Doanh nghiệp 24h

Công ty xây dựng Coteccons chặng đường hồi phục gập ghềnh, vị trí Tổng giám đốc vẫn bỏ trống

DNVN - Công ty xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán: CTD) là tổng thầu thiết kế - thi công dân dụng hàng đầu Việt Nam với lợi thế cạnh tranh cao tại các dự án chung cư nhờ khả năng ứng dụng BIM (Mô hình Thông tin Công trình).

Hàng không Việt Nam năm 2020: Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ, Vietjet lãi 70 tỷ đồng / Ngành thép Việt Nam có triển vọng thúc đẩy xuất khẩu ra các thị trường mới

Công ty xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán: CTD) là tổng thầu thiết kế - thi công dân dụng hàng đầu Việt Nam với lợi thế cạnh tranh cao tại các dự án chung cư nhờ khả năng ứng dụng BIM (Mô hình Thông tin Công trình). Năm 2020, CTD đạt 14.597 tỷ doanh thu và 463 tỷ lợi nhuận sau thuế (lần lượt giảm 39% và giảm 35% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu năm 2020 giảm do dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động thi công và giảm nhu cầu đầu tư. Ngược lại, biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 5,9% (tăng 1,5% so với 2019) nhờ tối ưu hóa quản lý thi công. Tuy nhiên, việc ghi nhận chi phí bất thường 126 tỷ dự phòng phải thu khó đòi (khoảng 21% lợi nhuận trước thuế) khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 463 tỷ, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CTD hoàn thành 91% và 77% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận của CTD theo quý. Nguồn: CTD

Lợi nhuận của CTD theo quý. Nguồn: CTD

Theo đánh giá của công ty chứng khoán FPTS, công ty CTD có rất nhiều triển vọng trong năm 2021 nằm trong triển vọng chung của ngành cũng như nội tại công ty. Trong năm 2021, xây dựng dân dụng có triển vọng tích cực với tăng trưởng thực dự phóng đạt 7,9% (theo BMI), tăng 1,7 đpt so với năm 2020, dựa trên kịch bản dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi. Tiếp theo là triển vọng xây dựng nhà ở thương mại hỗ trợ bởi cải cách pháp lý (trở lại): Hai bộ luật được Quốc hội thông qua trong năm 2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2021 (gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020 và Luật Đầu tư 2020) được kỳ vọng sẽ giải quyết các ách tắc thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư dự án nhà ở thương mại tại đô thị hiện nay, hỗ trợ khôi phục thị trường này trong năm 2021. Triển vọng lĩnh vực xây dựng nhà không để ở (nhà xưởng, khách sạn, văn phòng…) khả quan trong năm 2021 nhờ khôi phục du lịch và sản xuất nội địa. Đánh giá về triển vọng của CTD trong năm 2021, CTD sẽ hồi phục chậm trong năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự phóng lần lượt đạt 16.767 tỷ và 638 tỷ (tăng 15% và 38% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả dự phóng kinh doanh CTD năm 2021 và 2022

Kết quả dự phóng kinh doanh CTD năm 2021 và 2022

Tuy nhiên CTD đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề nhân sự. Sau Báo cáo định giá lần đầu tháng 11/2020, hai lãnh đạo cao cấp cuối cùng dưới thời ông Nguyễn Bá Dương tại CTD cũng đã rời đi, gồm: Ông Từ Đại Phúc đã từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc vào ngày 19/11/2020 và Ông Võ Thanh Liêm (Quyền Tổng Giám đốc) cũng kết thúc nhiệm kỳ chuyển giao bắt đầu từ ngày 05/08/2020. Tới ngày 05/03/02021, CTD đã bổ nhiệm thêm 4 Phó Tổng Giám đốc nhằm tái cơ cấu Ban lãnh đạo:

 

Ông Chris Senekki, Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Turner Việt Nam với hơn 22 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, đặc biệt trong mảng quản lý dự án quốc tế và đặc thù. Dự kiến chính thức gia nhập CTD vào giữa tháng 04/2021.

Tiến sĩ Phan Hữu Quốc, Nguyên Phó Đại diện của Shimizu Việt Nam với 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản với chuyên môn về xây dựng kỹ thuật hạ tầng, đặc biệt là công trình ngầm đô thị.

Ông Võ Hoàng Lâm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons với hơn 15 năm kinh nghiệm trong Coteccons Group.

Ông Nguyễn Ngọc Lân Giám đốc Khối Xây lắp của CTD.

Như vậy, tới nay Ban lãnh đạo CTD đã có 6 Phó Tổng Giám đốc với nhiều kinh nghiệm cũng như chuyên môn khác nhau trong các lĩnh vực xây dựng nhưng vị trí Tổng Giám đốc vẫn đang bỏ trống. Bên cạnh nhiều lãnh đạo cao cấp rời đi, quy mô nhân sự của CTD trong năm 2020 cũng giảm mạnh khoảng 27% (từ 2.272 xuống 1.659 người tại cuối năm), dẫn tới cho doanh nghiệp phải tuyển lại nhiều vị trí quan trọng như giám đốc dự án, chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, chuyên viên pháp chế… Để hạn chế nhân sự tiếp tục rời đi, CTD đã chi khoảng 154 tỷ để mua hơn 2 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2020 nhằm tạo nguồn phát hành ESOP trong tương lai.

 

Không chỉ để trống các vị trí chủ chốt, lãnh đạo cao cấp và nhân sự rời đi còn có thể tạo ra những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong tương lai. Sau khi rời đi khỏi CTD, ông Nguyễn Bá Dương đã xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập tại tổng thầu dân dụng khác là Công ty Cổ phần Vật liệu và Giải pháp SOL với mục tiêu 2.000 tỷ doanh thu trong năm 2021 (tăng trưởng khoảng 250% so với kết quả kinh doanh 2019 của SOL và tương đương 14% doanh thu CTD năm 2020). Doanh nghiệp này đã thực hiện một số dự án cho các khách hàng lớn như VinGroup, Sun Group, CTCP Hà Đô, MIK Group… Rủi ro nhân sự cao cấp ở CTD là đáng kể và tạo ra nhiều bất định trong triển vọng dài hạn của doanh nghiệp.

Mặc dù CTD còn đối mặt với một số rủi ro trong năm mới như các khoản thu và hàng tồn kho do những diễn biến của dịch Covid-19 năm 2020, ảnh hưởng tiêu cực của rủi ro này được hạn chế bởi cơ cấu nguồn vốn không có nợ vay và nguồn tiền lên tới 3.248 tỳ (khoảng 20% tổng tài sản), đảm bảo đủ năng lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn trong dịch.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm