Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 có 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

DNVN - Ngày 1/3/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021, trong đó đặt mục tiêu năm nay có 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Lộ diện mảnh ghép công nghệ cao của Viettel / Elon Musk có siêu dự án tiềm năng hơn cả Tesla

Theo kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội triển khai các nhóm nhiệm vụ trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong năm 2021, gồm: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước và xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hằng năm.

Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021 có 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

UBND thành phố cũng tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng các quy định của pháp luật; Tổ chức thẩm tra, lựa chọn các đơn vị thực hiện chương trình công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2021 theo đúng quy định; nghiệm thu các nội dung thực hiện tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được thụ hưởng kinh phí chương trình cấp thành phố; kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai tại các đơn vị theo đúng quy định…

Mục tiêu chung của TP Hà Nội là khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội. Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày.

Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội.

UBND thành phố đặt mục tiêu năm 2021, có 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11%.

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm