Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Huỳnh Văn Chính: Các địa phương vẫn đặt ra đủ thứ chuyện nhiêu khê khiến doanh nghiệp hết sức vất vả

DNVN - Trả lời phỏng vấn riêng DNVN, doanh nhân Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng), việc Bảo hiểm xã hội lấy máy móc, thiết bị được cài đặt sẵn trong bối cảnh thuận lợi áp đặt cho lúc khó khăn để xử phạt doanh nghiệp là ép doanh nghiệp, vô cảm đối với doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Đà Nẵng: Khởi công dự án công nghệ cao 35 triệu USD của Nhật Bản / Đà Nẵng chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) về những vấn đề tâm huyết mà ông đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân miền Trung kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc gặp trực tuyến do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7/10 vừa qua.

Doanh nhân Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng)

Doanh nhân Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng).

Thưa ông, được biết tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa qua, ông đã đại diện DN miền Trung đặt vấn đề về việc Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện đang kết dư lên tới 90.000 tỷ đồng?

Ông Huỳnh Văn Chính: Được VCCI Đà Nẵng mời tham dự cuộc gặp gỡ trực tuyến với Chủ tịch UBND Vương Đình Huệ ngày 7/10 và được tín nhiệm đại diện DN miền Trung phát biểu ý kiến, chúng tôi đã rất hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 03 ngày 24/9, trích 30.000 tỷ đồng trong Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang kết dư 90.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên theo tôi, trong 12 năm mà kết dư của Quỹ BHTN lên tới 90.000 tỷ đồng là khoản tiền quá lớn. Việc sử dụng khoản tiền này trong thời gian qua cũng còn có những bất cập. Nên chăng Quốc hội cho phép hạ mức đóng BHTN từ 2% (DN 1%, người lao động 1%) hiện nay xuống còn 1% (DN 0,5%, người lao động 0,5%) cho phù hợp với tình hình và cũng tháo gỡ bớt khó khăn cho DN và người lao động.

Là một doanh nhân từng trải qua 45 năm trên thương trường và hiện vẫn đang là Chủ tịch HĐQT một Công ty dệt may lớn trong top đầu của cả nước, ông có tâm tư gì trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay?

Ông Huỳnh Văn Chính: Khi đất nước đổi mới năm 1986, Quyết định 217 ra đời, trao quyền chủ động sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính cho đơn vị cơ sở thì DN được xem là tế bào của nền kinh tế. Đồng thời xác định vai trò người lao động, tức giai cấp công nhân, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhưng đến khi gặp biến cố như đại dịch COVID-19 đang diễn ra thì trong 11 nhóm ưu tiên tiêm vaccine do Bộ Y tế đưa ra tháng 2/2021 không hề có bóng dáng người công nhân. Giới doanh nhân, DN cũng không được xếp vào trong các nhóm đó. Vì thế từ tháng 5 – 6/2021, khi TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam có biến động mạnh về dịch bệnh thì nảy sinh nhiều vấn đề.

Công nhân không đi làm được, ở lại thì không được tiêm vaccine trong khi dịch bệnh đang hoành hành. Cộng thêm những khó khăn về kinh tế, tài chính… khiến họ bất an. Điều đó cho thấy chính sách của mình đối với DN, doanh nhân, công nhân còn chưa nhất quán, nhất là trong tình hình hiện nay.

Đến ngày 8/7/2021, Bộ Y tế ra Quyết định bổ sung người lao động vào nhóm ưu tiên được tiêm vaccine, nhưng cũng xếp áp chót ở thứ 13 trong 15 nhóm này. Dù vậy chúng tôi cũng cám ơn Bộ Y tế và các địa phương gần đây đã rất tích cực tiêm vaccine cho công nhân nên họ rất phấn chấn, tinh thần thi đua sản xuất tốt hơn và người sử dụng lao động cũng yên tâm hơn.

Nhận định của ông về việc DN thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Văn Chính: Trước khi tôi dự buổi gặp gỡ trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 7/10 thì Tổng Giám đốc một Công ty may ở một tỉnh miền Tây nói với tôi gần như khóc, vì gần 4 tháng nay công ty của chị bị đóng cửa, hàng không xuất được, công nhân cũng không đi làm được. Gần cả ngàn tỷ đồng nguyên phụ liệu nhập về kho để làm hàng F.O.B nhưng bây giờ khách hàng từ chối không nhận hàng.

Nguyên nhân là họ đặt hàng thu đông để bán mùa Noel nhưng bây giờ mình chưa may kịp, mà mùa đông thì đã tới rồi, cho nên họ hủy đơn hàng. Chị Tổng Giám đốc đó khóc ròng, nhưng chưa hết, vẫn còn cái khóc ròng tiếp theo là mùa này phải chào hàng xuân hè để đối tác lấy ý kiến khách hàng mùa xuân may hàng gì, hàng mùa hè như thế nào… Nhưng bây giờ công ty của chị cũng không may hàng mẫu được để chào hàng.

Doanh nhân Huỳnh Văn Chính phát biểu ở đầu cầu VCCI Đà Nẵng trong khuôn khổ buổi gặp gỡ trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 7/10

Doanh nhân Huỳnh Văn Chính phát biểu ở đầu cầu VCCI Đà Nẵng trong khuôn khổ buổi gặp gỡ trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 7/10.

Tỉnh miền Tây đó yêu cầu công ty của chị phải sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng tôi nói thiệt, “3 tại chỗ” thực sự tốn kém vô cùng nhưng lại không mấy hiệu quả. Hôm gặp trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tôi có mượn lời thơ Kiều của Nguyễn Du để nói về “3 tại chỗ”. Đó là: “Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Vì vậy tôi có kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đối với những DN có 100% lao động đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine thì nên cho họ tự xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp, có cam kết thực hiện tốt 5K và cho họ hoạt động trở lại. Người lao động đi làm thì họ có cam kết, ý thức được 5K tốt thì vẫn hơn là buộc họ ở nhà nhưng không quản được. DN hoạt động trở lại thì mới khỏi đứt gãy sản xuất, khỏi bị mất khách hàng, mất thị trường...

Được biết năm 2020, Công ty CP Dệt may 29/3 của ông từng bị phạt tới gần 150 triệu đồng do chậm đóng bảo hiểm xã hội. Ông có thể giải thích về vấn đề này?

Ông Huỳnh Văn Chính: Năm ngoái Công ty chúng tôi bị phạt 3 lần tổng cộng 145 triệu đồng chỉ vì đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trễ có mấy ngày. Nguyên nhân nộp trễ là dòng tiền về trễ do đối tác nước ngoài gặp khó khăn vì dịch bệnh, nhất là Mỹ và châu Âu, thậm chí đối tác mua hàng veston của chúng tôi đã bị phá sản.

Tình hình là như vậy, nhưng khi tiền về chậm, DN đóng BHXH chậm mấy ngày là bị phạt. Thậm chí có khi tiền về đúng ngày thứ Sáu là tới hạn nộp BHXH, làm thủ tục thì trúng thứ Bảy, Chủ nhật ngân hàng không làm việc, phải để qua thứ Hai cũng bị phạt, trễ 2 ngày bị phạt 60 triệu đồng.

Chúng tôi hỏi vì sao trong bối cảnh DN đang rất khó khăn mà BHXH hành xử cứng nhắc như vậy thì họ trả lời “do cài đặt trên máy nên cứ tự động trễ 1 ngày cũng phạt cả 1 tháng”. Tôi cho rằng máy móc, thiết bị là công cụ phục vụ quản lý, còn con người mới chính là chủ thể quản lý và phải biết rung động, chia sẻ trước thực tế khó khăn của nền kinh tế, của DN để có những quy định cụ thể phù hợp với tình hình tại từng thời điểm.

Chứ BHXH cứ lấy việc máy móc được cài đặt sẵn trong bối cảnh thuận lợi để áp đặt cho lúc khó khăn là ép DN, vô cảm trước những khó khăn chồng chất mà DN đang phải đối mặt do dịch bệnh COVID-19. Vấn đề này tôi cũng đã phát biểu rõ ràng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi gặp gỡ trực tuyến ngày 7/10 vừa rồi.

Là chủ một doanh nghiệp, ông có đề xuất gì cho công tác kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới?

Ông Huỳnh Văn Chính: Đất nước đã thống nhất, luật pháp chỉ có một, nhưng chúng tôi thấy vừa qua mỗi địa phương làm theo một cách, không đồng bộ khiến rất nhiều người ca thán. Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo thông suốt, tuy nhiên ở các địa phương vẫn đặt ra đủ thứ chuyện nhiêu khê khiến DN hết sức vất vả, gây nên một bức tranh tổng thể rối rắm về công tác phòng chống dịch ở Việt Nam.

Vì vậy, với việc nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, tại cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với giới doanh nhân ngày 7/10, chúng tôi có kiến nghị áp dụng những thành tựu của thế giới trong phòng, chống dịch. Đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cộng với thực hiện nghiêm 5K thì chúng ta nên chọn ra một số lĩnh vực để sớm cho hoạt động trở lại bình thường.

Chẳng hạn với Đà Nẵng, chúng tôi từng kiến nghị lãnh đạo TP là với các nhà hàng ven biển, các nhà hàng có điều kiện về không gian thoáng đãng thì tạo điều kiện cho chủ nhà hàng và nhân viên ở đó được tiêm vaccine sớm và mở cửa phục vụ cho những khách hàng đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19…

Như vậy sẽ góp phần làm sáng bức tranh kinh tế - xã hội của TP và từng bước khơi thông trở lại để khôi phục nền kin tế, chứ không nên tạo cho tâm lý xã hội cảm giác sợ sệt quá mức, dẫn tới đứt gãy kinh tế, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của TP, gây thiệt hại lớn cho DN và đặc biệt là gây vô vàn khó khăn cho người lao động.

Xin cảm ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm