Doanh nghiệp dệt may tăng tốc sản xuất đầu năm
‘Đường dài’ pháp lý cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ / Tháng đầu năm xuất khẩu gần 28 tỷ USD
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bên cạnh thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may đã tập trung thực hiện sản xuất, kinh doanh, tập trunghoàn thành mục tiêu trong năm 2021.
Tại Tổng công ty May 10, ngay từ ngày đi làm đầu tiên của năm mới Tân Sửu, cán bộ, công nhân viên đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tất cả cán bộ, công nhân đến nơi làm việc đều đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn và thực hiện khai báo y tế.
Không chỉ thực hiện các biện pháp phòng dịch, cán bộ, công nhân viên Tổng công ty May 10 đã tập trung cao độ để thực hiện sản xuất, kinh doanh, đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Chị Bùi Huyền Trang, phòng Thị trường 1 chia sẻ: "Năng suất của một nhân viên phòng Thị trường phải tăng gấp đôi, gấp ba thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bản thân trước đây nếu một người chỉ phụ trách làm hàng jacket thì năm nay phát triển cả mặt hàng khẩu trang, sơ mi. Năm nay cũng có nhiều khách hàng Hàn Quốc tìm đến May 10 để đặt hàng, phải chào giá thật nhanh, cung cấp mọi thông tin để kịp thời lấy đơn hàng về".
Theo dự báo, năm 2021 là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng công ty đang tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch, sản xuất các đơn hàng mới, khó.
"Trong bối cảnh hàng loạt yếu tố rủi ro vẫn còn hiện hữu và đang tác động khó lường đến nền kinh tế đất nước nói chung cũng như ngành dệt may nói riêng, bằng sự nhiệt huyết kinh nghiệm và bản lĩnh của mình tập thể ban lãnh đạo Tổng công ty May 10 sẽ tiếp tục có những quyết sách linh hoạt sáng tạo phù hợp để không ngừng phát triển", ông Thân Đức Việt nói.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng trong tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành trong năm nay.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã thay đổi chiến lược về phát triển, đẩy mạnh liên kết, một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, tự chủ từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến bán hàng hay sở hữu nhãn hiệu riêng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "Chúng ta phải tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ những thông tin, chia sẻ những đơn hàng, phải có một liên kết với các doanh nghiệp lớn để tạo dựng một nền tảng đơn hàng cho mục tiêu có đơn hàng ổn định".
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng với sự nhạy bén, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, doanh nghiệp dệt may đã từng bước vượt khó, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo