Giám đốc Omega Tours “Tôi thấy giống như lệnh tổng động viên thời chiến, được gọi là sẵn sàng xông pha lên đường”
3 lời khuyên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giúp người trẻ làm việc nhất định thành công / Doanh nhân liên tục “mắc kẹt” ở Mỹ và Việt Nam vẫn hỗ trợ khẩn cấp cho Bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Omega Tours, một trong những người đầu tiên kêu gọi vận chuyển miễn phí vào các khu vực cách ly tại Đà Nẵng.
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội có rất nhiều hình ảnh những chiếc xe du lịch với những anh lái xe mặc đồ chống dịch vui cười bên những bác sĩ, cùng với hàng nghìn lượt chia sẻ thông tin kêu gọi của Hội Vận chuyển Đà Nẵng tìm xe trung chuyển bác sĩ, bệnh nhân đi cách ly.
Một trong những người đầu tiên kêu gọi vận chuyển miễn phí hỗ trợ khi Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 đợt 2 là ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Omega Tours, một trong những doanh nghiệp du lịch có tiếng nhất tại Đà Nẵng.
“Giống như lệnh tổng động viên thời chiến, được gọi là sẵn sàng xông pha lên đường”
Thưa ông, ngay từ ngày đầu tiên khi dịch bùng phát, Omega Tours và cá nhân ông là một trong những người đầu tiên thực hiện việc hỗ trợ cho các bệnh viện, cũng như kêu gọi các thành viên khác của Hiệp hội vận chuyển Đà Nẵng trợ giúp cho công tác vận chuyển cách ly, phòng chống dịch. Ông có thể chia sẻ về việc ông và các cộng sự của mình đã triển khai hỗ trợ công tác chống dịch như thế nào? Và kết quả đến nay ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Ngay sau khi đợt dịch thứ hai bùng phát và bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa, cách ly hoàn toàn, tôi cùng với một số anh em bạn bè đã có những chuyến hàng hóa hỗ trợ cho các y, bác sĩ bên trong biện viện với những nhu yếu phẩm cần thiết. Vào thời điểm đó, tôi cũng không có suy nghĩ gì nhiều, chỉ là khi biết được tin từ những người bạn làm bác sĩ trong bệnh viện kể về việc thiếu thốn đồ dùng cần thiết thì anh em chúng tôi đã huy động để hỗ trợ các bác sĩ. Ngay chính các bác sĩ và cán bộ công nhân viên cũng không hề có sự chuẩn bị cho việc bị phong tỏa nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Những chuyến hàng hóa đầu tiên được chuyển đi là ngày thứ ba sau khi có lệnh phong tỏa, chúng tôi cũng chỉ được tập kết hàng hóa ở đối diện bệnh viện và giao cho người đại diện, cũng không biết hàng hóa được chuyển trong bệnh viện ra sao, chỉ cho tới khi nhận được tin nhắn ở trong viện đã nhận được chúng tôi mới biết.
Vào thời điểm đó, chúng tôi đều nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch, nhưng hơn hết cũng là trách nhiệm cá nhân đối với xã hội, anh em chúng tôi tuy có lo lắng nhưng không hề ngại ngần khi phải đi tới khu vực cách ly, thực hiện đúng các quy trình chống dịch. Sau đó cũng có nhiều hội nhóm, anh em bạn bè khác thực hiện tiếp tục các chuyến hàng sau. Rất mừng, đến ngày hôm nay bệnh viện Đà Nẵng đã hết thời hạn phong tỏa và đón bệnh nhân trở lại.
Ngoài ra, là một thành viên của Hiệp hội vận chuyển Đà Nẵng, khi nhận được thông tin của thành phố về việc thiếu xe vận chuyển bác sĩ, bệnh nhân, thiếu xe cho công tác truy vết, cách ly thì tôi đã đứng ra như một đầu mối nhận thông tin các bạn đăng ký tình nguyện làm xe chuyên chở. Đội xe của Omega Tours cũng được huy động cho công tác vận chuyển này ngay lập tức, các anh em lái xe đã không ngại ngần tham gia công tác vận chuyển mà không hề suy nghĩ gì nhiều.
Tôi rất bất ngờ chỉ sau khi thông tin kêu gọi trên Facebook đã có hàng trăm lượt share, và chỉ trong vòng 3 ngày khi có hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày của các bạn từ những đội xe lớn tới những xe cá nhân nhỏ lẻ gọi đến xin được tham gia vào công tác tình nguyện vận chuyển này. Mặc dù những bạn tham gia đều sẽ phải thực hiện các quy trình phòng chống dịch, phải thực hiện cách ly hoàn toàn tại khách sạn trong 14 ngày trong quá trình vận chuyển và chống dịch nhưng các bạn không hề ngại ngần. Có rất nhiều bạn nữ đăng ký tham gia, hay nhiều bạn khi chưa nhận được điện thoại xác nhận các bạn lại tiếp tục liên lạc hỏi tại sao em giới thiệu bạn thì bạn em đã được tham gia mà em vẫn chưa được gọi.
Thật sự tôi có cảm giác liên tưởng tới những ngày khi ba tôi kể lại về thời chiến với lệnh tổng động viên, khi đó mọi người đều xông pha lên đường, làm mọi cách để có thể qua được bước kiểm tra để lên đường chống giặc, bạn trẻ cho gạch vào túi để tăng cân nặng, tới lúc không được đi thì bật khóc. Đó chỉ có thể nói là tinh thần tuổi trẻ của các bạn, với những mục tiêu được cống hiến cho xã hội. Cảm xúc đó tôi không biết bao giờ có thể được trải qua nếu như không phải những ngày tháng này.
Cho tới hôm nay, công tác chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định, chúng tôi cũng không sử dụng hết tất cả những nguồn xe được kêu gọi. Tôi hy vọng đó sẽ chỉ là những nguồn dự phòng không sử dụng đến như mọi người hy vọng bệnh viện dã chiến tại Cung Thể Thao Tiên Sơn không cần đưa vào hoạt động.
Những chuyến hàng được vận chuyển vào sát khu vực cách ly.
Là một người đang sống và làm việc trong tâm dịch lớn nhất cả nước hiện nay, ông có thể chia sẻ cảm xúc của cá nhân ông thế nào khi mà cả nước đang hướng về Đà Nẵng?
Là một người Đà Nẵng, phải nói rằng tôi rất xúc động và bất ngờ khi chứng kiến tình cảm của mọi người khắp nơi đều hướng về Đà Nẵng, không chỉ là những người ở trong nước mà thậm chí cả những người ở nước ngoài. Thay mặt cho những người Đà Nẵng, tôi muốn gửi một lời cảm ơn tới những lời động viên, những sự giúp đỡ về tinh thần cũng như tài chính của bạn bè hai đầu đất nước, những người quen tại nước ngoài, đó là những điều rất quý giá đối với chúng tôi để cùng vượt qua dịch bệnh một lần nữa.
Không biết phải diễn tả cảm xúc như thế nào bởi những tình cảm hướng về Đà Nẵng không chỉ là những người có liên quan tới Đà Nẵng mà còn là những người có thể chỉ một lần đến Đà Nẵng và dành tình yêu cho thành phố này. Tôi nghĩ trong mỗi con người vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm cá nhân đối với đồng bào trong thời kỳ khó khăn.
Ông đánh giá thế nào trong triển khai chống dịch của Đà Nẵng nói chung? Ở góc độ một công dân, ông có đóng góp gì để cải thiện được những mặt hạn chế trong việc chống dịch hiện nay?
Là một công dân sinh sống tại Đà Nẵng, tôi nhận thấy việc chống dịch của Đà Nẵng đã và đang được thực hiện rất tốt, từ góc độ quản lý nhà nước và tinh thần của người dân Đà Nẵng. Mọi người đều có ý thức cá nhân trong việc phòng chống dịch không kể người già, người trẻ đều rất trách nhiệm trong việc cách ly, khai báo, cũng như hỗ trợ tinh thần lẫn huy động tài chính, chứng tỏ sức dân là vô cùng lớn. Chỉ trong vòng vài ngày, mà các công ty du lịch đã quyên góp được vài trăm triệu cho công tác phòng chống dịch, chưa kể tới các hội nhóm khác.
Điểm hạn chế duy nhất có thể nói đó là trong đợt dịch này chúng ta phải nhận thức được hạ tầng y tế tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra tôi cho rằng, việc giãn cách xã hội cần được thực hiện sớm hơn, quyết liệt hơn ngay từ những ngày đầu, ở mức độ cao hơn để hạn chế những bệnh nhân di chuyển nhiều, lây lan trong cộng đồng.
Những chiếc xe chở khách du lịch nay được dùng để chở bác sĩ, bệnh nhân hoàn toàn miễn phí theo đề nghị của các bệnh viện.
Dịch ập đến bất ngờ, doanh nghiệp du lịch mất “cả chì lẫn chài”
Khi dịch Covid-19 bất chợt tràn vào Đà Nẵng, những doanh nghiệp kinh doanh du lịch chịu tác động tiêu cực đầu tiên. Ông có thể cho biết cụ thể về tình hình hoạt động của doanh nghiệp từ khi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát tại Đà Nẵng thế nào?
Sau làn sóng thứ nhất, trước làn sóng dịch bệnh lần thứ hai quay trở lại, thì doanh nghiệp huy động nguồn tài chính có thể và nguồn nhân sự tối thiểu để tái cơ cấu một phần nhỏ trong doanh nghiệp dự kiến để hoạt động duy trì trong những tháng cuối năm.
Nhưng khi hoạt động nội địa mới chỉ được được hơn hai tháng thì đợt dịch thứ hai quay trở lại, và đợt sóng thứ hai này có sức tàn phá nặng nề hơn nhiều lần làn sóng thứ nhất.
Cũng như các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác như khách sạn, nhà hàng cũng phải sửa chữa, thuê lại nhân viên để hoạt động trở lại, chúng tôi cũng đã dành một nguồn vốn để sửa chữa, tu bổ xe cộ, yêu cầu nhân sự trở lại làm việc với kỳ vọng sẽ hoạt động được khoảng 3 tháng tới hết tháng 8 để thu lại một phần nguồn vốn bỏ ra và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thế nhưng đợt dịch thứ hai ập tới ngay vào những ngày giữa tháng 7, ngay trước lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng” chỉ mấy ngày, mọi hoạt động đều phải dừng lại, có thể nói doanh nghiệp “mất cả chì lẫn chài”. Với những doanh nghiệp như chúng tôi, việc tái đầu tư để hoạt động trở lại sau nhiều tháng đóng cửa, chúng tôi đều tính toán và kỳ vọng có thể kéo dài nguồn tài chính duy trì tới cuối năm hoặc sang đầu năm sau, tuy nhiên, đợt dịch bệnh thứ hai ập đến hoàn toàn bất ngờ, cùng với việc giãn cách xã hội ngay lập tức, vì vậy chúng tôi cũng chưa có những tính toán chi tiết về mức độ thiệt hại.
Là người đứng đầu một doanh nghiệp du lịch, ông và các cộng sự trong công ty đã chuẩn bị tâm thế như thế nào để đối phó với dịch bệnh kéo dài?
Sau khi đợt dịch thứ nhất diễn ra, không ai nghĩ rằng dịch bệnh sẽ kéo dài cả năm từ chuyên gia tới người dân bình thường, chúng tôi đều có những suy đoán và hy vọng về thời gian dịch được kiểm soát trong vòng vài tháng, nhưng khi dịch bệnh kéo dài tới tận thời gian này thì sự chuẩn bị ứng phó của doanh nghiệp đều rất sơ sài.
Nếu tình hình đình trệ kinh doanh kéo dài hơn một năm thì việc hoạt động trở lại của doanh nghiệp được coi như làm lại từ đầu, nhất là đối với những doanh nghiệp nhỏ trong ngành du lịch. Có thể nói tới như vấn đề nhân sự, hiện nay do việc cắt giảm nhân sự, duy trì bộ máy tối thiểu cùng mức lương tối thiểu, chúng tôi cũng không thể khẳng định có thể giữ chân được người lao động tới cả năm bởi họ cũng cần những nguồn thu cho cuộc sống của mình nên khả năng lớn chúng tôi sẽ phải tuyển dụng lại những nhân sự mới.
Thứ hai là về vấn đề cơ sở vật chất, để hoạt động trở lại cũng cần một sự đầu tư lớn cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp để đủ kiều kiện hoạt động trở lại. Cuối cùng đó là vấn đề năng lực tài chính của doanh nghiệp như thế nào, vấn đề đó phụ thuộc rất nhiều vào thời gian dịch bệnh được kiểm soát và môi trường kinh doanh tại thời điểm đó.
Ngành du lịch phải mất 10 năm mới có thể phục hồi như hồi chưa dịch
Theo ông thay vì chỉ ngồi chờ dịch bệnh kết thúc thì doanh nghiệp có tính đến việc chuyển hướng kinh doanh sang một lĩnh vực ngành nghề khác?
Việc thay đổi lĩnh vực kinh doanh là điều mà chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở đây đều đã từng nghĩ tới. Chúng tôi đã bàn bạc rất nhiều phương án kinh doanh khác nhau và cùng tìm hiểu, nhưng trong tình hình nền kinh tế như hiện nay, việc bước sang một lĩnh vực kinh doanh mới là rất khó do nhu cầu của thị trường cũng như kinh nghiệm của doanh nghiệp khi bước vào một lĩnh vực mới, cộng thêm độ rủi ro mạo hiểm cao chưa thể tính toán được do dịch bệnh không chỉ tác động xấu lên ngành du lịch dịch vụ mà tất cả những ngành khác như sản xuất, may mặc, xuất nhập khẩu….
Bản tôi cũng là người gắn bó với ngành du lịch từ khi còn trẻ, tới nay công ty đã thành lập được hơn 10 năm, cũng không vì những khó khăn này mà bỏ nghề được. Chắc chắn Omega Tours sẽ chuyển mình phù hợp với xu thế du lịch mới trong thời gian tới.
Sau khi dịch Covid-19 qua đi, ông nhận định thế nào về khả năng phục hồi của ngành du lịch nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng?
Đối với Omega Tours, chúng tôi cũng có những phương án dự phòng với kịch bản để phục hồi hoạt động nhưng phụ thuộc dịch bệnh được kiểm soát vào thời gian nào, thời điểm nào sẽ có vacxin hay thuốc đặc trị. Nếu trong năm nay dịch bệnh có thể được kiểm soát, thì sang năm chúng tôi sẽ tái cơ cấu lại doanh nghiệp, xem xét lại nguồn tài chính để khôi phục lại một phần hoạt động, với quy mô nhỏ hơn và an toàn hơn.
Theo phân tích của những chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và du lịch nhận định, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt vào cuối năm nay thì ngành du lịch của chúng tôi cũng phải mất tới 10 năm mới có thể phục hồi lại trạng thái như trước.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu đi lại du lịch là những nhu cầu không thiết yếu và chi phí nằm trong quỹ 30% dư thừa trong chi phí của mỗi người, vì vậy khi kinh tế còn ảm đạm, tỉ lệ thất nghiệp còn đang ở mức cao thì việc khuyến khích mọi người đi du lịch cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Đối với du lịch của khách quốc tế, việc quản lý xuất nhập cảnh và cùng với kiểm soát y tế, dịch tễ ra sao, liên kết giữa các quốc gia như thế nào cũng vẫn còn chưa có lời giải đáp nên để nhận định một cách lạc quan vào thời điểm này là điều rất khó.
Đối với du lịch Đà Nẵng nói riêng, ngay vào khoảng tháng 4 tháng 5, rất nhiều đối tác ở nước ngoài của chúng tôi đã liên lạc và bày tỏ việc họ sẽ ưu tiên giới thiệu và kích thích bán hàng với điểm đến là Đà Nẵng bởi với việc kiểm soát dịch rất tốt của Việt Nam và mở lại hoạt động du lịch nội địa trong khi trên thế giới nhiều quốc gia vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh thì Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng được coi là một điểm đến an toàn và thân thiện. Với những gì mà du lịch Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua, thì dù ngay trong thời điểm bùng phát dịch lần thứ hai này, chúng tôi cũng vẫn tin tưởng du lịch Đà Nẵng sẽ sớm trở lại là điểm sáng về du lịch và là điêm đến an toàn trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo