CEO Finhay: '50.000 đồng cũng có thể đầu tư sinh lời'
“Vua gỗ” đã lỗ hơn 2.000 tỷ đồng, chờ bàn tay bầu Thắng / Tỷ phú giàu nhất thế giới tiêu tiền như thế nào?
Huy có hai người bạn, Hiển và Trọng. Ngoài thời gian đi làm, họ tập gym, đi chơi với bạn bè, thanh toán tiền nhà và trả nợ; dư dả 5 triệu đồng hoặc bất cứ khoản nào còn lại hàng tháng, Hiển, Trọng gửi ngân hàng.
Huy tin rằng đó là lựa chọn tồi: 10 triệu để đấy 5 năm sau vẫn là 10 triệu, vì lãi chỉ đủ bù lạm phát.
Nghiêm Xuân Huy sang Australia năm 2008 và về Việt Nam hai năm trước. |
Nghiêm Xuân Huy có thể đã sinh sống ổn định và lâu dài bên Australia với công việc tư vấn tài chính cá nhân, nếu không vì nhìn ra một cơ hội với 50.000 đồng. Anh sang đó từ năm 17 tuổi, tốt nghiệp ĐH Sydney và làm chuyên viên cho tập đoàn AMP 2 năm. Trong quá trình này, anh nhận ra việc mình làm đang dần được các ngân hàng tự động hóa.
Năm 2017, Huy phát đi một khảo sát tại Việt Nam về việc sử dụng khoản tiền 50.000 đồng và thấy phần lớn được dùng cho chi tiêu. Môi trường đầu tư tiền siêu nhỏ trong nước còn thiếu; nếu không "gửi về cho mẹ", người trẻ thường để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán ngân hàng (chứ chưa nói đến tài khoản tiết kiệm) vì thiếu chỗ gửi khác và thiếu hiểu biết đầu tư.
Huy nảy ra ý tưởng kết nối số tiền từ 50.000 đồng với các quỹ đầu tư lớn, đồng thời sẽ giải quyết khâu hổng kiến thức của các cá nhân bằng "robot" tư vấn tài chính. Chàng trai nhắm tới khách hàng trong độ tuổi 25-28, tuổi được cho rơi vào khủng hoảng tài chính cá nhân và lạm chi tiêu.
Một cơ hội kinh doanh mở ra tại quê hương, Nghiêm Xuân Huy nhanh chóng quyết định "ngược dòng" về Việt Nam trong năm và startup Finhay (Tài chính hay ho).
Huy thuyết trình dự án Finhay trước các nhà đầu tư, quỹ và ngân hàng lớn tại Australia tháng 6/2018.
|
Không chỉ kết nối đầu tư siêu nhỏ, web và ứng dụng di động Finhay phân tích "khẩu vị rủi ro" của người dùng, rồi tự động đề xuất, quản lý danh mục tiết kiệm và đầu tư cho họ. Người dùng đầu tư bị động và có thời gian đi tập gym. Dịch vụ thu phí bảo trì và rút tiền nhưng miễn phí đầu vào.
Trình bày ý tưởng thú vị này với các nhà đầu tư, CEO Finhay nhận được nhiều sự hoan nghênh nhưng việc gọi vốn của anh lại không dễ dàng. "Từ chỗ người ta biết đến chỗ họ hành động cho mình là một chặng đường dài", Huy kể. Anh lý giải rào cản là Việt Nam phổ biến các quỹ rót tiền vào các ngành thương mại điện tử, giao vận..., còn lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) của anh vẫn bị dè chừng.
Sau nửa năm cất công gõ cửa các nhà đầu tư, may mắn mỉm cười với Huy đầu năm 2018. Nhà đầu tư thiên thần Nguyễn Hoàng Giang từ VNDirect và quỹ H2 Ventures của Australia quyết định xuống vốn 100.000 USD cho mô hình mới mẻ. Huy nhớ lại thời điểm bước ngoặt: "Đó là lúc tôi bắt đầu cảm nhận núi áp lực đè lên vai".
Người sáng lập Finhay quan niệm khi gọi đầu tư, startup không chỉ nhận tiền mà cần hỗ trợ một mạng lưới và tư vấn. Qua những lời giới thiệu, Finhay xuất hiện trên Cà phê khởi nghiệp VTV1 tháng 3/2018 và từ đây được quan tâm đột biến. Nhiều người trẻ thường thấy đầu tư tài chính xa vời bỗng nhìn ra một cơ hội với 50.000 đồng "tiết kiệm ăn phở". Huy kể: "Hôm sau đó, website của chúng tôi 'sập server' vì người ta vừa tò mò tìm hiểu, vừa gửi tiền về. Tôi phải luống cuống kêu gọi các cộng sự lo đối phó".
Nghiêm Xuân Huy chụp hình cùng Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà khoa học, kỹ sư và nhân sự cấp cao trong sự kiện Vietnam Innovation Network 2018.
|
Từ lúc được anh Giang và quỹ H2 rót vốn, Huy nói đùa rằng trải qua quá trình "đốt tiền" nhưng khẳng định "đốt tiền có trách nhiệm". CEO trẻ cho biết Finhay đã định hình bằng con số 13.000 người dùng và khoảng 7 tỷ đồng giá trị giao dịch. Dòng tiền từ 50.000 đồng chảy về các công ty quản lý quỹ gồm VietFund, Techcom Securities, Bảo Việt, SSI, IPA... và được đưa vào đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và tiền gửi. Khách Finhay có thể rút tiền bất cứ khi nào.
Với số vốn 23 tỷ đồng mới được rót, Huy và đội ngũ vận hành đặt mục tiêu Finhay tăng trưởng 10 lần lượng người dùng, lên mức 6 con số. Tình hình lời lỗ chưa tiết lộ, nhưng đơn vị này nhìn nhận giá trị tạo ra là một kênh tiên phong giúp giới trẻ tập thói quen để mua được nhà.
Tháng 8 năm ngoái từng rộ lên thắc mắc "thu nhập 5-7 triệu đồng, làm sao mua chung cư 3 tỷ?". Shark Phạm Thanh Hưng khi ấy dí dỏm: dành tiền mua thẻ tập gym, thẻ tập bơi trong khu chung cư và sắm sửa bộ đồ thật đẹp để tiếp cận các anh chàng độc thân có sẵn căn hộ. Phía sau đó là câu chuyện trắc trở trong đường mua nhà của thế hệ millennials (sinh năm từ 1981 đến 1996). Đồng tình với Shark Hưng, CEO Finhay giải đáp: "Đúng là tích lũy lương 5-10 triệu đồng mỗi tháng thì rất khó mua được nhà, vì vậy mọi người cần tập cho mình thói quen tiếp cận với rủi ro càng sớm càng tốt, vì đi kèm rủi ro là cơ hội".
Anh cho hay Finhay là một kênh giúp thực hành việc này. Huy kỳ vọng gây dựng một môi trường tiếp cận rủi ro minh bạch và bền vững, với mốc tiếp cận được đưa về tối thiểu – bằng một cốc trà sữa. Từ xuất phát điểm đó, giới trẻ sẽ tích lũy kiến thức và trải nghiệm đầu tư, hướng đến tự do tài chính trong tương lai. Nhưng chuyên viên tư vấn tài chính Australia một thời cũng cảnh tỉnh mọi hứa hẹn sinh lời trong lĩnh vực hoạt động. Huy nói: "Đã là đầu tư, câu trả lời cho cam kết lợi nhuận luôn luôn là 'No, No và No'".
Tết đến gần với hàng loạt nỗi lo chi tiêu của nhiều người Việt, CEO Finhay nhắc đến bài học từ cuốn sách tâm đắc: "Hãy đầu tư vào tài sản, đừng đầu tư vào tiêu sản".
Anh gợi ý cách tiết kiệm thông minh và tiếp cận rủi ro cho các gia đình bằng một dẫn chứng gần gũi: "Chẳng hạn các bà vợ có 10 triệu đồng, đừng đưa hết cho chồng, hãy giữ lại 1 triệu để tiết kiệm và đầu tư".
End of content
Không có tin nào tiếp theo