Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chuyện doanh nghiệp: Vợ đòi ly dị, mẹ dọa từ mặt vẫn quyết tâm "cứu" dân làm sạch tinh nguồn nước bằng ống nhựa

DNVN - “Nhiều người kể cả người thân tỏ ra hoài nghi, họ nghĩ mình chẳng làm được gì với mấy cái ống nhựa. Họ cho rằng hệ thống xử lý nước phải là những cổ máy hào nhoáng, long lanh. Nhưng tôi đi hướng khác là đơn giản và tốt”.

Chi tiền tỷ, đại gia Lê Phước Vũ quyết chớp thời cơ “ngàn năm”? / Đẳng cấp đại gia Hoàng Kim Khánh, chơi siêu xe độc, cực đắt

Vũ Tiến Anh – Giám đốc Công ty xử lý nước TA nhớ lại những ngày tháng gian nan nghiên cứu hệ thống xử lý nước sạch “4 không - MET”.
Xã hội “quay lưng” đã đành người nhà còn hơn thế

Bận rộn với các loại email, chốt hợp đồng với đối tác, Tiến Anh (TA) tranh thủ trải lòng về hành trình khởi nghiệp và giới thiệu về sản phẩm được làm từ “mấy cái ống nhựa”. Thấy rõ niềm vui vẫn còn hiện rõ trên gương mặt anh, vì mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao giải sáng kiến đổi mới trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cho hệ thống xử lý nước sạch MET.
Ý tưởng làm sạch nguồn nước bắt đầu từ khi bố vợ anh chuyển từ Thái Nguyên xuống Đông Hà (Đông Hưng - Thái Bình) sinh sống nhưng nguồn nước ở đó nhiễm phèn gần như không sử dụng được thôi thúc ông nghĩ cách làm thế nào để có nước sạch sử dụng.
Theo lời kể của TA, bố vợ đã tự mày mò, xử lý các phương pháp lọc khác nhau nhưng đều không thành công. Với phương pháp truyền thống là lọc cát, sỏi, than thạch anh... phải mất công thay cát. Sử dụng cột lọc tai hại hơn vì dễ bị tắc, phải thay cột lọc thường xuyên tốn kém chi phí. Đúc kết ra được bài học từ các phương pháp trên, năm 2012 hệ thống xử lý nước sinh hoạt “vơ xừn” đầu tiên được hoàn thiện và cho kết quả khả quan.
Nhìn thấy nhạc phụ say mê với công trình ý nghĩa này, anh TA bắt đầu tìm hiểu và “nhảy” vào cùng bố vợ nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. “Nhưng quyết định đồng hành cùng bố vợ khiến mọi người trong gia đình đều phản đối, vợ đòi ly dị, mẹ ruột đòi từ mặt. Ai cũng nói mình bố mày dại là đủ rồi, mày còn lao đầu vào đó làm gì. Mày làm được gì với mấy cái ống nhựa”, anh TA kể lại.
Quyết tâm bước lên chuyến tàu mạo hiểm với bố vợ, TA nhận thấy việc làm sạch nước sinh hoạt của hệ thống đã ổn nhưng đó mới là phần ngọn. Anh xác định cần xử lý gốc trước tức phải làm sạch từ nước thải trước khi chảy ra sông mới là vấn đề cốt lõi. Vì nước máy bản chất đưa từ sông về, sông là tập trung của các nguồn thải được xử lý sơ bộ hoặc không xử lý, chứa hóa chất, vi sinh, các chất hữu cơ, kim loại nặng… Từ đó anh tập trung phát triển, nâng cao công nghệ xử lý nước thải.
 Anh Vũ Tiến Anh.
Hệ thống xử lý nước thải đầu tiên được lắp để xử nước thải hóa chất ở Đông Anh (Hà Nội) năm 2014. Kết quả kiểm chứng hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, hệ thống xử lý đó đến nay vẫn vận hành ổn định. Sau đó, TA tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thêm nhiều nguồn nước thải khác và sau khi qua hệ thống này đều rất trong, đảm bảo thải ra môi trường.
Để một lần nữa chắc chắn về chất lượng sản phẩm của mình năm 2016, TA quay trở lại những địa điểm đã lắp hệ thống xử lý sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải nhằm khảo sát chất lượng nước sử dụng, các vấn đề gặp phải khi vận hành… và tất cả đều tốt. “Tôi phải bỏ rất nhiều công sức khảo sát vì muốn chứng minh sản phẩm của mình đạt chất lượng, bền, ít tốn kém lúc đó sẽ tự tin cam kết với người tiêu dùng”, TA nói.
Sản phẩm “4 không” chưa từng có tiền lệ

Vừa gõ lạch cạch trên máy tính mở file chứa hình ảnh hệ thống xử lý nước, TA vừa chia sẻ, vì nguyên lý của hệ thống này hoạt động không theo lối mòn như dùng cột lọc, lọc cát hay dùng hóa chất… mà nguyên lý sản phẩm này chưa từng có tiền lệ nên khó khăn chồng chất.
“Riêng tìm ra nguyên lý đẩy ngược cực kỳ khó khăn, làm sao đẩy ngược toàn bộ chất thải rắn lên trên bề mặt chứ không phải lắng xuống dưới vì lắng xuống dưới sẽ tắc. Làm sao để hệ thống không bị ảnh hưởng bởi oxi bên ngoài vào bởi vì có oxi vào sẽ oxi hóa trong hệ thống, việc này đồng nghĩa với các chất bẩn trong hệ thống sẽ bám vào các vành, vách của máy từ ngày này qua ngày khác sẽ tắc”, TA nói.
Nguyên lí của hệ thống MET là khi nước vào máy đủ áp lực dòng nước chảy qua van hơi tự do vào khu vực phân tách, tại đây dòng nước bị phân tách thành các tia nhỏ. Nước ở dạng phân tử được hòa trộn với oxi không khí tạo kết tủa dạng oxit kim loại lắng lại trên bề mặt cát, phần nước còn lại thấm qua các lớp vật liệu xuống đáy bể. Dòng nước không bị đẩy ra ngoài tiếp tục được phân tách thành dạng bụi nước được xử lý yếm khí trong hệ thống. Dòng nước thấm xuống đáy bể được hút ngược trở lại hệ thống để xử lý nhờ áp lực dòng và áp suất nén do nước thấm.
Bên cạnh nguyên lý cơ học hệ thống MET còn sử dụng một số hỗn hợp chuyên biệt được tính toán riêng theo từng loại nước thải nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm của nước thải đó.
TA tự hào với công nghệ "4 không".
TA cũng tự hào đây là công nghệ “4 không” gồm không vi sinh, không sử dụng điện năng, không sử dụng hóa chất, và không chi phí vận hành. Công nghệ này không chỉ được dùng trong xử lý nước sinh hoạt mà còn ứng dụng cho xử lý nước nuôi thủy hải sản, tưới cây, xử lý nước thải trên tàu, xử lý nước thải khu công nghiệp…
Thế nhưng vì khác biệt, chưa có tiền lệ nên giai đoạn 2016 – 2017 dư luận trong nước, các học giả, nhà chuyên môn gần như không ai ủng hộ và đánh giá hệ thống MET cho rằng phi khoa học, không xử lý được và không có tác dụng. Cuối năm 2017 luật sư sáng chế Phan Quốc Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trải nghiệm hệ thống MET và kiểm chứng các hệ thống lắp đặt ở các nơi đều thấy tốt nên giới thiệu TA tham dự giải ICAN tại Canada 2017.
“Trong nước không đánh giá tốt thì ra nước ngoài chỉ mong sao người ta nhìn ngó đến sản phẩm của mình. Nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ, kết quả ngoài mong đợi. Bên đó họ ngạc nhiên, thích thú đón nhận sản phẩm của mình. Họ nói cực kỳ thích sản phẩm của tôi. Tôi nhận Huy chương vàng đầu tiên trong đời một cách thật sự sốc”, TA hào hứng chia sẻ.
Sau cuộc thi ICAN Canada, khách hàng trong nước đã tin tưởng công nghệ MET hơn. Đặc biệt với những người tư duy mở hơn là các chủ doanh nghiệp vì họ mong muốn sử dụng những sản phẩm mới, sáng tạo, mang lại lợi ích lớn.
TA vẫn nhớ như in câu chuyện về nữ doanh nhân ở Hải Dương. Khi cần xử lý nước thải của công ty Poshaco đơn vị này nhận được báo giá từ các đơn vị là hơn 300 trăm triệu, diện tích cho xây lắp hệ thống là 25m2, tổng thể tích là 100m3. Tính toán thấy chi phí cao lại mất thêm tiền xây một khối bê tông chình ình trong nhà máy, tốn chi phí vận hành nữ doanh nhân này “liều mình” thử nghiệm MET.
“Hệ thống MET chỉ hết nửa chi phí so với báo giá các bên và diện tích lắp đặt là 3m2, vừa rẻ vừa tiết kiệm diện tích mà trong quá trình vận hành không tốn thêm chi phí. Đến bây giờ cứ ba tháng Sở Tài nguyên Môi trường đều đến lấy mẫu nước đi kiểm tra và kết quả vẫn đạt tiêu chuẩn”, TA cho biết.
Làm sống dậy những nguồn nước “chết”
Tập trung vào các công trình xử lý nước thải đầu nguồn, xử lý nước cấp cho các dự án, thành phố mang tính chất cộng đồng nên TA chủ động tham gia liên minh nước sạch Việt Nam với mục tiêu chung là làm sạch nước thải ở nhiều lĩnh vực sản xuất như nước thải làng nghề, nước thải khu sinh hoạt tập trung, nước cấp giành cho bà con vùng cao và hoàn toàn phi lợi nhuận.
TA chia sẻ, hiện các làng nghề nghề thủ công lâu năm không hề có khái niệm xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Từ năm này qua năm khác sẽ ngấm xuống đất, ngấm vào nước ngầm và quay trở lại với con người qua nước giếng khoan, lan sang các khu vực nước ngầm khác. Vì vậy tới đây anh mong muốn có thể phối hợp với các tổ chức Nhà nước đưa MET vào xử lý nước thải cho các làng nghề một cách triệt để nhất.
 Hệ thống xử lý nước thải MET.Hệ thống xử lý nước thải MET.

MET cũng vừa được Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu (VCIC) hỗ trợ các dự án thí điểm ở những khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Ví dụ ở vùng lũ lụt người dân thường không có nước uống, trong khi MET không sử dụng điện nên có thể lắp cho người dân nên chỉ việc lấy gầu đưa nước lũ đổ thẳng vào máy và đầu kia ra là nước sạch.
Khi được hỏi về khả năng cải thiện nguồn nước ở sông Tô Lịch, TA cho biết anh đã lên giải pháp xử lý và không phải thay đổi bất cứ một kết cấu hạ tầng nào. “Ở mỗi đoạn cống nước thải đưa từ thành phố ra chúng tôi đặt hệ thống ngay tại đó, lấy ống hút nước đưa lên máy xử lý. Xử lý xong nước chảy xuống sông sẽ là nước sạch”, TA tự tin khẳng định.
Tới đây, MET sẽ được đưa lên Sapa (Lào Cai) để xử lý nước thải cho các khu nghỉ dưỡng. Đích của MET là bảo tồn gìn giữ những gì tốt đẹp nhất do tự nhiên ban tặng cho Sapa, ngăn chặn sự phá hủy môi trường từ các nguồn nước thải…
Nếu như ban đầu chỉ là việc nghiên cứu nguồn nước ô nhiễm dùng cho sinh hoạt thì giờ đây TA tự tin rằng có thể hồi sinh lại những dòng sông chết. Anh cũng mong muốn kết nối với các nguồn lực từ các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, viện nghiên cứu… để phối hợp hoàn thiện và tối ưu hóa công nghệ hơn để MET lan rộng ra các khu vực khó khăn, khu vực ô nhiễm nhất.
Bài và ảnh: Loan Lê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm