưởng thành, và còn có thể tiếp diễn sau đó.
Tuổi 5-9
Ngoài những kiến thức cơ bản cần thiết về tiền bạc, thì việc truyền đạt về giá trị gia đình cũng được chú trọng. Ví dụ, những câu chuyện về giá cả khi mua sắm xe, nhà, TV hoặc các tài sản khác, chi tiêu hàng năm của gia đình là bao nhiêu…
Các chuyên gia còn cho rằng nên dạy trẻ đếm tiền ở tuổi này, giới thiệu cho chúng về lịch sử phát triển của tiền tệ, đi tham quan ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng trong khu vực.
Bài học khác cũng khá thực dụng là chia tiền trợ cấp cho trẻ thành các khoản là: tiết kiệm, chi tiêu, từ thiện (để dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn), và đầu tư (dạy bé đầu tư vào mục đích nào đó).
Bên cạnh đó, những nguyên tắc đầu tư cơ bản cũng có thể được đưa vào các buổi nói chuyện với trẻ như giải thích cổ phiếu là gì, trái phiếu có ích lợi ra sao.
Độ tuổi 10-14
Đây là độ tuổi phù hợp để nói về những vấn đề nguyên tắc của quản lý ngân sách, hiểu về ngân hàng và quản lý tài chính cá nhân.
Tầm tuổi này trẻ cũng có thể được tham gia một chút vào kinh doanh thực tế, ví dụ các ông bố siêu giàu có thể tài trợ cho con mình những khoản tiền nhỏ để đầu tư, qua đó trẻ có thể học cách xây dựng và quản lý tài chính hiệu quả và thực tế.
Độ tuổi 15-17
Đây là tầm tuổi mà trẻ phải thông thạo các vấn đề cốt lõi xoay quanh việc làm sao để quản lý tốt ngân sách. Đây là hành trang để trẻ chuẩn bị cho cuộc sống sau này, dù chúng có thể rời khỏi gia đình để đi học đại học, đi làm, mua xe hoặc xây dựng con đường sự nghiệp riêng cho mình. Chúng cần hiểu được cách cân bằng chi tiêu, biết ưu điểm và nhược điểm của việc cà thẻ tín dụng, hiểu biết về xếp hạng tín dụng để tránh những rủi ro không đáng có…
Độ tuổi 18-21
Đến ngưỡng tuổi trưởng thành, những người thừa kế tương lai cần có kiến thức về đầu tư cá nhân, mục tiêu tài chính cá nhân, hiểu về những rủi ro và các mức độ chấp nhận rủi ro trong kinh doanh.
Ở tầm tuổi này các thanh niên trẻ cũng đã phải bắt đầu sớm với suy nghĩ xa hơn về việc hình thành quỹ cho bản thân khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, các thanh niên trẻ có lợi thế gia đình có thể bắt đầu tìm hiểu về kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp, hoạt động điều hành trong chính các công ty gia đình mình. Điều này cũng giúp trẻ có thể tìm ra cơ hội cho bản thân, tăng cường các kỹ năng khác thông qua các mối quan hệ mở rộng.
Từ 22 tuổi trở lên
Tầm tuổi khi mà các thanh niên khác sẽ lo ý tưởng khởi nghiệp hoặc tiếp tục học lên thì các hậu duệ gia thế này sẽ phải cân nhắc về việc nên mua một căn hộ hay nên đi thuê tạm.
Tuy nhiên, không hẳn trẻ sẽ được tài trợ hoàn toàn tiền mua căn hộ. Trẻ cũng cần qua cơ hội này để tham gia vào các hợp đồng tín dụng, hiểu thế nào là thế chấp, quy trình đi vay, khả năng vay và cách điều hành của hệ thống xếp hạng tín dụng….
Hầu như việc đảm bảo các thế hệ nối tiếp có thể kế thừa và phát triển gia sản của gia đình là mục tiêu cuối cùng, nhưng có những lúc trẻ có thể tranh thủ tầm ảnh hưởng của gia đình để đóng góp cho xã hội nhiều hơn.
Tóm lại, ngày càng có nhiều tỷ phú không lựa chọn trao quyền thừa kế cho con cái của mình vì mong muốn trẻ có thể tự mình đi lên bằng năng lực bản thân. Do đó, việc tiếp cận cho trẻ bài học tài chính càng sớm càng tốt có thể giúp chúng có thể phát huy tối đa các tố chất, sẵn sàng nhận chuyển giao tài sản lẫn gia sản của các thế hệ cha ông một cách hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo