Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp cần ‘điểm tựa’ để bứt phá

DNVN - Tại buổi gặp mặt sáng ngày 4/10 giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhiều chủ doanh và hiệp hội đã đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo “điểm tựa” vững chắc để phục hồi và phát triển.

Doanh nghiệp hưởng lợi khi ứng dụng công nghệ số trong kê khai, thanh toán thuế / Hơn 100 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ phục hồi ngành chăn nuôi và thuỷ sản

Cần những chính sách đột phá

Buổi gặp mặt với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, với sự tham gia của các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Sự kiện đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), đã nêu bật những thách thức trong quá trình đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn. Dù đã đầu tư thành công tại 13 quốc gia với tổng số vốn 1,5 tỷ USD, Viettel vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cũng như các xung đột chính trị tại các quốc gia đầu tư.

Thiếu tướng Thắng nhấn mạnh: "Khi kinh doanh ra nước ngoài, Viettel rất cần những “điểm tựa” từ Chính phủ, đặc biệt ở những nước chúng ta không có sứ quán hay chưa ký hiệp định bảo hộ đầu tư."


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nhân, doanh nghiệp. (Ảnh: VGP).

Ông đề xuất Chính phủ cần có chiến lược hoặc nghị quyết cụ thể để các doanh nghiệp tự tin vươn ra thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế qua các chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước, cũng như giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn tạo hệ sinh thái đầu tư.

Đánh giá cao vai trò của các DN lớn trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), kiến nghị Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Chủ tịch VINASME bày tỏ mong muốn Chính phủ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa – đối tượng được coi là "đàn sếu" trong nền kinh tế. Với khoảng 30.000 doanh nghiệp vừa, nếu được hỗ trợ đúng mực, họ sẽ là động lực kéo theo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển.

Ngoài ra, ông Thân cũng đề xuất Chính phủ nên xem xét ban hành luật riêng cho các hộ kinh doanh, nhằm tạo điều kiện chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính thức và có cơ chế hỗ trợ về thuế, vốn, lãi suất.

Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, bà Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa và tăng thu ngân sách. Bà Ngọc gợi ý phát hành voucher mua sắm như một hình thức giảm thuế thu nhập cá nhân, học hỏi từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Singapore.


Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC. (Ảnh: VGP).

"Việc này không chỉ giúp người dân tăng tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái logistic và dịch vụ đi kèm," bà Ngọc chia sẻ.

TTC cũng đề xuất những chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư, phát triển trung tâm tài chính quốc tế mang đậm bản sắc Việt Nam, dựa trên sự kết hợp giữa kinh tế xanh, kinh tế số và quỹ đất quy hoạch bài bản.

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19 là một vấn đề nghiêm trọng. Ông Bình đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực này, giao trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện với sự giám sát của các cơ quan chức năng. Theo ông Bình, nếu ngân sách đến được doanh nghiệp, việc đào tạo sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, kêu gọi không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Doanh nghiệp làm ăn với tinh thần tuân thủ pháp luật cao nhất nhưng vẫn có thể mắc phải những sai sót không đáng có. Do đó, ông mong muốn Chính phủ có những chỉ đạo rõ ràng để giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển kinh tế.

“Nói ít, làm nhiều” và 5 tiên phong

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao những đề xuất tâm huyết, trách nhiệm từ cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định vị trí quan trọng của họ trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ với tinh thần "nói ít, làm nhiều" và cam kết thực hiện các chính sách cụ thể, có kết quả đo lường rõ ràng. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp thực hiện 5 tiên phong để vượt qua các thách thức và tận dụng cơ hội.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần tiên phong trong thúc đẩy ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tiếp theo là tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thứ ba, doanh nghiệp cần góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiên phong thứ tư là nâng cao quản trị doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào quản trị đất nước theo hướng hiện đại, minh bạch. Cuối cùng, doanh nghiệp cần tiên phong trong củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp sẽ cùng Nhà nước và nhân dân hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm