Doanh nghiệp - Doanh nhân

Founder Got It - Doanh nhân Hùng Trần chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công

Là một trong những người Việt khởi nghiệp thành công ở Silicon Valley thông qua mô hình kinh tế chia sẻ với Got It. Khởi nghiệp từ năm 2011, đến nay, doanh nghiệp của anh đã có trụ sở tại Silicon Valley với 25 nhân viên cùng 50 người tại văn phòng ở Việt Nam.

Chỉ là 1 thành phố nhưng nơi này có nhiều tỷ phú gấp đôi Dubai / CEO Tim Cook bán 57,8 triệu USD cổ phiếu Apple, sau khi được nhận thưởng 125 triệu USD

Sản phẩm Got It Pro cung cấp cho người dùng Microsoft Excel đã đạt điểm hòa hợp về thị trường (product market fit) từ hơn 2.000 công ty tại thị trường Mỹ. Các sản phẩm dành cho lĩnh vực giáo dục khác là PhotoStudy và PhotoSolver cũng đã phát triển ổn định, được sử dụng rộng rãi bởi hàng triệu người ở thị trường Mỹ và các nước nói tiếng Anh. Gần 100 trường đại học Mỹ mua sản phẩm này cung cấp cho sinh viên. Để có những thành quả như hôm nay, con đường Hùng Trần đi qua không hề dễ dàng, nhất là đối với một kỹ sư công nghệ chọn khởi nghiệp kinh doanh.

Hùng Trần - nhà sáng lập Got It bày tỏ quan điểm: Một công ty công nghệ khởi nghiệp, ngoài kỹ thuật còn phải xác thực được nhu cầu và diễn biến của thị trường, vận hành, nhân sự, tài chính... Để doanh nghiệp hoạt động tốt, các nhà sáng lập phải có tri thức và kỹ năng kinh doanh, nhưng không có nghĩa là phải biết hết mọi thứ. Không ít người cho rằng nếu có thời gian thì họ sẽ dần dần học được hết. Điều này có thể đúng với một số ít người nhưng đối với công ty khởi nghiệp thì tốc độ là vô cùng quan trọng, bởi không thể "ngồi chờ" các nhà sáng lập học cho đủ kỹ năng sáng tạo và kinh doanh.

Founder Got It - Doanh nhân Hùng Trần: Bí quyết của tôi là luôn chọn người giỏi hơn mình

Doanh nhân Trần Việt Hùng - Nhà sáng lập, CEO của Got It

Nói vậy tức là không có cách nào khác hơn là tìm "người đồng hành" để cùng phát triển doanh nghiệp?

Thiếu sót của người sáng lập có thể giải quyết bằng cách thu hút được nhân tài. Trong trường hợp của Got It, công việc chính của tôi là xác định và thuyết phục những người giỏi tham gia vào đội ngũ công ty. Ứng viên tôi chọn thường phải thật giỏi ở một lĩnh vực nào đó, có thể họ giỏi hơn tôi nhiều lần.

Chẳng hạn như nhân sự quản lý cấp cao của Got It Pro trước đây là phó chủ tịch về sản phẩm của Rakuten (công ty thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản), hay CEO của Got It hiện nay - ông Peter Relan, vốn là một người dày dặn kinh nghiệm ở Silicon Valley, từng trải qua nhiều thành công lẫn thất bại với các startup trước cũng như trong vườn ươm khởi nghiệp do ông sáng lập.

Khi gặp người có thể làm tốt hơn tôi ở một công việc nào đó, ngay lập tức tôi nghĩ tới việc "sa thải" chính mình ở công việc đó. Có như vậy thì công ty mới luôn phát triển và không bị giới hạn bởi khả năng cá nhân. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng quan niệm này chưa phổ biến ở Việt Nam.

Silicon Valley là nơi người muốn khởi nghiệp đều hướng đến, trong đó có không ít bạn trẻ Việt Nam. Nhưng có vẻ như nó không như cách nhìn của những bạn trẻ nước mình. Ông có chia sẻ gì về thực tế "vùng đất hứa" này?

 

Silicon Valley là khu công nghệ cao với rất nhiều nhân tài và các nhà đầu tư mạo hiểm, do đó ở đây có không ít startup. Cạnh tranh là rất khốc liệt về tất cả các mặt như nhân tài, vốn, sản phẩm và thị trường. Vì thế, để có thể tồn tại được thì các nhà sáng lập phải làm cho sản phẩm hay dịch vụ càng gần với thị trường càng tốt.Các nhà sáng lập và đội ngũ của mình ở đây phải làm việc nhiều giờ một ngày không kể cuối tuần hay ngày nghỉ, nhận mức lương đủ để sống, và hầu như không có thời gian tham gia các sự kiện để đánh bóng tên tuổi. Các nhà đầu tư cũng có rất nhiều lựa chọn nên startup nào không có khả năng thực thì cơ hội gọi vốn gần như bằng không.

Giá cả tại đây cũng rất đắt đỏ nên nếu không thấy tương lai sáng sủa thì các nhà khởi nghiệp phải nhanh chóng đóng cửa công ty để đi kiếm việc hoặc xây dựng một công ty khởi nghiệp khác. Đương nhiên cũng cần có chút may mắn nữa vì mặc dù tập trung làm việc và được hỗ trợ từ các nhà đầu tư, tỷ lệ sống sót của các startup ở đây cũng chỉ 10%.

Có một điều rất hay và chính điều này cũng làm cho Silicon Valley rất khác biệt với phần còn lại của thế giới, đó là dám chấp nhận rủi ro và không sợ thất bại. Ở Silicon Valley không ai dè bỉu hay đánh giá thấp những người từng thất bại. Điều quan trọng nhất là cố gắng hết sức và học được bài học gì từ thất bại để làm tốt hơn. Trên thực tế, rất nhiều công ty đã có được thành công sau rất nhiều thất bại, công ty về thương mại điện tử Paypal là một ví dụ.

Còn Got It thì sao, may mắn của doanh nghiệp ông nằm ở đâu?

Got It may mắn có được nhiều người giỏi và làm việc hết mình. Đội ngũ ở Việt Nam hiện nay đã mở rộng ra bên ngoài phần kỹ thuật, đảm nhận thêm phần vận hành và hỗ trợ khách hàng. Công ty cũng đã cử các nhân sự từ Mỹ sang làm việc lâu dài tại Việt Nam để vừa tạo ra môi trường làm việc quốc tế vừa tạo ra môi trường đào tạo tốt nhằm nhanh chóng nâng cấp đội ngũ tại Việt Nam.

 

Còn trụ sở ở Mỹ thì vẫn tập trung vào phát triển sản phẩm, nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, vận hành ở quy mô toàn cầu và mảng kinh doanh. Công ty cũng đã tuyển thêm nhiều nhân sự giỏi, như vị trí kiến trúc sư hệ thống là người từng làm việc cho sản phẩm siêu trí tuệ nhân tạo IBM Watson, vị trí quản lý sản phẩm là nhân sự tuyển từ Paypal. Hiện nay công ty đang tập trung mạnh vào mảng kinh doanh để đưa Got It Pro tới khách hàng doanh nghiệp. Hoạt động này được dẫn dắt bởi một nhân sự cao cấp mới là phó giám đốc kinh doanh vốn là cựu lãnh đạo của LinkedIn.

Một trong nhưng chương trình thuộc nhóm nghiên cứu là blockchain. Got It đang tìm cách tận dụng blockchain tăng trưởng bằng cách phi tập trung hóa tuyển dụng chuyên gia thông qua cộng đồng cũng như xây dựng giao thức để các hãng thứ ba có thể tận dụng đội ngũ chuyên gia và nền tảng kỹ thuật của Got It để mở một dịch vụ kiến thức theo yêu cầu, giống như các dịch vụ mà chúng tôi đã, đang và sẽ cung cấp.

Ông đánh giá thế nào về đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam trong thời gian gần đây?

Nhìn chung thì số lượng người giỏi rất hữu hạn và Got It luôn muốn tuyển chọn được những người giỏi nhất có thể. Tuy nhiên, trên thế giới, nhân sự về công nghệ thông tin luôn là vấn đề đau đầu của các công ty công nghệ. Do nhu cầu của thị trường cao, đặc biệt là từ phía các công ty gia công phần mềm nên kỹ sư làng nhàng cũng có thể kiếm việc, vì thế việc tuyển chọn được kỹ sư giỏi rất khó.

Ở Got It, trong năm vừa qua chúng tôi nhận được hơn hai ngàn hồ sơ tìm việc các vị trí kỹ sư phần mềm nhưng số tuyển dụng được rất thấp. Do đó, công ty đầu tư vào việc tuyển chọn các bạn trẻ có kiến thức nền tốt và thông minh, sau đó đào tạo bởi các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm ở cả Mỹ và Việt Nam với hy vọng một phần trong số đó đáp ứng được các tiêu chuẩn rất khắt khe của Got It để xây dựng được sản phẩm như các kỹ sư ở Silicon Valley.

 

CEO founder của Got It doanh nhân hùng trần doanh nhân sài gòn

CEO của Got It chia sẻ: Phải giúp sinh viên sắp tốt nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc tiếp tục học hỏi để trở thành kỹ sư phần mềm thực thụ thay vì nhanh chóng đi kiếm tiền và dễ dàng chấp nhận trở thành kỹ sư làng nhàng

Theo tôi, bằng cách nào đó phải giúp sinh viên sắp tốt nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc tiếp tục học hỏi để trở thành kỹ sư phần mềm thực thụ thay vì nhanh chóng đi kiếm tiền và dễ dàng chấp nhận trở thành kỹ sư làng nhàng. Nếu không làm được việc này thì Việt Nam khó có thể có được các công ty sản xuất được sản phẩm có quy mô toàn cầu.

Không gian làm việc của Got It tác động đến hiệu quả và sức sáng tạo của nhân viên thế nào, thưa ông?

Chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên ở Hà Nội thiết kế văn phòng theo cách phi truyền thống, vì muốn tạo môi trường làm việc cho nhân viên giống những quán cà phê mà đối với người Việt là nơi thư giãn, sáng tạo, cũng là nơi gặp gỡ của những người thân quen. Ngoài văn phòng đẹp và thoải mái, công ty còn cung cấp bữa ăn trưa và tối, đồ ăn vặt, đồ uống, phòng chơi game, phòng nghỉ trưa để nhân viên thoải mái nhất có thể.

Ở Got It, những người sáng lập luôn cố gắng làm sao để nhân viên không phải lo lắng bất kỳ điều gì. Nếu nhân viên không toàn tâm toàn ý làm việc thì hoặc là chúng tôi có gì đó sai hoặc là nhân viên đó không phù hợp với công ty. Nếu rơi vào trường hợp đầu, chúng tôi sẽ ngay lập tức sửa chữa, còn trong trường hợp thứ hai thì sẽ dừng hợp tác.

 

Doanh nghiệp của ông đã nhiều lần gọi vốn thành công, mới đây nhất là gọi được 9 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Capricorn. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách thức chọn nhà đầu tư cũng như sử dụng số tiền đầu tư?

Got It đã huy động gần 20 triệu USD cho tới thời điểm hiện tại qua nhiều vòng gọi vốn, cá nhân tôi và đội ngũ cũng học hỏi được rất nhiều điều. Đối với nhà đầu tư thì kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư vào các công ty là công việc chính của họ, bởi quỹ đầu tư phải chịu trách nhiệm kiếm tiền cho nhà đầu tư, nên không có chuyện nhà đầu tư "thương" người khởi nghiệp mà làm từ thiện.

Một khi nhận một đồng đầu tư thì các nhà sáng lập phải chịu trách nhiệm sinh lợi cho nhà đầu tư từ một đồng đó. Đương nhiên khi đầu tư vào công ty khởi nghiệp thì nhà đầu tư có thể gặp không ít rủi ro vì khả năng sống sót của công ty khởi nghiệp chỉ khoảng 1/10. Đối với công ty startup thì ngoài nhận được tiền đầu tư, các yếu tố khác mà nhà đầu tư có thể mang lại cũng rất quan trọng, chẳng hạn như kết nối với đối tác tiềm năng, tuyển dụng, chia sẻ kinh nghiệm từ nhà đầu tư cho nhà sáng lập...

Thế nên, khi chọn nhà đầu tư, nhà sáng lập doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian tìm hiểu nhà đầu tư hay quỹ đầu tư nào đó có phù hợp với doanh nghiệp hay không, đặc biệt phải luôn xem kỹ các điều khoản đầu tư trước khi ký hợp tác. Ví dụ, một số nhà đầu tư ngắn hạn sẽ gây khó dễ cho công ty nếu thoái vốn, nhưng công ty đó không muốn theo con đường này thì nhà đầu tư có thể sa thải nhà sáng lập để bán công ty kiếm lời.

Ở Got It chúng tôi may mắn có được các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn và ủng hộ cuộc chơi "dài hơi". Trong quá trình phát triển công ty, chúng tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị hấp dẫn để mua Got It nhưng đều được các nhà đầu tư ủng hộ khi chúng tôi từ chối các đề nghị đó. Những nhà đầu tư như thế tạo động lực cho đội ngũ chúng tôi rất nhiều.

 

Ông có tạm hài lòng với những gì Got It đạt được?

Bất kỳ nhà sáng lập nào cũng đều muốn chiếm lĩnh một thị trường nào đó trong vòng một đêm. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên phải biết chấp nhận thực tế để đặt ra những mục tiêu vừa phải với khả năng của doanh nghiệp, với số vốn và nhân sự đang có. Nhìn chung tôi khá hài lòng với tiến độ của Got It, nhưng nghĩ là chúng tôi vẫn có thể làm tốt hơn.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm