Doanh nghiệp - Doanh nhân

CEO Vietjet thắng lớn, Bamboo Airways lộ tham vọng

Bà Thảo lọt top nữ doanh nhân quyền lực ở châu Á, Bamboo Airways muốn mở rộng đội bay.

Người phụ nữ Việt trong top “quyền lực nhất châu Á”

Cổ phiếu VJC của hãng hàng không VietJet ngày phiên 24/9 đã “cầm máu” tại mức giá 137.600 đồng, chấm dứt chuỗi giảm liên tục 5 phiên liền trước đó.

VJC vừa đón tin tốt khi Forbes công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực của châu Á năm 2019, trong đó Việt Nam có đại diện là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập kiêm CEO Vietjet Air.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bamboo Airways ráo riết chuẩn bị nhập ‘cuộc chơi’ máy bay thân rộng

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là người phụ nữ tự thân giàu nhất Đông Nam Á với tổng tài sản 2,5 tỷ USD (theo Forbes).

Bà Hồ Thị Thu Trang - Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways cho biết, các công tác chuẩn bị liên quan đến đội ngũ phi công lái máy bay thân rộng đã được hoàn thiện.

Toàn bộ nhóm gần 50 phi công này đều đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về mặt tuyển chọn như: kinh nghiệm số giờ bay tích lũy ít nhất 1.500 tiếng đối với máy bay thân rộng của Boeing, và 500 giờ bay đối với mẫu Boeing 787.

Về mặt kỹ thuật và hạ tầng, Bamboo Airways cho biết các công tác liên quan đến đầu tư mua sắm thiết bị, khí tài phần cứng và phần mềm đã được hoàn thiện.

Đội ngũ nhân lực với các chứng chỉ bắt buộc như đào tạo cơ bản bảo dưỡng máy bay chuyên ngành cơ giới và bộ môn (điện, điện tử); chứng chỉ ủy quyền liên quan như CRS level A, CRS level B1/B2, Engine Run-Up của Boeing 787-9… cả về số lượng và xếp loại đều đã đầy đủ.

Dù mới chính thức cất cánh vào ngày 16/1/2019, Bamboo Airways (thuộc Tập đoàn FLC) đã rầm rộ đề xuất tăng số lượng máy bay từ mức được phê duyệt là 10 chiếc đến năm 2023 lên mức 22 máy bay ngay trong năm 2019, và 30 chiếc đến 2023. Tổng mức đầu tư dự án cũng được tăng lên 8.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sau 3 tháng đầu hoạt động cho thấy Bamboo Airways lỗ gần 300 tỷ đồng.

Bamboo Airway đang có dự định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2020 và mục tiêu huy động khoảng 100 triệu USD. Chưa rõ hãng bay này sẽ niêm yết ở sàn nào.

Hãng tin này dẫn lời ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, số tiền thu về sẽ được Bamboo Airways sử dụng để mở rộng đội bay, chiếm lĩnh 30% thị phần nội địa vào năm 2020.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đấu trận mới với Grab

Ngân hàng Nhà nước vừa cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với dịch vụ được cấp phép là ví điện tử cho VinID của Công ty cổ phần VinID Pay. Đây là một trung gian thanh toán tiền thân là Monpay - đã được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mua lại.

Hồi tháng 5/2019, CTCP VinID Pay đã chính thức trở thành đại diện cho các cổ đông mới của CTCP People Care. VinID là doanh nghiệp được Vingroup thành lập với số vốn 2.400 tỷ đồng, với số thành viên lên tới 4 triệu.

Như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức bước vào cuộc đua khốc liệt với hơn 20 đối thủ khác trong một lĩnh vực ví điện tử. Hệ sinh thái khổng lồ là cơ sở để Vingroup cạnh tranh với các ông lớn trong khu vực, cũng như Trung Quốc.

Ông Phạm Nhật Vượng.

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này rất khốc liệt. Nhiều ông lớn trong khu vực đã đưa ứng dụng ví điện tử vào thị trường Việt Nam như nền tảng thương mại điện tử số 1 tại Việt Nam Shopee với AirPay, hay Grab với Moca. Nhiều cái tên nổi tiếng khác như MoMo, ViettelPay, ZaloPay,... Sắp tới có thể là AliPay đến từ Trung Quốc cũng đang có những dấu hiệu bước vào Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2018, tập đoàn taxi công nghệ và giờ là dịch vụ đa ngành Grab đã rót vốn vào ví điện tử Moca để phát triển thanh toán thông qua ứng dụng này. Bên cạnh đó là các gương mặt đi trước như: Momo, Bankplus, Mobivi, Vimo, AirPay, ZaloPay, Ví Việt,...

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng cũng tung ra các áp thanh toán trên di động, từ những ứng dụng đầu tiên như của Vietcombank hay gần nhất là của Agribank.

Cuộc chiến trên thị trường thanh toán tại Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết bởi sự phân mảnh khá rõ. Thị trường được dự báo sẽ dồn lại vào một vài ông lớn có tiềm lực và chiến lược đúng đắn.

Vợ ông Trần Phương Bình “biệt đãi” các “tướng” PNJ

Cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa tạm dừng phiên giao dịch sáng ngày 25/9 với mức giảm khá mạnh, đánh mất 1.000 đồng tương ứng 1,2% còn 82.000 đồng/cổ phiếu.

Bà Cao Thị Ngọc Dung

Cổ phiếu PNJ giảm giá bất chấp kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu thuần tăng 9%, lên 10.281 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 12% lên 710 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có vẻ như chính sách mới của PNJ là phát hành 2,6 triệu cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt với mức giá bằng 1/4 thị giá, đang không được lòng cổ đông nhỏ lẻ.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 12 tháng; 70% số lượng bị hạn chế chuyển nhượng trong 24 tháng và 40% số lượng bị hạn chế chuyển nhượng trong 36 tháng kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Bên cạnh đó, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung còn dự kiến phát hành 400.000 cổ phiếu cho ông Robert Alan Willet - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập với giá phát hành 61.050 đồng/cổ phiếu. Giá phát hành này đã được chiết khấu 25% so với giá đóng cửa bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp từ ngày thông qua nghị quyết này (từ 9/9 đến 20/9/2019). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Theo Ngọc Khanh/Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo