Doanh nghiệp 24h

Việt Nam lấy du lịch nội địa làm trọng tâm để phục hồi từ nay đến 2023

DNVN - Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Du lịch “bắt tay” thu hút du khách tới Bảo Lộc và Đà Lạt / Doanh nghiệp du lịch Huế chung tay làm sạch rừng ngập mặn trên Phá Tam Giang

Ngày 3/4/2021 tại Thanh Hóa, diễn ra Tọa đàm “Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ”. Theo đó, sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không và cơ quan truyền thông. Các bên sẽ trao đổi về định hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, kế hoạch kích cầu du lịch nội địa chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch hè 2021 và thảo luận về việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Thể thao - Văn hóa và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.


Trong bối cảnh như vậy, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam sẽ được tính toán trên nhiều phương diện, tập trung vào những nội dung chính: Công tác phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Cùng với phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách. Đối với thị trường quốc tế, cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại.

Về thị trường mục tiêu, các thị trường gần trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là các thị trường mà du lịch Việt Nam cần chú trọng trong giai đoạn phục hồi 2021 - 2023. Có thể chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện đón khách đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Thanh Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm