Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Phạm Bích Hạnh: Như một Đại sứ thương hiệu Việt với tâm huyết và nỗ lực không ngừng

Chị Phạm Bích Hạnh được nhiều người biết đến như một Đại sứ thương hiệu Việt với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm dài cùng khát khao lưu giữ và phát triển ẩm thực truyền thống một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.

Trước khi thành tỷ phú, Warren Buffett từng làm một công việc mà không hề hỏi mức thù lao, 'cuối tháng nhận lương mới biết', lý do cực thuyết phục ai cũng nên làm theo! / “Con tàu” Hoàng Anh Gia Lai “tròng trành”, bầu Đức vẫn gian nan

Hành trình hơn một thập kỷ gây dựng thương hiệu Món Ăn Ngon và các chuỗi nhà hàng kinh doanh ẩm thực của doanh nhân Phạm Bích Hạnh gắn liền với sự đam mê và nỗ lực chiếm trọn trái tim thực khách nhờ đưa những nét văn hóa đặc trưng vào ẩm thực Việt.

Kinh doanh ẩm thực là đam mê và dấn thân

Nằm trong khuôn viên rộng tới 3.000 m2 của căn biệt thự thơ mộng trên con phố chứa những ký ức êm đềm nuôi dưỡng tuổi thơ của bao thế hệ người Hà Nội - phố Nguyễn Du, Ngon Garden là một nhà hàng mới của thương hiệu Quán Ăn Ngon, thuộc phân khúc cao cấp, được chia thành nhiều không gian khác nhau cho thực khách thoải mái lựa chọn địa điểm phù hợp với nhu cầu. Không gian nhà hàng lôi cuốn thực khách bởi hàng trăm loài hoa và cây nhiệt đới.

“Kiến trúc của nhà hàng được lấy cảm hứng từ những nét thanh lịch của văn hóa Đông Dương, nhưng lại mang hơi thở của nhịp sống hiện đại. Tôi muốn mang lại những sản phẩm truyền thống pha thời đại, thu hút những người trẻ với mong muốn duy trì, bảo tồn, phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam”, chị Phạm Bích Hạnh, sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Hưng Thịnh, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon nức tiếng Hà Nội nói.

Để có được một trải nghiệm rất Việt, nhưng không hề bị cũ đó, chị đồng hành lâu năm với một kiến trúc sư trưởng người Việt Nam rất yêu văn hóa Việt. Họ không chỉ cùng nhau mang đến cho khách hàng những trải nghiệm về ẩm thực, mà còn mong muốn mang đến trải nghiệm trong từng giác quan…

Vậy nên, đến với Ngon Garden, thực khách được trải nghiệm các dịch vụ ăn uống theo chuyên đề, từ café - ăn sáng, buffet trà chiều, hải sản, các món nướng - lẩu hấp dẫn, thưởng thức mâm cơm gia đình thân thuộc, cho đến những món ăn đường phố… với menu hơn 300 món ăn Việt phong phú.

Ảnh: Nguồn Internet

Ảnh: Nguồn Internet

Để làm nên tên tuổi Quán Ăn Ngon hiện nay, có dấu ấn quan trọng của địa điểm đầu tiên tại 18 - Phan Bội Châu. Đây là nơi duy nhất tại Hà Nội lọt top 5 nhà hàng ngon và đặc sắc nhất tại Việt Nam do Tạp chí The Reuters Life! - ấn phẩm của Singapore giới thiệu vào tháng 8/2010. Đây cũng là địa điểm ghi hình được nhiều đài truyền hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... lựa chọn, khi muốn giới thiệu về văn hóa Việt Nam.

Tại 18 - Phan Bội Châu, Quán Ăn Ngon đầu tiên được mở năm 2005, nằm trong ngôi biệt thự bí ẩn. Ngôi biệt thự vốn của bác sỹ nổi tiếng Phùng Ngọc Tuệ, được cụ sử dụng làm phòng khám. Khi cụ không khám nữa, con cháu cụ cho người nước ngoài thuê làm văn phòng và từ đó trở đi, ngôi biệt thự cứ đóng kín cửa, ít người ra vào, làm mọi người càng tò mò và muốn khám phá.

Đó là lý do ngay từ những ngày mở cửa, quán đã đông ngay. “Tôi không có chiến lược gì ghê gớm khi tìm địa điểm. Vào thời điểm năm 2005, có thể nói, Quán Ăn Ngon là khu ẩm thực có quy mô lớn nhất, nằm trong khuôn viên biệt thự, mà giá cả lại phải chăng. Quán càng đông, càng tạo sự tò mò, càng hút thêm khách”, chị Hạnh chia sẻ.

Trước đó, rất ít người kinh doanh ẩm thực quan tâm đến không gian, mà thường chỉ cho rằng, quán ăn đơn giản là để phục vụ món ăn. Còn với chị Hạnh, văn hóa và ẩm thực là hai yếu tố không thể tách rời nhau. Nếu mất đi một trong hai, thì món ăn cũng chỉ là một yếu tố giúp con người no bụng, chứ không lưu giữ bất cứ điều gì về một nền văn hóa rực rỡ của cha ông ta đã gây dựng từ hàng ngàn năm trước. Chị muốn thực khách có được sự trải nghiệm về cả ẩm thực và văn hóa, nên rất quan tâm đến không gian. Chính sự khác biệt này khiến Quán Ăn Ngon được đón nhận nồng nhiệt, vì ai cũng nhìn thấy bóng dáng mình trong đó.

Với người Việt thì vậy, còn đối với người nước ngoài, trải nghiệm Quán Ăn Ngon là khám phá xem người địa phương ăn gì, sinh hoạt như thế nào qua không gian, các món ăn và con người. Khi đến ăn ở đây, khách nước ngoài có thể cảm nhận được một chút không gian xô bồ như ở chợ, nhưng lại được phục vụ chuyên nghiệp, qua đó cảm nhận được sự hiếu khách của văn hóa Việt.

Nếu Quán Ăn Ngon tại Phan Bội Châu là trải nghiệm gần gũi và thân thiện, thì ở Trung Hòa - Nhân Chính lại là trải nghiệm Hà Nội cổ tại khu đô thị mới. Quán nằm trong khuôn viên gồm các tòa nhà khô cứng, không có cây, thiếu mô hình chợ của người Việt, phố của người Việt. Khi thiếu đi nét đặc trưng của người Hà Nội hay người Việt, khu đô thị này không có gì khác biệt so với các thành phố hiện đại trên thế giới.

Nhận thấy thiếu sót này trong quy hoạch, chị Hạnh quyết định đưa cái duyên của người Hà Nội về với khu đô thị. Không gian nơi đây được tạo nên bởi kiến trúc cổ của Hà Nội xưa, từ khung cửa gỗ, gian nhà, đến mái ngói cũ. “Địa điểm này thành công vì thực khách không phải đi quá xa để được trải nghiệm phố cổ”, chị Hạnh nói.

Trong khi đó, tại Quán Ăn Ngon thứ 3 ở Trung tâm thương mại Royal City, tiêu chí không gian của quán là phải phù hợp với bối cảnh chung là trung tâm thương mại. Ở đây, chị tạo ra không gian trầm, mộc như con người Việt, với bàn gỗ, ghế gỗ, cây xanh, các món ăn thì gần gũi thân thiện và không kém phần hiện đại.

Hành trình lưu giữ hương vị ẩm thực Việt của người con gái Hà Thành

Thương hiệu Quán Ăn Ngon đã tồn tại và chiếm chỗ đứng trong lòng thực khách Việt Nam và quốc tế hơn một thập kỷ. Với vị chủ nhân của nó, để kinh doanh được như vậy, điều quan trọng nhất là phải có giá trị thật, giá trị về sản phẩm được xã hội, khách hàng đón nhận, chứ không chỉ là hiệu ứng ban đầu. Khách hàng được trải nghiệm bằng tất cả giác quan, từ món ăn, dịch vụ, không gian và văn hóa Việt khác hẳn với các không gian của quán ăn nhanh đến từ phương Tây.

Gia đình chính là nơi chắp nối cho mối lương duyên của chị với ẩm thực Việt. Người Hà Nội xưa hiếm ai không biết đến thương hiệu “Phở bà Lâu” vang bóng một thời của bà ngoại chị Bích Hạnh. Xuất thân trong một gia đình có bà và mẹ đều là những người giỏi nấu ăn, chị đã có cơ hội tiếp xúc với ẩm thực Việt khá sớm.

Chị vẫn còn nhớ như in hình ảnh khách xếp hàng dài để chờ mua những món ăn mà bà ngoại nấu, hình ảnh bà và mẹ tất bật lo toan cho công việc kinh doanh của gia đình. Điều đó lí giải tại sao luôn tồn tại cả hai thái cực trong con người chị: Bản tính hòa nhã, tinh tế của cô gái Hà Thành cùng sự bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết đoán của một người làm kinh doanh.

Chị Hạnh là cháu gái duy nhất trong gia đình có truyền thống nấu ăn ngon, với tiệm phở nổi tiếng dưới chân cầu Long Biên. Mỗi buổi chiều, chị đều được ông hoặc bà đưa sang phố ăn quà vặt, từ chợ Đồng Xuân đến Lý Quốc Sư, Tạ Hiện...

Lớn lên, chị dần nhận thấy, nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là các món quà, món ăn vặt, món ăn đường phố. Mô hình Quán Ăn Ngon - sự tổng hợp các món ăn truyền thống từ nhiều vùng miền ra đời từ đó. Thay vì phải vào tận Đà Nẵng để thưởng thức món mỳ Quảng, hay bay vào Sài Gòn để thưởng thức món bánh tráng Trảng Bàng, bánh xèo Nam bộ, khách hàng có thể cùng nhau thưởng thức ngay tại Quán Ăn Ngon ở Hà Nội.

Từ bé, chị Hạnh đã thường xuyên được tiếp xúc với công việc tạo nên những hương vị ẩm thực ngon của mẹ. Mẹ chị vốn là người kĩ tĩnh trong việc bếp núc, từng cọng rau phải được lựa cẩn thận, từng bước chế biến phải được tuân thủ theo quy chuẩn nghiêm ngặt nhất. Bản tính tỉ mỉ, cầu toàn của người con gái đảm đang đã ngầm dần ngay từ những ngày thơ bé.

doanh nhan pham bich hanh nhu mot dai su thuong hieu viet voi tam huyet va no luc khong ngung
Ảnh: Nguồn Internet

Là đứa cháu nhỏ duy nhất trong nhà, chị Hạnh rất được ông bà yêu chiều. Chị kể cho chúng tôi nghe về những bữa quà vặt ông ngoại mua cho trong những ngày tấm bé. Gia đình chị ngày ấy nằm ngay đầu cầu Long Biên, nơi mà chỉ cần qua một cây cầu đã chạm ngõ phố cổ.

Mỗi buổi chiều thơ ấu của chị là mỗi buổi chị được ông ngoại chở trên chiếc xe đạp cũ, dạo quanh khắp các con phố như Hàng Đào, Hàng Buồn, Tạ Hiện… để thưởng thức những tấm quà, những đặc sản Hà Nội. Những trải nghiệm sống động của cả một thời thơ bé trong một gia đình dày truyền thống ấm thực là ngọn lửa thắp lên tình yêu và khát khao trong lòng chị, rằng một ngày nào đó, sẽ gom đủ món ngon của khắp đất Việt này giới thiệu cho thực khách tứ phương để người ta cũng hiểu, cũng yêu ẩm thực như chị.

Những năm tháng chị làm việc tại công ty nước ngoài đã mang lại cho chị cơ hội được ghé thăm và thưởng thức ẩm thực Việt ở những vùng đất mới. Nếu món ngon Hà Nội là tình yêu chị mang theo suốt những thời ấu thơ thì đặc sản miền Trung – miền Nam dần cũng khiến chị phải “say như điếu đổ”. Năm 2005 là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời chị khi quyết định rẽ ngang trong sự nghiệp để theo đuổi lý tưởng và đam mê của mình.

Quán Ăn Ngon – 18 Phan Bội Châu, Hà Nội ra đời theo một lẽ tự nhiên như thế. Nơi đây quy tụ hàng trăm món ăn đặc sản tinh túy từ khắp ba miền như Bánh xèo, Bò nướng lụi, Hủ tiếu, Bánh canh… Bất cứ món ăn nào, dù đơn giản hay cầu kì đều được chị Bích Hạnh dành thời gian và công sức tìm hiểu và nghiên cứu. Chị kì công tìm gặp trực tiếp những nghệ nhân ẩm thực khắp mọi miền để học hỏi, tham vấn, luôn mong sao hương vị từng món ăn được giữ vẹn nguyên khi đến tay thực khách.

Đối với chị, chữ tâm luôn phải đặt lên hàng đầu và không bao giờ chấp nhận chuyện “khuất mắt trông coi” trong ẩm thực. Chị kiên quyết giữ nguyên hương vị đặc trưng của từng món bởi với chị, ẩm thực không phải chỉ để ăn cho nó mà còn là cả một nét văn hóa, để cảm nhận, để hiểu, để yêu.

 

Hữu xạ tự nhiên hướng, sau hơn một thập niên, thương hiệu Quán Ăn Ngon đã trở thành biểu tượng ẩm thực trong lòng người Hà Nội, là nơi hội tụ của nét tinh tế, thanh tao của ẩm thực miền Bắc; hương vị đậm đà, mạnh mẽ của những món ăn miền Trung hay sự độc đáo, phá cách của đặc sản Nam Bộ. Người ta kháo nhau rằng Việt kiều xa quê trở về nhất định phải một lần ghé nơi đây để thỏa nỗi nhớ quê nhà xót xa. Hay người nước ngoài muốn biết ẩm thực Việt Nam phong phú, giàu đẹp như thế nào, cứ đặt chân đến Quán Ăn Ngon là sẽ hiểu.

Trong năm 2017, chị Hạnh đã chiêu đãi thực khách Hà Nội với hơn 100 món ẩm thực Nam Bộ tại nhà hàng Món Ngon Sài Thành.

Đến Món Ngon Sài Thành, coi như đã đến Sài Thành bởi chị Hạnh hiểu Sài Thành, yêu Sài Thành, và mang Sài Thành đến cho những người thân ở Kẻ Chợ nhưng hồn nơi Chợ Lớn, không gian, hương vị ẩm thực và cung cách phục vụ đầy hào sảng nơi đây sẽ khiến thực khách “quẹo dzô là thấy Sài Gòn”. Thực khách có thể nhận ra ánh xanh bạt ngàn nơi ruộng đồng Hóc Môn, sắc đỏ vàng của hoa thơm trái ngọt chốn vườn tược Thủ Đức, nơm chụp đèn dân dã nơi miệt vườn Bình Chánh xa xôi trong từng chi tiết của nhà hàng.

Bao năm qua, sự yêu mến và ửng hộ của thực khách đã tiếp thêm động lực cho chị Phạm Bích Hạnh trong hành trình nối dài và lưu truyền giá trị truyền thống. Tôi nhận ra tình yêu ẩm thực Việt vẫn luôn đong đầy trong ánh mắt người phụ nữ dung dị mà quyết đoán -“Đừng gọi tôi là một doanh nhân, hãy gọi tôi là một người yêu ẩm thực truyền thống!”. Muốn thấy tình yêu ấy mãnh liệt thế nào, mời bạn một lần ghé qua chuỗi nhà hàng của chị Phạm Bích Hạnh để thấu rõ.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng khoán Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm