Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chủ tịch Hội yến sào Phú Yên: Cần có chế tài thật nặng để bảo vệ loài chim yến trước nguy cơ bị tận diệt

DNVN - Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến Sào Phú Yên, chim yến cần được bảo vệ trước tình trạng bẫy, bắt chim yến để ăn hoặc thả phóng sinh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu yến chính ngạch ra các nước, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép xây dựng nhà nuôi yến.

Yến sào tăng cường sinh lực, chống lão hóa / Yến Sào Cung Đình Thượng Hoàng, món ăn kết tụ từ tinh hoa trời - đất

Ngành nuôi yến sào được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi yến tại Phú Yên, giúp thoát nghèo bền vững. Thị trường yến sào phục vụ trong nước và xuất khẩu đã giúp nhiều hộ nuôi yến giầu lên. Tuy nhiên ngành nuôi yến sào đang đứng trước một số khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã tác động không nhỏ đến nghề nuôi yến sào ở Phú Yên. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội yến sào Phú Yên về vấn đề này.

Xin ông cho biết ngành nuôi và chế biến yến sào ở Phú Yên có tốc độ phát triển trong mấy năm gần đây thế nào?

Ông Phạm Duy Khiêm: Từ năm 2015 tỉnh Phú Yên đã bắt đầu định hướng nghề nuôi yến và đã lập ra nhiều vùng qui hoạch trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Qua đó với tốc đô xây dựng nhà yến từ năm 2008-2020 thì mạnh nhất là từ các năm 2017-2019. Hiện Phú Yên có trên 700 căn nhà yến với, tổng thu khoảng 1,5 tấn/năm, tổ yến đem lại thu nhập khoảng 206 tỷ đồng/năm. Cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ gia đình từ nghèo và thoát nghèo bền vững. Số lao động cho hơn 700 nhà yến chiếm tỉ lệ lớn (trên 1.000 lao động tính cả chủ nhà yến) trong các nghề tự do tại Phú Yên và thù lao rất cao, làm trong môi trường sạch sẽ, không độc hại như làm sạch tổ yến, tinh chế tổ yến.

Theo quy hoạch của tỉnh Phú Yên, đến năm 2020 có 4 vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh gồm: thôn Phú Liên, xã An Phú (TP.Tuy Hòa) có diện tích 56,52 ha; thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) với diện tích 10,26 ha; thôn Tân Định và thôn Hội Sơn, xã An Hòa (huyện Tuy An) diện tích 87,62 ha; thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) diện tích 6,19 ha. Phú Yên quy hoạch 2 làng nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gồm: thôn Tân Định, xã An Hòa (huyện Tuy An) có quy mô 3,538ha; thôn Ân Niên, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) với quy mô 4,053ha.

Giai đoạn 2021 đến năm 2030, quy hoạch 10 vùng nuôi chim yến: thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An diện tích 20,93 ha; thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An diện tích 14,17 ha; thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa diện tích 76,86ha; thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu diện tích 37,77 ha; thôn Phước lộc, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân diện tích 13,86 ha; thôn Long Hòa, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân diện tích 5,38 ha; thôn Liên Sơn, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa diện tích 35,65 ha; Buôn Dành B, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh diện tích 46,13 ha; thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa diện tích 60,84 ha; thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa diện tích 68,36 ha.

Ông Phạm Duy Khiêm - Chủ tịch Hội yến sào tỉnh Phú Yên.

Ông Phạm Duy Khiêm - Chủ tịch Hội yến sào tỉnh Phú Yên.

Ông có thể cho biết thị trường yến sào ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng hiện nay đang tập trung tiêu thụ ở những thị trường nào? Tiềm năng của ngành nuôi yến Việt Nam ra sao? Ngành yến sào của Việt Nam đang có vị thế cạnh tranh với các nước có nuôi yến trong khu vực như thế nào?

Thị trường yến sào Việt Nam hiện hay ngoài xuất khẩu chính ngạch thì chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch và qua đường xách tay, với sản lượng khoảng từ 70-120 tấn/năm cho các thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mỹ và cộng đồng người dùng yến trên toàn thế giới, còn lại là tiêu thụ nội địa trong nước.

Yến Phú Yên hiện cũng theo con đường tiểu ngạch và tiêu thụ trong nước. Mạnh nhất là các thực khách biết đến chất lượng tổ yến Phú Yên ở các TP lớn như Hà Nội,TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Ngành yến sào Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực có nuôi chim yến như Indonesia, Malaisia, Thái Lan, Philippines, Campuchia... Chất lượng tổ yến Việt Nam đang ở loại cao trong khu vực vì nhiều yếu tố tạo nên, như loài chim yến tại Việt Nam cũng khác với loài chim yến tại các nước khác, do đó cho ra tổ yến loại tuyệt vời cả về chất lượng lẫn hình thức mà khách hàng thế giới ưa thích. Cho nên cạnh tranh về chất lượng thì Việt Nam chúng ta sẽ đứng đầu về yến trong tương lai. So với với các nước thì ngành yến Việt Nam ra đời rất trễ và chưa được Nhà nước khuyến khích phát triển sớm như các nước khác. Tới năm 2020 thì với Malaisia đã có trên 16 năm trong việc xuất khẩu chính ngạch và 1 số nước trong khu vực Đông Nam Á có nuôi yến đều đi trước Việt Nam.

Từ năm 2018 thì Hiệp hội Yến Sào Việt Nam (HHYSVN) ra đời, từ đó HHYSVN trong 2 năm, từ đầu 2018 tới 2020 đã giúp rất nhiều cho nghề yến Việt Nam và phát triển vượt bậc rõ ràng. Hiện nay có hơn 36/43 tỉnh thành có chi hội và ban vận động nghề yến nhằm tập hợp và phát triển nghề yến rõ ràng và đúng theo định hướng của nhà nước. Từ đó sẽ góp phần đưa ngành yến VIệt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á có nuôi yến. Thị trường nhắm tới của HHYSVN với sản lượng tổ yến xuất khẩu sắp tới khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác liên quan hoàn tất thủ tục là những thị trường trước đây. Yến Việt Nam đã đi ra nước ngoài bằng đường tiểu ngạch, nhưng với xuất khẩu chính ngạch thì tổ yến Việt Nam sẽ giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên các qui chuẩn cần thiết để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch thì HHYSVN sẽ giúp cho chủ nhà yến tại Việt Nam cả về kĩ thuật lẫn pháp lý cần thiết để tiến tới việc xuất khẩu trong nay mai.

Và Hội yến sào tỉnh Phú Yên cũng là 1 thành viên liên kết với HHYSVN cho nên về phía Hội sẽ chung tay cùng HHYSVN giúp bà con nghề yến tỉnh nhà phát triển tốt nhất có thể.

Loài chim yến đã mang lại doanh thu 206 tỷ đồng/năm cho các hộ nuôi yến ở Phú Yên.

Loài chim yến đã mang lại doanh thu 206 tỷ đồng/năm cho các hộ nuôi yến ở Phú Yên.

Thị trường Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu yến sào khá lớn của Việt Nam. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động thế nào tới việc xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc?

Thị trường tiêu thụ yến sào nói chung là cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới đều dùng, trong đó với số dân đông thì số lượng dùng yến tại Trung Quốc là lớn nhất. Như tôi đã nói ở trên, tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc từ trước tới giờ chỉ đi đường tiểu ngạch, chứ chưa có xuất khẩu chính thức. Chỉ có 1 số nước được phép xuất khẩu chính thức do các công ty tự kí kết với các nước sở tại như Đài Loan, Hồng Kông, Canada…

Tuy nhiên cho dù là tiểu ngạch hay xuất khẩu chính ngạch thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phạm vi toàn cầu cho nên việc xuất đi và nhập vào đều bị đình trệ, có thể nói là tạm ngưng. Nhưng nhờ thị trường nội địa Việt Nam tiêu thụ rất tốt từ trước tới giờ cho nên ảnh hưởng về sản lượng bị tồn ứ hàng là hầu như không đáng kể. Giá bán yến sào trong nước thì có giảm đi trong thời gian đầu xảy ra dịch và trên đà đang phục hồi tăng dần.

Các khó khăn hiện nay cho việc xuất khẩu tổ yến chính ngạch là phía Trung Quốc chưa ổn định về dịch cho nên cũng chưa thể tiến hành thủ tục giữa các bộ, ngành Việt Nam và phía Trung Quốc. Trong đó HHYSVN đóng vai trò kết nối giữa chủ nhà yến đế tiến hành truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Hi vọng thời gian tới HHYSVN hướng dẫn, cập nhật thật kĩ kiến thức và các trình tự tiêu chuẩn để chủ nhà yến tại Việt Nam có tổ yến đạt chất lượng cao nhất có thể.

Các doanh nghiệp xuất khẩu yến sào của Phú Yên đã có biện pháp gì để có thể vượt qua những hạn chế trong việc xuất khẩu, để tiêu thụ được yến sào trong bối cảnh giao thương hàng hóa bị hạn chế như hiện nay?

Hiện các doanh nghiệp yến sào trên toàn quốc trong đó có Phú Yên thì việc ảnh hưởng do Covid-19 đã gây ra rất đáng kể trong giao thương tổ yến. Từ đầu dịch cho tới thời điểm này các công ty đã tự xuất khẩu sản phẩm tổ yến Việt và các công ty xuất theo đường tiểu ngạch thì họ đã tìm ra được các vận chuyển riêng bằng nhiều hình thức khác nhau. Cho nên phía HHYSVN cũng như Hội yến sào Phú Yên cũng đã hướng dẫn cho bà con gỡ vướng trong vấn đề đầu ra sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức hiệu quả nhất là đưa sản phẩm vào các nhóm tập trung bán tổ yến Việt do HHYSVN lập ra như Facebook, Zalo, Viber… Mỗi nhóm từ 500-800 thành viên là chủ nhà yến và các hộ, công ty yến sào trên tòan quốc.

Gần đây ông có chia sẻ về tình trạng bắt trộm, tận diệt, phá hoại các nhà nuôi yến, ông có thể nói rõ hơn về tình trạng này? Cũng như những đề xuất của ông để bảo vệ loài chim yến?

Nhà yến phát triển tốt nhờ tính bầy đàn của loài yến. Đặc tính của loài chim yến là ban ngày chúng sẽ đi kiếm ăn gần hoặc xa nếu vùng gần đó không có thức ăn cần thiết. Đến chiều chúng mới bay về tổ của chúng, tổ của chúng còn có chim non cần được mớm thức ăn nữa. Nếu trên đường kiếm ăn mà chim bố hoặc mẹ bị bẫy bắt để dùng vào mục dích như phóng sanh hay bán giết thịt lấy mác là chim sẻ chỉ vài ngàn đồng 1 con thì người bẫy bắt chim đã làm hại nguồn thu lớn từ tổ yến.

Nhiều người vẫn chưa hiểu rằng thịt chim yến không có giá trị dinh dưỡng, chỉ có nước dãi của chúng khi nhả tổ mới có giá trị dinh dưỡng. Vì vậy với việc bẫy bắt chim yến bán lấy thịt là 1 việc làm sai trái và vô nhân đạo.

Trong khi Luật đã qui định rõ trong Nghị định 13, điều 25, khoản e do Thủ tướng Chính phủ kí và hiệu lực từ 3/2020 là: Nghiêm cấm tất cả các hành vi bẫy bắt giết thịt chim yến, trừ trường hợp dẫn dụ để nuôi làm kinh tế và nghiên cứu khoa học. Vì vậy việc bẫy bắt chim yến vừa trái đạo lý con người và vi phạm Luật với 1 loài chim hiền lành mang đến giá trị kinh tế cao. Không những cho Việt Nam mà tất cả các nước Đông Nam Á có nuôi chim yến đều bảo vệ chim yến rất nghiêm ngặt.

Ngành yến Việt Nam còn non trẻ và đang ở giai đoạn đầu phát triển, nếu tình trạng bẫy bắt giết thịt chim yến như hiện nay cứ xảy ra tràn lan mà nhà nước chưa có chế tài thích đáng nhằm bảo vệ loài chim này thì không bao lâu nữa tổng đàn chim yến tại Việt Nam sẽ sụt giảm nghiêm trọng, chúng sẽ bỏ đi, di cư sang những vùng an toàn khác để sinh sống. Khi đó hậu quả là ngành yến sẽ "chết yểu" khi chưa kịp phát triển như các nước bạn.

Tôi mong rằng việc mua chim để phóng sinh tại các chùa nên dừng ngay để không tiếp tay cho người bẫy bắt chim, góp phần vào việc tận diệt đàn yến Việt Nam.

Vấn đề pháp lý trong xây dựng nhà nuôi yến cần được quan tâm, tháo gỡ khó khăn.

Vấn đề pháp lý trong thủ tục xây dựng nhà nuôi yến cần được quan tâm, tháo gỡ khó khăn.

Hội Yến Sào Phú Yên có kiến nghị gì với Chính phủ, địa phương để hỗ trợ các nhà nuôi yến hay không?

Trước đây Hiệp hội yến sào Việt Nam và Hội yến sào Phú yên cũng đã gửi tham vấn về chế tài xử phạt hành vi săn bẫy giết thịt chim yến cho Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó có đề nghị có quy định xử phạt thật nặng hành vi bẫy bắt chim yến nhằm răn đe và bảo vệ đàn chim yến tốt hơn. Mong rằng phía cơ quan nhà nước, Chính phủ quan tâm điều này hơn nữa.

Và điều quan trọng hơn nữa đối với chủ nhà yến hiện nay tính pháp lý chưa rõ ràng, còn mập mờ giữa nhà ở và nhà nuôi yến. Việc cấp phép để xây nhà nuôi yến còn rất nhiêu khê, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước của 1 số địa phương cũng chưa nắm rõ hết cho nên chưa dám mạnh dạn hướng dẫn cho người dân trong việc xây dựng nhà yến cho đúng theo luật.

Chính phủ cần quan tâm hơn đến yếu tố kĩ thuật trong nhà yến thông qua các chuyên gia trong Hiệp hội yến Sào Việt Nam, để nắm bắt kịp thời kĩ thuật mới nhằm đưa chất lượng tổ yến cũng như chất lượng nhà nuôi yến phát triển đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm