Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cuộc đời đầy màu sắc của người giàu nhất Brazil

Ông Jorge Paulo Lemann từng là nhà báo và vận động viên trước khi trở thành tỷ phú đầu tư.

Với 1 câu nói, tỷ phú Lý Gia Thành chỉ ra sai lầm không ít phụ huynh hiện đang mắc phải / Cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng lừng danh Pepsi: Đặt chân tới Mỹ ở tuổi 22, kiếm được 31 triệu USD trong năm ngoái

Jorge Paulo Lemann, người giàu nhất Brazil và giàu thứ 29 trên thế giới, được biết đến chủ yếu vì kỹ năng đầu tư. Công ty 3G Capital của ông sở hữu hoặc đầu tư vào những tập đoàn bia lớn nhất thế giới, như Burger King, Tim Hortons, Kraft và Heinz.

Ngoài khối tài sản 27,5 tỷ USD, Lemann sống một cuộc sống giàu có, đầy đủ và rất bất thường. Ông tốt nghiệp Harvard, bắt đầu sự nghiệp với nghề báo, sau đó trở thành một nhà vô địch quần vợt chơi ở giải Wimbledon (Anh). Thời gian rảnh, ông theo đuổi bộ môn lướt sóng và spearfishing (bắt cá bằng thương).

Jorge Paulo Lemann. Ảnh: Getty Images

Từ Harvard đến lướt sóng

Tỷ phú 78 tuổi này sinh ra ở Rio de Janeiro với cha người Thụy Sĩ và mẹ người Brazil. Ông được nhận vào Harvard nhưng lại không hề thích học.

“Năm đầu tiên ở Harvard thật khủng khiếp. Tôi mới 17 tuổi và tôi rất nhớ bãi biển và mặt trời. Boston quá lạnh”, Lemann chia sẻ trong một sự kiện năm 2011.

Ông tiết lộ rằng ông học được nhiều về cách chấp nhận rủi ro khi lướt con sóng cao 9m trên bãi biển Copacabana hơn là học ở ngôi trường danh tiếng này. Ban giám hiệu thậm chí còn đề nghị ông tạm nghỉ một năm vì "chưa trưởng thành". Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng học vì áp lực từ gia đình.

Năm 20 tuổi, Lemann tốt nghiệp sớm ngành kinh tế nhờ học "mẹo". Ông hỏi giáo viên, sinh viên khóa trước và đọc đề thi cũ để chọn những môn phù hợp nhất với khả năng. Tuy nhiên, ông cũng hối tiếc vì không tận dụng khoảng thời gian này. "Tôi có thể học được nhiều hơn thế" nếu cố gắng hơn, vị doanh nhân nói.

Từ báo chí đến quần vợt

Sau Harvard, Lemann làm phóng viên tại tờ báo lâu đời thứ 3 ở Brazil, Jornal do Brasil, nhưng sớm nhận ra ông không phù hợp với lĩnh vực này. Sau đó, ông được đào tạo tại ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông tìm thấy đam mê quần vợt và quyết định tham gia thi đấu chuyên nghiệp. Lemann là nhà vô địch quần vợt quốc gia của Brazil 5 lần. Ông từng đại diện cho Brazil và Thụy Sĩ (ông có quốc tịch kép) trong giải đấu quốc tế Davis Cup và cũng chơi trong Wimbledon. Ông chỉ từ bỏ quần vợt này khi nhận ra lọt vào top 10 thế giới là một việc rất khó.

Jorge Paulo Lemann giành Cúp Natu Nobilis của Brazil năm 1979. Ảnh:Gazeta Esportiva

Sự nghiệp đầu tư

Năm 1971, ở tuổi 32, Lemann mua một công ty môi giới chứng khoán nhỏ có tên Banco de Investimentos Garantía SA với giá 800.000 USD. Ông muốn biến công ty thành Goldman Sachs của Brazil bằng cách áp dụng mô hình hợp doanh. Ông xây dựng Garantía thành một tên tuổi lớn và bán cho Credit Suisse First Boston với giá 675 triệu USD vào năm 1998.

Ông gặp các cộng sự hiện tại, Carlos Alberto Sicupira và Marcel Herrmann Telles, ở Garantía. Được gọi là "3 chàng lính ngự lâm", các nhà đầu tư sau đó mua chuỗi cửa hàng bán lẻ Lojas Americanas SA vào năm 1982 với giá 24 triệu USD. Đây là vụ thâu tóm đầu tiên của Brazil. Sicupira và Telles giờ cũng là tỷ phú.

Năm 1989, Lemann mua lại công ty bia Cia Cervejaria Brahma với giá 50 triệu USD. “Tôi nhìn vào khu vực Mỹ Latinh và ai là người giàu nhất Venezuela? Một nhà sản xuất bia. Người giàu nhất Colombia? Một nhà sản xuất bia. Người giàu nhất Argentina? Một nhà sản xuất bia”, ông tiết lộ lý do.

Mỗi năm, Lemann buộc ban lãnh đạo của Brahma phải lên kế hoạch ngân sách từ số không và đưa ra lý do tại sao công ty cần nhiều hơn. Việc tập trung vào dòng tiền cũng giải thích tại sao vị tỷ phú không gặp vấn đề về nợ sau khi tiếp quản Anheuser-Busch trong năm 2008.

Năm 1993, ông và cộng sự thành lập công ty mua bán GP Investimentos và bắt đầu sự nghiệp M&A (sáp nhập và mua lại). GP sau đó trở thành công ty cổ phần tư nhân lớn nhất niêm yết ở Mỹ Latinh.

Ông và nhóm cộng sự nhanh chóng mua thêm những tên tuổi lớn trong ngành để tạo nên đế chế bia. Brahma biến thành AmBev sau khi sáp nhập với một hãng bia khác của Brazil. Sau đó, AmBev mua lại thương hiệu bia lớn nhất Argentina - Quilmes. Năm 2004, công ty sáp nhập với InterBrew của Bỉ với giá 11 tỷ USD, đổi tên thành InBev. Lemann và cộng sự thành lập 3G Capital trong cùng năm.

InBev tiếp tục sáp nhập cùng thương hiệu Anheuser-Busch của Mỹ vào năm 2008, thành AB InBev trong thỏa thuận 52 tỷ USD. Đến năm 2016, AB InBev bỏ 100 tỷ USD để hợp nhất với đối thủ SABMiller của Anh, thành công ty mới có tên Newbelco. "Đế chế" mới sở hữu hơn 200 thương hiệu bia, kiểm soát 1/3 thị phần và chiếm hơn nửa lợi nhuận thị trường toàn cầu.

Vùng có màu là nơi AB InBev/SABMiller hoặc cả 2 kiểm soát thị trường. Ảnh:AB InBev

Tham vọng của Lemann được phản ánh trong phương châm của 3G Capital: "Dream big" (Mơ lớn). Với sự giúp đỡ của huyền thoại đầu tư Warren Buffett vào năm 2013, 3G giành quyền kiểm soát thương hiệu ketchup nổi tiếng H.J. Heinz của Mỹ với thỏa thuận 28 tỷ USD chỉ sau 6 tuần đàm phán. Lemann tiếp tục sáp nhập hãng với công ty chế biến thực phẩm Kraft Foods của Mỹ để thành lập Kraft Heinz vào năm 2015.

3G cũng "bắt tay" Buffett để biến Burger King (chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh của Mỹ) và Tim Hortons (chuỗi quán cà phê và nhà hàng Canada) thành "gã khổng lồ" Restaurant Brands International vào năm 2014.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm