Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO HSBC Việt Nam: Chẳng ai thành công mà không "lì lợm" cả

"Ngành tài chính quá khắc nghiệt, không phải ai cũng đủ nhiệt huyết, quyết tâm và kiên trì để theo đuổi con đường mình đã chọn", doanh nhân Phạm Hồng Hải - CEO HSBC Việt Nam tâm sự.

Điều ít biết về 2 nữ "cá mập" của Shark Tank Việt: Quyền lực, nhiệt huyết và đầy tài năng / Học cách chi tiêu như Warren Buffett, Oprah Winfrey và Mark Cuban

21 tuổi ra trường, đầu quân vào ngân hàng HSBC và bám trụ đến nay, không ít lần ông Phạm Hồng Hải - CEO HSBC Việt Nam - cảm thấy chông chênh trên con đường sự nghiệp và có ý định dừng lại. Cũng đôi lần, ông hoài nghi con đường mình đi có đúng hay không. Tuy nhiên, ông đã kiên định mục tiêu trên cuộc đua marathon dài hơi và về đích với vị trí CEO người Việt đầu tiên của ngân hàng đến từ Anh quốc này vào năm 2014. Trước đó, ông cũng là người Việt đầu tiên đảm nhiệm vị trí Giám đốc kinh doanh vốn và tiền tệ tại Việt Nam của HSBC.

Nhìn lại chặng đường 4 năm trên cương vị CEO, doanh nhân Phạm Hồng Hải đánh giá thành quả ông đạt được hơn cả kỳ vọng ban đầu của bản thân, nhưng để nói là hài lòng thì chưa.Trên bàn làm việc của ông để hình ảnh vợ và con gái. Ông nói gia đình luôn là nơi ông hướng về.

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải: Chẳng ai thành công mà không "lì lợm" cả

CEO HSBC Việt Nam - doanh nhân Phạm Hồng Hải

Năm 2014, khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông đặt cho mình những mục tiêu gì?

Tôi có 3 mục tiêu muốn thực hiện.Đầu tiên là thay đổi hình ảnh của HSBC Việt Nam. Tôi muốn chứng minh HSBC Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng và tăng trưởng được, không chỉ về mặt con số mà cả về chất lượng, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro bao gồm cả rủi ro về tội phạm tài chính.

Thứ hai, tôi muốn quảng bá hình ảnh thị trường Việt Nam ra toàn thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư vẫn hình dung một bức tranh về Việt Nam với nền kinh tế kém phát triển, lạm phát cao và đầy rủi ro. Nhưng đất nước đã đổi thay rất nhiều. Người Việt Nam là người làm công tác quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam tốt nhất.

Thứ ba, tôi muốn chắp cánh cho nhóm nhân sự tiềm năng của HSBC Việt Nam, tạo cơ hội để các bạn đi làm việc ở các chi nhánh khác của HSBC trên thế giới. Tôi hy vọng đội ngũ này sẽ quay trở về Việt Nam trong tương lai và đảm nhận các vị trí quan trọng trong ngân hàng. Ngoài ra, với nhân viên nói chung, tôi muốn gia tăng đào tạo để có được đội ngũ nhân viên ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, vừa đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật sở tại, vừa đảm bảo các chuẩn mực chung của HSBC toàn cầu.

Vậy 4 năm trôi qua, ông có hài lòng với thành quả mình đạt được không? Ông gặp áp lực gì trong khi đảm đương chức vụ cao nhất tại HSBC Việt Nam?

 

Nói là áp lực thì cũng không hẳn. Dù mới chỉ làm tại một vài phòng ban trong ngân hàng, tôi hiểu khá rõ về văn hóa và con người của HSBC tại Việt Nam và trong khu vực. Các bạn đồng nghiệp ở HSBC cũng hỗ trợ tôi rất nhiều khi tôi nhận nhiệm vụ mới. Tôi nghĩ việc được giao trọng trách này là cơ hội tốt giúp tôi có thể thực hiện những thay đổi đưa HSBC trở thành một tổ chức tốt hơn cho khách hàng và nhân viên, những điều trước đây tôi chưa có cơ hội làm.

Mọi thứ tôi làm được trong thời gian qua từ kết quả kinh doanh hay tái cơ cấu, tái định vị HSBC Việt Nam trong khu vực có phần vượt trên kỳ vọng tôi đặt ra lúc nhận nhiệm vụ. Tôi nghĩ mình đang đi đúng hướng nhưng để nói là hài lòng thì chưa. Tôi tin thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng hiện tại tăng trưởng vẫn chưa tương xứng. Nhìn vào tình hình Việt Nam, chúng ta thấy sự ổn định về kinh tế, cơ hội làm ăn đa dạng tại một nước đang phát triển đang có nhu cầu lớn về phát triển kinh tế, và các nhà lập pháp khá cởi mở, có thiện chí muốn học hỏi và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiềm năng thị trường lớn như vậy và HSBC Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trong những thị trường lớn của HSBC tại khu vực châu Á.

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải doanh nhân sài gòn

Nhiều nhà đầu tư vẫn hình dung một bức tranh về Việt Nam với nền kinh tế kém phát triển, lạm phát cao và đầy rủi ro. Nhưng đất nước đã đổi thay rất nhiều. Người Việt Nam là người làm công tác quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam tốt nhất.

Tham gia thị trường tài chính năm 1997, khi cuộc khủng hoảng tài chính mới chớm ở châu Á, cùng HSBC đi qua cuộc khủng hoảng, ông rút ra được kinh nghiệp gì?

Năm 1997, trước khi khủng hoảng xảy ra, tôi chuyển về phòng Kinh doanh ngoại tệ, hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về thị trường và sản phẩm. May mắn là thời điểm đó thị trường Việt Nam còn tương đối khép kín, biến động vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Mọi thứ như thước phim quay chậm vậy, các thị trường khác biến động xong mới đến lượt Việt Nam, tạo thời gian cho mình học. Sau đó, tôi có chuyến đi công tác ở Thái Lan vào đúng thời điểm khủng hoảng và được tận mắt chứng kiến biến động khủng khiếp như thế nào.

 

Đặc điểm thị trường Việt Nam quen với mọi thứ khá ổn định và một số người nhìn nhận rủi ro khó xảy ra tại thị trường này. Những gì được chứng kiến từ cuộc khủng hoảng 97-98 giúp tôi trở nên thận trọng hơn, luôn nhìn thị trường theo hướng chuyển động để có thể đón nhận rủi ro, và từ đó có sự chuẩn bị vững vàng khi đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và những sự kiện khác sau này.

Chưa tưởng tượng ông Phạm Hồng Hải với điểm yếu “thiếu tự tin” trong quá khứ là như thế nào, với hiện tại, những gì người ta nhìn thấy ở ông là năng động và rất tự tin?

Trước khi vào làm ở HSBC, tôi là người khá khép kín và không hay thể hiện bản thân nhất là trước đám đông. Đến giờ, tôi vẫn là người hướng nội, có thể nói là không hoạt ngôn nhưng yêu cầu công việc buộc tôi phải điều chỉnh và tôi thấy không có gì mà chúng ta không làm được. Có thể xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, nhưng nếu nỗ lực và xác định rõ mục tiêu thì không khó để đi tới đích.

Năm 2004, khi đi thuyết phục các cơ quan quản lý về thương vụ hoán đổi tiền tệ, độ “tự tin” của ông đã đạt đến mức nào? Mất 6 tháng để thuyết phục, làm thế nào ông có thể qua được giai đoạn đó khi mà ban đầu có người nói khả năng thành công là dưới 10%?

Lúc đó tôi nhìn thấy nhu cầu rất rõ từ phía khách hàng: các doanh nghiệp FDI vay vốn ở công ty mẹ bằng ngoại tệ nhưng bán hàng ở Việt Nam với doanh thu bằng đồng Việt Nam nên chịu rủi ro rất lớn về tỷ giá. Giúp đỡ khách hàng và doanh nghiệp là nhiệm vụ của chúng tôi. Thêm nữa, thời gian đó, thị trường Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm, nếu giao dịch đầu tiên này được thực hiện sẽ là nền tảng giúp phát triển và hoàn thiện thị trường. Làm những cái mới để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và thị trường là động lực lớn nhất của tôi lúc đó.

 

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải doanh nhân sài gòn

Nói thật, tôi cũng không biết xác suất thành công thế nào bởi hoán đổi tiền tệ là sản phẩm tương đối thông dụng ở nước ngoài nhưng với Việt Nam lúc đó chưa có cơ sở pháp lý như hiện nay. Nhưng cứ làm thôi.Tôi có cái may mắn là khi đến thuyết phục cơ quan quản lý, các anh chị làm ở Ngân hàng Nhà Nước có tư duy cấp tiến, đón nhận cái mới và quan trọng là họ dám thử. Mặc dù chưa có cơ sở pháp lý nhưng họ sẵn sàng cùng tôi tìm hiểu về sản phẩm. Họ cho tôi niềm tin là cứ đi, đi cùng nhau, cùng làm hết sức rồi sẽ tới. Dù chưa biết tới đâu nhưng dám thử, dám chấp nhận thử thách là tốt rồi.Tôi còn có “hậu phương” vững chãi khác là sếp Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam thời điểm đó. Chính sự máu lửa và độ tự tin lúc nào cũng hơn 100% của ông đã tiếp sức cho tôi.

Yếu tố may mắn cũng được một số người nhắc đến khi ông được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc nhưng ông nói còn có cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Tỷ lệ những thứ này như thế nào trong bóc tách của ông?

Rất khó để bóc tách hay chia tỷ lệ. Tôi không phủ nhận yếu tố may mắn, bởi dù mình chuẩn bị kỹ càng mọi kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ xã hội thì mình cũng mới chỉ là một trong nhiều ứng viên.Thiên thời là thời điểm đó tập đoàn đang cần tuyển vị trí Tổng giám đốc tương đối gấp, địa lợi là tôi đã trang bị kiến thức, chuyên môn, kỹ năng trong gần 20 năm tại HSBC, nhân hòa là các bạn đồng nghiệp và các lãnh đạo trong khu vực ủng hộ tôi.May mắn đầu tiên có thể nói bắt nguồn từ việc tôi được nhận vào HSBC làm việc rồi sau đó may mắn là trở thành một trong số các ứng viên và cuối cùng tôi được chọn.

Rõ ràng may mắn có phần do mình tạo ra. Nếu không có sự chuẩn bị, làm sao ông nắm được cơ hội đó?

 

Thực sự tôi không phải người duy nhất đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ này. Nhiều bạn khác cũng hoàn toàn có khả năng. Nhưng một số người cho rằng họ không chờ được, đường để lên vị trí cao, trọng yếu xa lắm, họ chọn chuyển sang ngân hàng khác hoặc sang ngành khác. Đường đến vị trí quan trọng trong một tập đoàn như một cuộc đua marathon dài hơi vậy. Quan trọng không phải thắng từng chặng mà ai là người về đến đích. Quan điểm của tôi là cứ đi, đi hết sức và cố hết sức trên con đường mình đã chọn, tới được hay không còn do may mắn nhưng tôi chắc chắn khi kiên định với mục tiêu đặt ra luôn có cánh cửa mở ra chào đón bạn.

Từng làm gia sư, phiên dịch hội chợ, và khi bắt đầu sự nghiệp ở HSBC, ông cũng bắt đầu ở phòng kế toán - nghiệp vụ mà ông không hề yêu thích. Trong khi đó, một số bạn trẻ hiện nay khá thực dụng. Mới tốt nghiệp nhưng họ quan tâm đến mức lương hay danh tiếng công ty hơn là việc trau dồi kinh nghiệm. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Tôi là người thuộc thế hệ 7X, không thể đặt khuôn mẫu của mình vào thế hệ trẻ hơn. Mỗi thế hệ có quan điểm khác nhau.Thế hệ trẻ hiện nay có lợi thế về kiến thức, sự tự tin, sự năng động. Các bạn có tuổi trẻ, cả một chặng đường phía trước đang chờ. Và các bạn đang sống trong một thế giới mà cái gì cũng rất nhanh. Những cái nhanh, ăn liền như vậy vô hình chung trở thành điểm yếu khi các bạn nghĩ về sự nghiệp của mình.

Các bạn thường có ý nghĩ: “Tôi làm được một thời gian, phải thăng chức, tăng lương cho tôi. Không đáp ứng nhu cầu của tôi thì tôi đi”. Nhưng các bạn lại không nghĩ đến mục tiêu dài hạn để theo đuổi và cũng không xác định được đam mê. Nhìn lại những người thành công không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, họ đều “lì” khi theo đuổi đam mê của họ. Khi xác định được niềm đam mê, họ sẽ đi đến cùng. Không ai thành công mà cứ 3 tháng, 6 tháng lại nhảy việc một lần.

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải doanh nhân sài gòn

Những công việc đầu đời của tôi rất đơn giản, có khi chỉ là học cách dùng máy photocopy, máy fax, telex, nhập dữ liệu hóa đơn mua vào bán ra của phòng kế toán. Nhưng tất cả lại giúp tôi có những bài học rất tốt. Theo tôi, mới ra trường, các bạn trẻ không nên quá câu nệ làm ở vị trí nào. Thay vào đó hãy lựa chọn gia nhập một tổ chức tốt nơi bạn có thể học hỏi được nhiều.

 

Hiện nay khối ngành tài chính - ngân hàng được coi là “hot” ở Việt Nam. Hầu như trường nào cũng đào tạo ngành này đồng thời rất nhiều bạn trẻ chọn chuyên ngành này để theo học. Ông có lời khuyên gì dành cho họ?

Lứa sinh viên ngành tài chính - ngân hàng thế hệ của tôi ra trường năm 1995, đến nay, người còn trụ lại trong ngành chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ngành tài chính quá khắc nghiệt, không phải ai cũng đủ nhiệt huyết, quyết tâm và kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.Ở Việt Nam, kiếm tiền đã vất vả nhưng các quy định đối với ngành tài chính ngân hàng còn chưa hoàn chỉnh do còn đang ở giai đoạn hình thành nên càng khó.

Không dám đưa ra lời khuyên nhưng tôi có một công thức dành cho các bạn trẻ. Đó là vận dụng lợi thế có sẵn: năng động, nhiệt huyết, tự tin, thêm yếu tố lì lợm và thái độ đúng đắn, các bạn chắc chắn sẽ thành công.Bản thân tôi cũng kỳ vọng rất nhiều vào nhóm tài năng trẻ ở HSBC. Tôi luôn muốn đào tạo, chắp cánh để các bạn có thể vươn được xa hơn và chứng minh người Việt Nam hoàn toàn có thể thành công không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.

Có bao giờ ông thấy hối hận về chọn ngành ngân hàng, đầu quân cho HSBC vì tôi được biết hơn 20 năm trước lúc mới ra trường, ông đã vượt qua vòng thi tuyển gắt gao của một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia?

Cũng có những lúc tôi tự đặt lại câu hỏi: Nếu như ngày trước mình chọn làm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh thì thế nào nhỉ?Nhưng thật sự, nếu được quay ngược thời gian về thời điểm đó và chọn lựa lại thì tôi vẫn chọn ngành ngân hàng thôi. Chắc là cái duyên rồi. Nghề chọn người (cười).

 

Tôi tự cảm thấy bản thân phù hợp với ngành ngân hàng hơn. Đặc thù hai ngành ngân hàng và ngành bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh có hơi khác nhau.Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, công việc liên quan nhiều đến mảng bán hàng và thực sự đó không phải thế mạnh của tôi. Mặt khác, tôi lại có kiến thức và đam mê với tài chính và tôi muốn giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều khách hàng hơn.

Công việc trong ngành này không chỉ xoay quanh nghiệp vụ chuyên môn tài chính - ngân hàng. Lợi thế của việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng là bạn có thể gặp gỡ tìm hiểu và hỗ trợ rất nhiều khách hàng trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Cơ hội tiếp cận những người làm doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác nhau như thế tạo cơ hội học hỏi rất lớn cho các bạn làm trong ngành ngân hàng.

Làm việc ở một ngân hàng nước ngoài, cái nhìn của ông về các ngân hàng trong nước như thế nào?

Mỗi ngân hàng, nội hay ngoại, đều có đặc thù khác nhau. Ngân hàng ngoại như HSBC có lợi thế cạnh tranh là mạng lưới toàn cầu rộng lớn khiến chúng tôi hiểu được cả thị trường trong nước lẫn quốc tế. Những doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam hay những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài đều qua ngân hàng ngoại do các ngân hàng này có thể kết nối hai bên đối tác trong nước và nước ngoài. Đây là thế mạnh mà ngân hàng nội khó cạnh tranh.

Nhưng mặt khác, ngân hàng nội lại có mạng lưới trong nước rất rộng, phủ được nhiều phân khúc. Tôi lấy ví dụ như hiện nay ở Việt Nam khoảng 90% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ và đây là một trong những mảng khách hàng chính của các ngân hàng nội.

 

Tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng nội cũng rất tốt. Trên phương diện sản phẩm, kỹ năng quản trị và công nghệ, các ngân hàng nội còn một chặng đường dài nữa để phát triển nhưng khoảng vài năm nữa, một số ngân hàng nội, đặc biệt là ngân hàng cổ phần lớn sẽ thay da đổi thịt và trở thành đối trọng trên thị trường. Theo tôi, các ngân hàng nội và ngân hàng quy mô khu vực sẽ nắm vai trò quan trọng trên thị trường trong tương lai.

Trong ngành tài chính, ai cũng hiểu là lằn ranh giữa cái đúng, cái sai rất mong manh. Hơn 20 năm trong nghề, ông có nguyên tắc hay tôn chỉ nào mà ông đặc biệt tuân thủ để giữ cái tâm sáng, cái đầu lạnh?

Tôi may mắn được làm ở ngân hàng nước ngoài với những quy chuẩn, chuẩn mực được xây dựng và bồi đắp qua thời gian tính bằng trăm năm. Lằn ranh đúng sai được vạch ra rất rõ ràng.Trong những năm qua, hàng loạt vấn đề “nóng” của ngành được đưa ra, trong đó ngoài các vấn đề chuyên môn như nợ xấu, lợi nhuận, tăng trưởng thì còn có các đại án, rồi câu chuyện về các sai phạm trong hoạt động được phanh phui. Quan điểm của tôi là làm việc với khối lượng tiền lớn hay nhỏ không quá quan trọng nhưng tôi luôn tuân thủ hai nguyên tắc:

Nguyên tắc 1: Làm việc gì mà mình không cảm thấy sợ hãi, xấu hổ nếu nhiều người biết. Một sự việc có thể đúng hoặc sai tùy theo cách nhìn của mỗi người và hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không có cơ hội giải thích cho tất cả mọi người. Do đó, tốt nhất chỉ nên làm điều đúng.

Nguyên tắc 2: Làm bất cứ việc gì tôi cũng hình dung ra nếu người khác cũng hành xử như vậy với mình thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Nếu tôi cảm thấy khó chịu khi bị đối xử như vậy thì chắc chắn tôi không nên làm điều đó với người khác.

 

Quy tắc của tôi là không để quan hệ cá nhân, cảm tính xen vào khi ra quyết định. Tôi luôn đặt lợi ích của tổ chức lên trước. Tất cả đều được đặt dưới lăng kính: Làm thế nào để có lợi nhất cho tổ chức.Mình vẫn phải năng động, phát triển nhưng không nên vượt qua lằn ranh mà nhiều khi rất mong manh giữa cái đúng, cái sai.

CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải doanh nhân sài gòn

Thời gian nào ông dành cho gia đình trong lịch trình bận rộn của một sếp ngân hàng ngoại?

Trong tuần, tôi cố gắng sắp xếp việc ăn tối tiếp khách vào hai ngày trừ trường hợp một số sự kiện lớn, còn lại tôi sẽ phân bổ việc gặp gỡ khách hàng vào buổi sáng hoặc trưa. Buổi tối tôi dành để về nhà ăn tối với gia đình rồi sau đó chơi với con. Khi mấy đứa nhỏ đi ngủ thì tôi lại quay trở lại làm việc tiếp. Cuối tuần tôi dành toàn bộ thứ bảy cho đến chiều chủ nhật cho gia đình, không email, không công việc. Tối chủ nhật tôi sẽ dành thời gian để trả lời tất cả email và công việc còn tồn động trong tuần để chuẩn bị cho tuần mới. Thường một ngày tôi dậy từ lúc 5h, chạy bộ hoặc bơi, rồi về tắm rửa sửa soạn, 7h30 đi làm. Tôi cố gắng kết thúc công việc lúc 18h15 rồi về nhà ăn tối. Cuối tuần cần tập nhiều hơn thì 4h sáng tôi đã dậy rồi. Tập tành đến 8h xong tôi đã có thể đi ăn sáng cùng gia đình trừ khi tôi cần tập dài hơn trước các giải thi đấu. Với cách làm này tôi vẫn đảm bảo công việc mà vẫn có thời gian bên gia đình. Đến nay, mọi chuyện vẫn tương đối ổn.

Ngoài chạy ra, ông còn chơi môn thể thao nào khác không?

 

Tôi có chạy, bơi, đạp xe và thỉnh thoảng chơi tennis. Trước tôi có tập gym nhưng sau một thời gian tôi không xác định được mục tiêu luyện tập của mình là gì nên dừng lại. Bắt đầu từ năm ngoái, tôi tham gia thi đấu tại một số giải thể thao như Ironman.

Tập luyện để tham gia thi Ironman, tôi thấy mình có mục tiêu rất rõ ràng ngay từ đầu năm và mỗi ngày khi thức dậy tôi đều biết phải tập với cường độ thế nào để có thể thi đấu thành công. Thành tích thi đấu phản ảnh rõ sức khỏe, độ dẻo dai và ý chí thi đấu của mình. Ngoài ra, tập luyện ba môn phối hợp giúp tôi tránh chấn thương vì mình phải tập tất cả các nhóm cơ khác nhau trong cơ thể.

Trong quãng thời gian 20 năm đi làm, hẳn là có những lúc ông cảm thấy bi quan, bế tắc. Những lúc đó ông xử lý như thế nào?

Năm 2000, tôi có tham gia khóa học về 7 thói quen dựa trên cuốn sách The seven habits of highly effective people. Khóa học này giúp thay đổi quan điểm của tôi về cuộc sống rất nhiều. Mọi thứ mình nhìn dưới lăng kính của sự lạc quan. Mình có thể gặp khó khăn, thất bại dù đã nỗ lực hết sức nhưng ít nhất mình đã thử.Dù không thành công, mình cũng rút ra được bài học nào đó và không hối hận vì mình đã không thử. Suy nghĩ tích cực không chỉ tốt cho mình mà còn cho những người xung quanh.

Khi có những lúc khó khăn tôi chọn cách về nhà nói chuyện với vợ để chia sẻ. Cô ấy là điểm tựa vững chắc của tôi. Nhưng nhìn lại, kể cả bốn năm vừa qua tôi cũng không thấy lúc nào bế tắc mà không tìm được lối ra hết. Vấn đề nào cũng có giải pháp, chỉ là mình chưa tìm ra thôi. Tôi nghiệm ra khi giữ tâm trí tĩnh lặng, giải pháp sẽ tự đến. Với tôi, chạy bộ hoặc bơi dài là giải pháp hiệu quả khi cần giữ tâm trí tĩnh lặng vì thường lúc đó tôi chỉ tập trung vào hơi thở. Và đó là lúc giải pháp xuất hiện.

 

Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm