Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Tuấn Hùng Shoes: Cách vượt qua khủng hoảng là chấp nhận và đương đầu với nó

DNVN - Cao Anh Tuấn bén duyên với ngành giày dép bắt đầu được truyền từ người bố, vốn là một nhà thiết kế giày, làm việc tại các công ty gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Sau 10 năm điều hành Tuấn Hùng Shoes, nếm trải không ít quả ngọt, trái đắng, và đã từng rất khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.

CEO 9X Thân Văn Bình: Kinh doanh là đam mê, hoạt động xã hội là trách nhiệm / Chủ tịch tập đoàn BRG: Cam kết đầu tư mạnh mẽ vào Đà Nẵng

Anh Cao Anh Tuấn - CEO Tuấn Hùng Shoes.

Anh Cao Anh Tuấn - CEO Tuấn Hùng Shoes.

Mọi việc không diễn ra như những gì đã lên kế hoạch từ đầu năm, khiến cho tình hình của công ty bị đảo lộn. Từ thế đang trên đà đẩy nhanh thì lại bị lao đao trước bão nhưng anh đã bản lĩnh đưa công ty vượt qua khủng hoảng trong cơn đại dịch Covid-19 tàn phá toàn cầu thời gian gần đây. Cao Anh Tuấn đã dành thời gian trò chuyện với Doanh nghiệp Việt Nam về những thăng trầm trong kinh doanh.

Thưa anh Cao Anh Tuấn, được biết anh thừa hưởng cơ ngơi từ bố mình. Như vậy, tầm ảnh hưởng thực sự của bố anh trong dấu ấn điều hành công ty như thế nào?

Anh Cao Anh Tuấn: Tôi bắt đầu thật sự khởi nghiệp vào năm 2010, từ một hộ sản xuất giày dép thủ công quy mô nhỏ, dần dần được nâng cấp lên thành một nhà xưởng sản xuất, chuyên sản xuất cho các thương hiệu giày dép nữ trong nước. Bố tôi vốn là một nhà thiết kế giày dép. Đặc biệt là khi làm việc với các thương hiệu lớn của thế giới, ông thấy những sản phẩm làm ra chất lượng và tiêu chuẩn rất cao nhưng lại phục vụ cho người nước ngoài chứ người Việt Nam thì không được dùng và nếu có thì lại nhập từ nước ngoài về bán trong nước với giá thành rất cao và phải chuyển đi rồi lại chuyển về. Vì vậy ông muốn mang những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao để phân phối cho người Việt Nam sử dụng với giá thành phù hợp với người Việt. Còn Tuấn thì lại rất yêu thích việc kinh doanh nên đã cùng với Bố xây dựng lên xưởng sản xuất giày dép của gia đình.

Như vậy, với kinh nghiệm từ bố, bản lĩnh kinh doanh từ con trai, Tuấn Hùng Shoes có khi nào phải rơi vào giai đoạn khủng hoảng? Và anh đã giải quyết khủng hoảng đó thế nào?

Kinh doanh thật sự là một cuộc chơi không hề dễ dàng. Kể từ khi khởi nghiệp công ty Tuấn Hùng Shoes đã trải qua hai giai đoạn vô cùng khủng hoảng. Lần đầu vào năm 2017 xưởng sản xuất của gia đình tôi gần như là phá sản (trước đó bắt đầu trượt dốc từ năm 2015), tất cả các hoạt động sản xuất đều phải dừng lại. Xuất phát điểm khi khởi nghiệp thì bắt đầu từ con số 0 nhưng đến 2017 thì âm nặng. Không biết phải làm cách nào và không muốn sự nghiệp kinh doanh của gia đình phải dừng lại. Tôi bắt đầu tìm đến các chương trình đào tạo về kinh doanh. Sau đó một năm tôi được giới thiệu đến với Action Coach, đơn vị coaching cho doanh nghiệp số 1 thế giới, tôi học được các phương pháp và tư duy kinh doanh từ những doanh nghiệp hàng đầu thế giới, được tiếp xúc và giao lưu với những doanh nhân thực sự đã làm tôi thay đổi góc nhìn và cách làm của mình. Sau đó khoảng một năm rưỡi đồng hành cùng Action Coach thì tôi vực dậy được công việc kinh doanh của gia đình mình, tăng trưởng gần 30 lần chỉ trong khoảng một năm rưỡi. Và bài học tôi nhận ra được sau khi đã vực dậy được công việc kinh doanh là “Tinh thần không bỏ cuộc và chiến đấu như một chiến binh doanh nhân để thắng”.

Khủng hoảng nó là một chu kỳ, định kỳ khoảng vài năm thì có xu hướng lặp lại. Khi khủng hoảng đến mọi thứ bắt đầu đi xuống, mâu thuẫn xảy ra trong doanh nghiệp và khi xuống đến đỉnh điểm thì đó là lúc đấu tranh giữa việc dừng lại hay tiếp tục cuộc chơi. Nếu dừng lại thì là thất bại. Nhưng nếu xem tất cả các khó khăn đang gặp phải đó là thách thức để vươn lên và chấp nhận đối diện với nó để tìm giải pháp thì giải pháp sẽ đến để vượt lên.

Và khi tìm ra được giải pháp thì mọi thứ được cải thiện và đi lên. Giống như biểu đồ hình Sin, đi lên rồi đi xuống sau đó là đi lên tùy vào sự quyết tâm của người chủ doanh nghiệp đó mà diễn ra nhanh hay chậm. Đầu năm 2020 khi dịch COVID bùng phát một lần nữa chúng tôi lại đương đầu với khó khăn, ngành thời trang bị ảnh hưởng không nhẹ. Do chủ quan từ sự phát triển của năm 2018 và 2019 chúng tôi không chấp nhận khủng hoảng và tiếp tục đẩy mạnh nên đã dẫn đến một lần nữa tự đưa mình vào thế khó. Nhưng chính lúc khó khăn thì tinh thần chiến binh doanh nhân lại trỗi dậy, chúng tôi làm gấp 3 lần bình thường để vượt qua thách thức đó. Và rồi mọi việc cũng dần tốt lên. Nên cách mà chúng tôi lèo lái công ty để vượt qua khủng hoảng là chấp nhận và đương đầu với khủng hoảng để tìm giải pháp vượt qua nó.


Tinh thần chiến binh doanh nhân vượt khủng hoảng mà anh vừa chia sẻ đã giúp Tuấn Hùng Shoes vượt qua khủng hoảng như thế nào?

Tinh thần chiến binh doanh nhân vượt khủng hoảng mà Tuấn nói đến là tinh thần của một doanh nhân kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng thì phải chiến đấu như một chiến binh, không từ bỏ, không chấp nhận thất bại, chỉ có một con đường là phát triển đi lên hoặc là không có gì hết. Tất cả mọi việc xảy ra chỉ là hoàn cảnh khó khăn hoặc thách thức mà mình gặp phải. Hoặc là hoàn cảnh chiến thắng mình hoặc là mình chiến thắng hoàn cảnh. Nếu như xem mỗi khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là một thách thức phải vượt qua để bước lên một nấc thang mới thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và khi chấp nhận đương đầu thì sẽ tìm ra được giải pháp để vượt qua thách thức đó. Dấu hiệu để nhận ra khủng hoảng đầu tiên là bị Shock, sau đó là phủ nhận (giống như một con thú mới bị trúng tên thì sẽ vùng lên, giãy dụa để chạy) thì doanh nghiệp cũng vậy, vùng lên thì sẽ đi lên được một chút sau đó sẽ bắt đầu đi xuống, lúc này xuất hiện sự căng thẳng, giận dữ, thất vọng và cuối cùng là suy sụp. Đây là lúc đứng giữa ranh giới từ bỏ hoặc tiếp tục để có thể đi lên.

Từ bỏ thì thất bại mà tiếp tục đương đầu để tìm giải pháp thì khi tìm ra giải pháp và hành động thì mọi thứ sẽ dần đi lên. Nên tinh thần chiến binh doanh nhân vượt khủng hoảng là tinh thần doanh nhân không chấp nhận sự tầm thường, đương đầu với thách thức để tìm giải pháp vượt qua nó và chiến đấu như một chiến binh. Chủ yếu các vấn đề gặp phải khi khủng hoảng liên quan đến dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận hay chuỗi cung cấp gặp sự cố thì tập trung nguồn lực để tìm giải pháp cải thiện những điều đó và hành động với quyết tâm 300% thì mọi thứ sẽ dần được cải thiện.

Trong thời gian này, giai đoạn kinh tế cực kỳ khó khăn vì Covid-19, các cửa hàng thu hẹp, doanh số tụt giảm, làm thế nào để Tuấn Hùng Shoes được khách hàng tìm đến đặt hàng, gia công?

Khi bắt đầu dịch bùng phát thì Tuấn Hùng Shoes cùng các đối tác của mình đều bị ảnh hưởng bởi dịch, doanh thu bị sụt giảm. Chúng tôi đã họp lại để tìm ra phương án. Thay vì chọn việc co lại để bảo toàn thì chúng tôi quyết định mở rộng để tăng thêm khách hàng, đưa ra những chính sách hỗ trợ để cùng đồng hành với đối tác vượt qua khó khăn khủng hoảng. Vì vậy những đối tác của chúng tôi tiếp tục găn bó với Tuấn Hùng Shoes và có thêm những khách hàng mới liên hệ hoặc được giới thiệu tới. Một trong 13 giá trị cốt lõi chúng tôi chọn để xây dựng là giá trị biết ơn, khi thắng được cũng nhờ sự ủng hộ từ đối tác thì khi gặp khó khăn chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và ủng hộ để cùng đối tác của mình vượt qua những khó khăn đó nên đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng.


Sản xuất giày tại Việt Nam, gia công giày cho các thương hiệu lớn, theo anh, bí quyết quan trọng nhất là gì?

Theo tôi là phải lựa chọn phân khúc khách hàng và thị trường phù hợp với mình. Lý do mà vào năm 2015 việc kinh doanh của chúng tôi đi xuống là vì tôi đã lựa chọn sai phân khúc khách hàng. Như lúc ban đầu định hướng của gia đình là muốn sản xuất những sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người Việt nhưng lại phân phối chủ yếu ở các tỉnh và các khu công nghiệp. Khi bán hàng cho khách thì giá cao hơn nhu cầu cùa người mua, khách hàng mua cũng chỉ mua một vài đôi rồi đi nguyên năm, chi phí làm ra một sản phẩm thì cao mà giá bán lại không thể bán cao được nên đã dẫn đến việc thua lỗ, càng cố gắng làm thì càng lỗ. Nhưng sau khi chuyển đổi tập trung vào phát triển thị trường thành phố lớn và phân khúc khách hàng cao hơn thì mọi thứ bắt đầu đi đúng hướng.

Đối với hàng xuất khẩu thì cũng cần phải xem năng lực và quy mô của mình. Nếu những sản phẩm mình sản xuất ra chỉ ở tầm trung mà cố gắng để làm cho các khách hàng ở tầm cao cấp thì nguy cơ bị bồi thường hợp đồng là rất lớn nếu nghiên cứu không cẩn thận. Hoặc các thỏa thuận giữa hai bên trong điều khoản hợp đồng. Còn lựa chọn phân khúc thấp hơn thì làm mà không có lợi nhuận.

Ngoài việc uy tín, mẫu mã, tinh thần teamwork, và sản xuất cho các thương hiệu khác, Tuấn có nghĩ tới việc tạo ra một thương hiệu cho riêng mình? Nếu có thì khi nào, và đối tượng hướng đến? Phục vụ phân khúc nào?

Hiện tại, Tuấn Hùng Shoes đang chuẩn bị cho ra mắt một thương hiệu của riêng mình và cũng sắp hoàn thiện mọi việc để có thể ra mắt trước Tết Nguyên đán năm nay. Phân khúc khách hàng ở tầm trung với đối tượng hướng đến là những phụ nữ ở độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi và làm việc văn phòng, là chuyên viên hoặc các cấp quản lý trong các công ty.

Đội ngũ trong Tuấn Hùng Shoes đa số là những người rất trẻ, rất sáng tạo, rất tâm huyết, đây là phải là bí quyết chọn “lính” của Tuấn trong quá trình đồng hành cùng với mình? Tuy nhiên, nếu những người nhân viên đấy, sau này, trưởng thành từ chiếc nôi của Tuấn, trở thành đối thủ cạnh tranh với chính anh trên thương trường thì Tuấn thấy sao?

Tuấn Hùng Shoes có những tiêu chí khi tuyển chọn nhân sự, ngoài kiến thức và kỹ năng thì cái mà Tuấn Hùng Shoes đánh giá cao nhất lại chính là thái độ của nhân sự. Một nhân sự trước khi được tuyển vào Tuấn Hùng Shoes họ được đào tạo về Tầm nhìn – Sứ mệnh – Giá trị cốt lõi – Mục tiêu, chiến lược, quy trình của công ty để họ hiểu được định hướng phát triển của công ty, sau đó họ được đào tạo về công việc trực tiếp họ đảm nhận, định hướng phát triển của họ trong công ty và các yêu cầu cụ thể trong công việc. Sau khi được đào tạo xong hết nếu họ thấy phù hợp và muốn gắn bó với công ty thì họ trải qua một giai đoạn thách thức để tìm ra người phù hợp nhất. Và người phù hợp nhất là người có năng lực tốt nhất và phải có cùng giá trị cốt lõi với công ty. Ví dụ như giá trị Chính trực, nếu thiếu đi giá trị này thì dù giỏi mấy cũng không phải người phù hợp. Nên đội ngũ của Tuấn Hùng Shoes khi được chọn vào thì đều hiểu và hướng đến một mục tiêu chung và có cùng giá trị nên mọi người rất gắn kết với nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau để cùng nhau đạt được kết quả tốt nhất. Còn những người không phù hợp khi vào làm một thời gian thì tự động họ sẽ xin rút ra khỏi công ty vì họ nhận thấy sự khác biệt của họ trong tập thể.

Nếu trong trường hợp nhân viên trưởng thành và chủ động ra ngoài lập công ty và trở thành đối thủ thì với Tuấn Hùng Shoes cũng là chuyện bình thường. Bởi vì Tầm nhìn và định hướng của công ty không phù hợp với họ nên họ ra ngoài để tìm con đường phù hợp với mình, có thể lúc mới ra thì cách làm giống nhau nhưng vì định hướng khác nhau nên một thời gian mọi thứ cũng sẽ khác biệt. Bởi vì Tuấn Hùng Shoes cạnh tranh bằng sự khác biệt và có con đường đi riêng nên việc cạnh tranh không phải là việc Tuấn Hùng Shoes hướng tới. Còn nếu họ có cùng định hướng với công ty thì họ đã ở lại với công ty chứ không cần phải ra ngoài làm riêng làm gì. Vì chính sách ở Tuấn Hùng Shoes mỗi người đều là một người chủ thực sự, mọi người được toàn quyền chủ động trong công việc của mình và chịu trách nhiệm hoàn toàn, thêm chính sách phát triển là công bằng nên chỉ cần có năng lực thì đều có thể trở thành lãnh đạo và thăng tiến.

Nếu tôi không lầm, thì các nhãn hàng đã có những bí quyết marketing rất thành công, khi liên tục tung ra các đợt sale, khuyến mãi đánh vào tâm lý người mua, nhưng lại vô cùng thất vọng khi nhìn và nhận sản phẩm hoàn toàn là made in China. Với một người làm trong nghề này, thị trường sản xuất gia công đa dạng, tiềm năng như nước mình lại "yếu thế" hơn, Tuấn có chia sẻ gì không?

Chắc chắn một điều là thị trường của Trung Quốc phát triển hơn Việt Nam về nhiều lĩnh vực trong đó có cả lĩnh vực giày dép. Những sản phẩm mang thương hiệu Made in China hay những nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước bạn về là rất nhiều. Vì thị trường của nước bạn đi trước nên hầu như cả những sản phẩm đang sản xuất trong nước cũng có phần nào nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước bạn. Thị trường kinh tế hiện nay là thị trường toàn cầu nên nếu như không phải là Trung Quốc thì cũng có thể là một quốc gia nào đó. Nhưng điều đó thực sự không mấy quan trọng. Quan trọng là năng lực cạnh tranh và sự khác biệt.

Nếu chúng ta chỉ co cụm lại thì không thể nào phát triển được nhưng nếu chúng ta chấp nhận đương đầu và cạnh tranh song phẳng thì mới có thể vượt lên được. Trung Quốc họ cũng giống Việt Nam, cũng có phân khúc thấp, trung và cao cấp nên không thể đánh đồng sản phẩm, chưa nói tới có những sản phẩm họ còn làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Về việc một vài thương hiệu truyền thông sản phẩm của mình là sản phẩm sản xuất trong nước nhưng khi bán ra lại mang nhãn Made in China thì theo tôi đó là bởi vì sự thiếu nhất quán của họ hoặc có gì đó không được chính trực trong kinh doanh.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng Việt đã nhận thức sâu sắc và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại. Các doanh nghiệp Việt cũng đang dần thay đổi phương thức kinh doanh để khẳng định vị thế của mình trong tâm trí khách hàng. Nhưng thật sự, hiệu quả chưa cao lắm? Theo anh, vấn đề nằm ở chỗ nào?

Một phần sự thay đổi không thể đến ngay được mà cần phải có một quá trình vì liên quan đến việc thay đổi nhận thức từ bên trong và doanh nghiệp cũng cần phải nhìn xa để có thể làm tốt hơn ở hiện tại. Đa số doanh nghiệp ở Việt Nam đi lên từ nghề (Tuấn Hùng Shoes trước đây cũng vậy) nên hầu như rất giỏi về nghề nhưng lại thiếu đi các kiến thức để có thể làm nên sự đột phá. Các thương hiệu nước ngoài đến từ những nước phát triển, kinh tế của họ đi trước từ rất lâu nên tư duy trong kinh doanh cũng phát triển hơn, được đào tạo bài bản nên việc xây dựng thương hiệu với người dùng cũng tốt hơn. Nên nếu doanh nghiệp Việt cũng được đào tạo bài bản và xây dựng một nền tảng tốt, cùng với sự kiên trì trong việc truyền thông thì mọi thứ cũng sẽ dần thay đổi. Tôi tin là như vậy!

Theo anh, các yếu tố nào là lý do cho cuộc chiến không cân sức giữa hàng nội và hàng ngoại. Làm thế nào để giúp người tiêu dùng Việt Nam bớt dần tâm lý chuộng hàng ngoại xuất phát từ tâm lý muốn thể hiện đẳng cấp, bên cạnh lí do về chất lượng sản phẩm và yếu tố "độc - lạ"?

Theo tôi là do cả về nguồn lực và tư duy trong kinh doanh. Giống như trong thời chiến khi chúng ta phải đối đầu với đối thủ lớn hơn về mọi mặt thì chiến lược và cách làm phải khác, thay vì đối đầu trực tiếp thì không thể nào thắng được. Thói quen và tâm lý mua hàng của người dùng có thể thay đổi được nếu được truyền thông tốt nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Người Việt Nam có một tinh thần rất tuyệt vời là tinh thần yêu nước và tự hào tinh thần Việt nếu có thể làm tốt được việc đó, tôi nghĩ có thể khiến cho người Việt yêu hơn sản phẩm mình làm ra.

Trong kinh doanh, chắc chắn không thể thiếu câu hỏi: “Giá có thể rẻ hơn không? Khi các bạn hàng, đối tác tìm đến Tuấn để đặt vấn đề, và anh sẽ làm gì, trả lời thế nào để thuyết phục khách hàng?

Thường thì chúng tôi sẽ hỏi ngược lại khách hàng là anh/chị chọn mua sản phẩm bởi giá hay giá trị vòng đời của sản phẩm? Nếu khách hàng mua sản phẩm bởi giá thì khách hàng sẽ so sánh giá nhưng nếu khách hàng mua sản phẩm bởi giá trị mà khách hàng sẽ nhận được từ khi mua cho đến khi không dùng sản phẩm đó nữa thì lúc này giá thành của sản phẩm được đo lường bằng những giá trị nhận mà khách hàng sẽ nhận được. Tuấn Hùng Shoes không cam kết giá thấp nhất mà Tuấn Hùng Shoes cam kết giá tốt nhất với những gì mà khách hàng nhận được. Một trong những giá trị đó là cam kết cùng khách hàng tạo ra hiệu quả và phát triển khi hợp tác với Tuấn Hùng Shoes.

Mục tiêu trong tương lai của Tuấn Hùng Shoes là gì? Và bí quyết "nắm bắt" tinh thần, thẩm mỹ của phụ nữ khi giày của anh sản xuất hướng đến là phụ nữ. Ắt hẳn, anh cũng là một người chồng, người cha vô cùng tâm lý và tinh tế?

Mục tiêu trong tương lai của Tuấn Hùng Shoes là “đồng hành cùng với 10 thương hiệu giày Việt Nam vươn tầm Châu Á và tạo ra một triệu đôi giày nâng bước Thịnh Vượng cho phụ nữ Việt đến trước ngày 30/12/2025”. Đối tượng khách hàng mà Tuấn Hùng Shoes hướng tới là những phụ nữ làm việc văn phòng và những phụ nữ có xu hướng thời trang hiện đại nên chắc chắn sản phẩm phải đảm bảo thời trang và sự tinh tế. Bên cạnh giá trị thẩm mỹ thì Tuấn Hùng Shoes còn hướng đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe phụ nữ, mang những thông điệp tích cực và cảm hứng để người phụ nữ tự tin sải bước đến thành công hơn và tạo nên sự giàu có, hạnh phúc trong cuộc sống của họ.

Còn câu hỏi là có phải là người chồng, người cha tâm lý và tinh tế thì có lẽ vợ và con của Tuấn trả lời mới chính xác được.

Xin cảm ơn anh!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo