Doanh nhân Lê Thanh Thản: Từ người lính trở thành doanh nhân
Tỷ phú Mark Cuban: "Đây là đặc điểm luôn có ở những nhân viên hàng đầu, bạn đừng thiếu nó" / Doanh nhân Trương Tường Lân: Đào tạo lao động du lịch theo chuẩn quốc tế
Từ cán bộ đoàn đến doanh nhân
ÔngLê Thanh Thản(sinh năm 1949, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), lớn lên như bao thanh niên khác trong làng vào thời điểm đất nước đang chiến tranh. Với lòng nhiệt tình sôi nổi tuổi hai mươi, năm 1971 ông tình nguyện lên đường vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người lính Lê Thanh Thản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về quê hương.
Lúc đó, không riêng gì quê hương Diễn Lâm mà cả tỉnh Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) đang rất khó khăn, đói kém. Với tố chất sẵn có, cùng với bản chất người lính, chàng thanh niên Lê Thanh Thản vừa buông tay súng đã bắt tay vào cầm cái cày, cái cuốc khai hoang ruộng đất để sản xuất giúp gia đình thoát nghèo đói; đồng thời vừa tham gia công tác Đoàn tại xã Diễn Lâm, từ Bí thư Chi đoàn rồi làm Bí thư Đoàn xã.
Dưới sự lãnh đạo của người lính trở về từ chiến trường, các phong trào Đoàn ở địa phương đã phát triển rất mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã nhà. Cũng vì thế, người bí thư đoàn năng động, sáng tạo đã lọt vào "tầm ngắm" của lãnh đạo huyện Diễn Châu lúc bấy giờ.
Năm 1978, ông Thản được cấp trên điều đi học tại trường Đảng Lê Hồng Phong, sau khi học xong ông được tổ chức phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu - một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự và phải đấu tranh với nhiều âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Ông về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu và đến năm 1984 được điều động về làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay. Tại đây, ông đã quy tụ những lao động khỏe mạnh lập ra một đội sản xuất chuyên đảm nhận xây dựng các công trình cho địa phương.
Không quản ngại bất cứ việc gì từ đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến nhận thầu xây dựng các công trình. Theo ông Thản, đây là những vốn liếng đầu tiên, kinh nghiệm sơ khai để từ đó lập ra một doanh nghiệp tư nhân.
Sau một thời gian dài vật lộn với thị trường, năm 1993, ông Thản quyết định thành lập Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu (nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên). Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng không chỉ tại tỉnh Lai Châu (tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay) mà còn ký kết được những gói thầu lớn ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả nước bạn Lào.
Nhớ lại thời kỳ đó, ông Thản kể lại cho chúng tôi nghe về công trình có ý nghĩa gây tiếng vang cho doanh nghiệp: Đó là vào năm 1995, doanh nghiệp của ông được chỉ định thi công công trình sửa chữa 70 km đường bộ từ cửa khẩu Tây Trang đến Mường Khoa trên đất bạn Lào do bị lũ lụt gây sụt lún hoàn toàn làm tê liệt tuyến giao thông duy nhất từ tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) sang Lai Châu. Xác định, đây cũng là nhiệm vụ chính trị vì lãnh đạo tỉnh Phong Sa Lỳ đích thân sang nhờ lãnh đạo tỉnh Lai Châu giúp đỡ.
Nhận nhiệm vụ, với thời gian được giao là 30 ngày phải thi công xong. Lúc đầu nghĩ là bất khả thi, nhưng với ý chí và quyết tâm cao của một người lính, ông Thản đã huy động tối đa máy móc, phương tiện, con người... để thi công cả ngày lẫn đêm.
Đặc biệt, yêu cầu tuân thủ quy định về kỷ luật lao động là kỷ luật "thép" như quân đội, ông đã động viên, huy động công nhân làm cấp tập 3 ca/ngày và chỉ sau 15 ngày, toàn tuyến Mường Khoa - cửa khẩu đã được thông xe.
Tiến độ và thời gian hoàn thành nhanh ngoài sự "tưởng tượng". Cũng từ công trình này, uy tín của cá nhân và sự tín nhiệm đối với doanh nghiệp được nâng cao. Ông Mạy En, Tỉnh trưởng tỉnh Phong Sa Lỳ đã tiếp tục giao cho doanh nghiệp nhiều công trình khác.
Tiếng tăm của doanh nghiệp và ông Thản lan rộng không riêng gì một số tỉnh ở Tây Bắc (Việt Nam) mà còn cả nhiều tỉnh khác trên đất bạn Lào.
Từ miền núi về đô thành
Thành công tiếp nối thành công, năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại thành phố Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước.
Với những bước phát triển "thần tốc", mỗi năm đều có những khách sạn mới ra đời không chỉ ở các địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn ở cả những địa phương miền núi khó khăn.
Tính đến nay, đã có 53 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao trải dài trên khắp cả nước với biểu tượng là đôi cánh đại bàng giang rộng phóng khoáng. Với phương châm luôn giữ những nét đẹp truyền thống tinh hoa văn hóa Việt luôn nên đã tạo được ấn tượng đáng nhớ với bất cứ du khách nào, dù chỉ một lần ghé quakhách sạn Mường Thanh.
Đặc biệt, những năm gần đây, trước những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng với tố chất có sẵn của người lính một thời vào sinh ra tử năm nào, bước chân người lính ấy không hề mỏi. Doanh nhân Lê Thanh Thản đã nhạy bén chèo lái đưa "đôi cánh" Mường Thanh vượt qua khủng hoảng, phá tan sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS) và gặt hái được nhiều thành công trong đó nổi bật là những dự án chung cư giá rẻ với tiến độ xây dựng luôn bảo đảm và đáp ứng kịp thời nhu cầu phân khúc thị trường BĐS của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Không những vậy, điều đáng nói là doanh nghiệp của ông Thản đã làm cho thị trường BĐS "dậy sóng" khi "hồi sinh" nhiều dự án từng bị "đắp chiếu" nhiều năm nay...
Dẫu biết rằng, thương trường là chiến trường, kinh doanh là phải đương đầu với khó khăn thử thách và đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản, vượt qua bao thăng trầm, vấp ngã để tồn tại và phát triển...
Thế nhưng với bản chất của một người lính từng trải qua bom đạn, ông Lê Thanh Thản đã lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh trở thành tập đoàn kinh tế tổng hợp đa ngành hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, du lịch - giải trí, giáo dục, y tế... tạo việc làm và đời sống ổn định cho hơn 2 vạn lao động, hằng năm nộp ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Và đặc biệt với cái tâm ngời sáng, ông luôn thanh thản, lạc quan trong cuộc sống mỗi ngày.
End of content
Không có tin nào tiếp theo