Hai nhà đồng sáng lập rời Instagram, bỏ lại nền tảng tâm huyết cho Facebook vận hành
Câu chuyện thú vị về hai kẻ thù không đội trời chung: Airbus A320 và Boeing 737 / Uber và Grab bị Singapore phạt 13 triệu SGD vì sáp nhập
Được bán cho Facebook năm 2012 với giá 1 tỷ USD, Instagram vẫn nằm dưới sự chèo lái của Kevin Systrom và Mike Krieger với vai trò lần lượt CEO và CTO. Tuy nhiên, New York Times cho biết hai nhà đồng sáng lập đang rời khỏi công ty mà họ xây dựng lên, để nó nằm hoàn toàn dưới sự điều hành của Facebook.
Ở thời điểm hiện tại, Instagram là một điểm sáng trong danh mục đầu tư của Facebook. Giá trị công ty đã tăng mạnh so với số tiền mà Facebook bỏ ra để sở hữu nó. Tuy nhiên, việc Systrom và Krieger rời đi làm dấy lên câu hỏi về định hướng và tương lai của ứng dụng này, vốn trước này đều phần lớn phụ thuộc vào quyết định của hai nhà đồng sáng lập.
Mike Krieger (trái) và Kevin Systrom.
New York Times vẫn chưa thể xác định vì sao Systrom và Krieger rời đi. Người phát ngôn của Instagram cũng không ngay lập tức trả lời các bình luận dù truyền thông cho biết hai nhà đồng sáng lập sẽ nghỉ việc trong tuần tới và dành một khoảng thởi gian để nghỉ ngơi. Chưa thể xác định ai sẽ thay thế vai trò CEO và CTO mà Systrom và Krieger để lại.
Vụ việc hai nhà đồng sáng lập Instagram rời đi xảy ra vài tháng sau khi Facebook hứng chịu bê bối liên quan đến bảo mật thông tin người dùng. Vụ bê bối rúng động đã buộc Facebook phải tiến hành cải tổ ban lãnh đạo. Chris Cox, người từng phụ trách phần cốt lõi của ứng dụng Facebook, được phân công phụ trách cả Instagram và Facebook hồi tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, Adam Mosseri, cựu Phó Chủ tịch phụ trách New Feed của Facebook cũng được điều sang đứng đầu mảng sản phẩm của Instagram.
Hồi đầu năm, một đồng sáng lập khác cũng đã rời đi sau khi Facebook mua lại ứng dụng của họ. Jan Koum, đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp được Facebook mua với giá 19 tỷ USD đã rời công ty vào tháng 4/2018. Nguyên nhân được xác định bắt nguồn từ những bất đồng liên quan đến khả năng bảo mật của ứng dụng.
Một tháng trước đó, khi bê bối Cambridge Analytica nổ ra, một đồng sáng lập khác của WhatsApp là Brian Acton, cũng đã kêu gọi những người theo dõi ông trên mạng xã hội xóa bỏ tài khoản Facebook. Việc Facebook cho phép một bên thứ 3 nắm giữ các thông tin người dùng từ đó đưa ra những quảng cáo có thể gây tác động đến quyết định của họ được xem là điều khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Vụ bê bối đã buộc Facebook phải thay đổi. Yếu tố lợi nhuận cũng đã phải nhường chỗ cho sự an toàn của người dùng. Giảm thiểu tin tức giả mạo, New Feed hiển thị những nội dung liên quan nhiều hơn tới gia đình, bạn bè là điều mà Facebook đang nỗ lực làm để sửa lại hình ảnh méo mó sau bê bối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo