Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân trẻ tìm hiểu kinh doanh nông nghiệp của Nhật Bản

DNVN - Vừa qua, 24 đại biểu thanh niên Việt Nam đã tham gia nhóm Kinh doanh nông nghiệp/Du lịch nông nghiệp của Chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ JICA (Chương trình KCCP) đã trải nghiệm nhiều hoạt động học tập trực tuyến kết hợp với trực tiếp tại Hà Nội.

Thanh niên Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão dịch" / Cộng đồng quốc tế cùng gìn giữ, phát triển nghệ thuật múa rối

KCCP là Chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ hàng năm do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.

Năm nay, tham dự Chương trình kéo dài trong 2 tuần, các bạn trẻ tiêu biểu trong cả nước đã được hơn 10 giáo sư, chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Miyazaki, Nhật Bản giảng dạy và tương tác trực tuyến với các chuyên đề về kinh doanh nông nghiệp, du lịch nông nghiệp.

Chia sẻ với các học viên tham dự Chương trình KCCP năm nay, Tiến sĩ Dokyu Seiichiro - Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) nhấn mạnh, để gia tăng giá trị nông nghiệp, cần thúc đẩy công nghiệp hóa ngành công nghiệp thứ 6; mở rộng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm nông nghiệp; nâng cấp việc chế tạo, sản xuất, phân phối nông sản và phát triển, phổ biến các giống mới, công nghệ mới.

Tiến sĩ Dokyu Seiichiro cho biết công nghiệp hóa ngành công nghiệp thứ 6 (CNH NCNT6) là việc kết hợp ngành nông, lâm, ngư nghiệp (ngành số 1) với ngành công nghiệp (ngành số 2) và ngành thương mại (ngành số 3) nhằm đa dạng hóa kinh doanh, tạo ra giá trị mới.

Trên thực tế, để nhấn mạnh tầm quan trọng của CNH NCNT6, công thức “1 x 2 x 3 = 6” được sử dụng nhằm nhấn mạnh sức mạnh của việc kết hợp các ngành trong mục tiêu tạo ra giá trị nông nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, chỉ cần một nông gia có thể làm toàn bộ quy trình từ việc sản xuất ra nông sản đến gia công, chế biến nông sản và cuối cùng là bán sản phẩm đó.

Là trưởng nhóm thảo luận B với nhiều phát biểu đóng góp cho Chương trình KCCP lần này, anh Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) - startup tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh chia sẻ: “Chương trình đã giúp mình học hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển ngành công nghiệp thứ 6 nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của trang trại Thiên Nông”.

“Chương trình đã gợi mở cho mình các chiến lược mới như: mở điểm bán hàng trực tiếp ngay tại trang trại để bán những nông sản do chính Thiên Nông sản xuất và các sản phẩm tươi từ các trang trại xung quanh; chế biến sâu các sản phẩm kem bơ, bột bơ, dầu bơ… và các món mì bơ, trứng bơ nướng… để phục vụ du khách và người địa phương khi đến thăm trang trại; phát triển mô hình du lịch trang trại dựa vào văn hóa bản địa của đồng bào S’tiêng”, anh Hoàng tiếp lời.

Trong vai trò Trưởng nhóm thảo luận B, startup Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại Thiên Nông, tỉnh Bình Phước (đang phát biểu ở hình bên trái) đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến hay tại Chương trình

Trong vai trò Trưởng nhóm thảo luận B, startup Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại Thiên Nông, tỉnh Bình Phước (đang phát biểu ở hình bên trái) đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến hay tại Chương trình

Tiến sĩ Lê Duy Anh, Trưởng ban Chính sách công, Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) - Trưởng nhóm Kinh doanh nông nghiệp/Du lịch nông nghiệp của Chương trình KCCP đặt câu hỏi rằng ngoài việc sản xuất, chế biến nông sản và bắt đầu phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, doanh nghiệp nên bắt đầu CNH NCNT6 như thế nào? Làm sao để giải quyết khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc huy động vốn đầu tư? Đâu là vai trò của các hộ nông dân trong việc liên kết với doanh nghiệp?

Qua đó, Tiến sĩ Askashi Ryo, Phó Hiệu trưởng Đại học Miyazaki (Nhật Bản) nhận định để khởi động CNH NCNT6 cần tập hợp một lượng nông gia sản xuất cho mình và kết hợp hình thành những hộ hoặc những công ty gia công, chế biến nông sản; kế đến là quyết định việc phân phối sản phẩm hay kết hợp với công ty khác trong việc này. Điều quan trọng là sản phẩm của người nông dân phải chất lượng và đồng đều.

Ngoài ra, chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phòng thí nghiệm, phòng gia công thực phẩm...; để đảm bảo vai trò của các hộ nông dân trong chuỗi CNH NCNT6, cần xây dựng hệ thống chính trị trong chuỗi, gồm người vận hành (runner) đồng hành cùng nông gia trong quá trình từ 1 đến 3 trong CNH NCNT6; kế hoạch viên (planner) đảm nhiệm việc tìm kiếm các công ty liên kết trong chuỗi CNH NCNT6 và điều phối viên thực phẩm (food coordinator) phụ trách việc đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Tươi - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) thể hiện mong muốn tìm được đường hướng phát triển sản phẩm đúng đắn trong bối cảnh tại Việt Nam chưa có người hoạch định (planner) với vai trò tương tự như phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm.

 

Tiến sĩ Lê Duy Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Trưởng nhóm Kinh doanh nông nghiệp/Du lịch nông nghiệp củaChương trình KCCP (hình trái) và Đại biểu Mai Thị Tươi - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân, tỉnh Thái Bình (hình phải) đã san sẻ nhiều băn khoăn trên con đường kinh doanh nông nghiệp

Tiến sĩ Lê Duy Anh (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Trưởng nhóm Kinh doanh nông nghiệp/Du lịch nông nghiệp của Chương trình KCCP (hình trái) và Đại biểu Mai Thị Tươi - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Toan Vân, tỉnh Thái Bình (hình phải) đã san sẻ nhiều băn khoăn trên con đường kinh doanh nông nghiệp

Để giải đáp thắc mắc của chị Tươi, bà Yuasa Makiko - chuyên gia cao cấp về rau củ thuộc Hiệp hội chuyên gia rau củ Nhật Bản chia sẻ điều quan trọng nhất trong việc hoạch định là lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của cả doanh nghiệp và nông dân rằng họ muốn phát triển như thế nào, tình hình nguồn nhân lực hiện tại của mô hình kinh doanh hoặc sản xuất nông nghiệp của họ...

Trên thực tế, trong ngành công nghiệp thứ 6, mỗi người nông dân đều có thể là một chủ doanh nghiệp, hộ tự doanh. Theo bà Yuasu Makiko, trong phát triển sản phẩm, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nhất là phải tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm...

 

Đặc biệt, tại Chương trình, thông qua video thu sẵn, các bạn trẻ đã tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp thực tế theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thị trấn Aya, tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) - mô hình tích hợp ngành nông, lâm, ngư nghiệp với ngành công nghiệp và ngành thương mại; thăm mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) và một cửa hàng bán lẻ trong chuỗi siêu thị Bác Tôm để tìm hiểu về mô hình khởi nghiệp dựa vào nông sản.

Các đại biểu thanh niên hào hứng đến thăm mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tại Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình KCCP

Các đại biểu thanh niên hào hứng đến thăm mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tại Hà Nội trong khuôn khổ Chương trình KCCP

Kết thúc khóa học, các đại biểu thanh niên đã chia nhóm thảo luận và trình bày Kế hoạch hành động nhằm áp dụng kiến thức được học để giải quyết các vấn đề tại địa phương. Các kế hoạch này đã được các giáo sư, chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao và tích cực góp ý để nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn.

 

Trước đó, trong khuôn khổ Chương trình KCCP, nhóm Phát triển nông thôn gồm 12 đại biểu đã tham gia học trực tuyến với các chuyên gia Nhật Bản từ ngày 01/12/2021 đến ngày 31/12/2021 và kết hợp học trực tiếp tại Hà Nội từ ngày 04/01/2022 đến ngày 07/01/2022. Trong khi học tại Hà Nội, nhóm đã đến thăm Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, thăm mô hình nuôi cấy mô một số giống hoa, mô hình trồng và chăm sóc hoa lan, hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn…

Thắng Trân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm