Doanh nghiệp - Doanh nhân

Hideo Sawada: Từ chàng sinh viên nghèo đến “ông trùm” du lịch Nhật

Cách đây chưa lâu, mỗi khi nghĩ đến việc đi du lịch nước ngoài, người Nhật thường có rất ít lựa chọn. Song, nhờ vào sự nỗ lực của những người đi tiên phong như Hideo Sawada, mọi chuyện nay đã đổi khác.

Năng lực bám trụ cả những điều mình không thích của người thành công / Hành trình lụn bại của gia tộc từng giàu nhất nước Mỹ

Hideo Sawada là nhà sáng lập kiêm CEO của H.I.S - một trong những công ty du lịch lớn nhất tại Nhật Bản. Được biết, vị doanh nhân 67 tuổi này là một người đam mê du lịch và đã có những nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình điều chỉnh giá vé máy bay vốn đắt đỏ tại xứ sở hoa anh đào.

Ngoài ra, Sawada cũng có những đóng góp không nhỏ cho sự thay đổi thói quen du lịch vốn cứng nhắc của người Nhật mà vẫn tồn tại cách đây không lâu: Du khách có thể chọn đi theo tour trong một nhóm với nhiều người khác hoặc... ở nhà.

Hideo Sawada: Từ chàng sinh viên nghèo đến “ông trùm” du lịch Nhật

Hideo Sawada - nhà sáng lập kiêm CEO H.I.S. Ảnh: Intel IQ

Từ thanh niên Sawada thích "xê dịch"...

Hideo Sawada sinh ra trong một gia đình kinh doanh bánh kẹo ở Osaka vào năm 1953. Thời thơ ấu, ông luôn phải chứng kiến cảnh cha mình làm việc vất vả từ sáng sớm đến tối mịt tại xưởng và cửa hàng. Có nhiều lúc, cha ông phải tranh cãi với khách hàng về số tiền chỉ đáng giá 1 yên.

Cậu thanh niên Sawada hiểu được rằng cha mình phải làm như vậy để có tiền nuôi sống gia đình và cũng nhận thức được rằng đó không phải là cuộc đời mà cậu muốn sống sau này.

Sawada tốt nghiệp trung học năm 1969. Thời điểm đó, tại Nhật diễn ra vô số cuộc biểu tình của sinh viên và nhiều giá trị cốt lõi của nước Nhật trước đó đã bị thay đổi.

Cậu thanh niên Sawada không muốn tham gia công việc của gia đình và cũng không muốn đi theo con đường doanh nghiệp truyền thống ở Nhật. Cậu không muốn bắt tay vào xây dựng tương lai mà chưa kịp đi để nhìn thế giới.

 

Trong khi bạn bè liên tiếp vào học tại các trường nghề hoặc tìm kiếm những công việc làm công ăn lương, Sawada chọn hướng đi riêng cho mình. Trong 4 năm, cậu làm rất nhiều công việc khác nhau và cuối cùng, tiết kiệm đủ chi phí để theo học Đại học Johannes Gutenberg tại Tây Đức.

Thập niên 1970, người Đức có quá nhiều thứ mà người Nhật phải ngưỡng mộ mà hai trong số đó là sự giàu có và danh tiếng. Ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp cơ khí của Đức vô cùng phát triển. Trường đại học mà Sawada theo học nằm gần thành phố Frankfurt - một trong những khu vực trung tâm, nơi được coi như một trong những ngã tư đường của châu Âu.

Trong 4 năm học đại học, Sawada đã đi hơn 50 quốc gia trên thế giới. Để có tiền đi nhiều như vậy, Sawada đã làm việc rất chăm chỉ. Nhiều người Nhật trả tiền cho Sawada để dẫn họ đi du lịch, giới thiệu cho họ những nhà hàng ngon hoặc giúp mua vé các buổi trình diễn.

“Tôi thỏa thuận với các quản lý khách sạn. Họ giới thiệu khách đến cho tôi, đổi lại tôi chia cho họ 10% tiền công hướng dẫn mà tôi nhận được. Những lúc cao điểm, mỗi tháng tôi kiếm được đến 2 triệu yên, tức khoảng hơn 200.000 USD”, ông Sawada giải thích. Với số tiền kiếm được, Sawada đã có thể du lịch tất cả các châu lục trên thế giới, ngoại trừ Bắc Cực.

“Càng đi nhiều, tôi càng thấy ngạc nhiên với những sự khác biệt mà tôi được chứng kiến, từ cảnh sắc cho đến văn hóa, con người”, Sawada chia sẻ. Ông nhấn mạnh rằng ông cực kỳ ấn tượng khi mà dù ở cạnh nhau nhưng người Pháp và người Đức lại khác nhau đến thế.

 

Khi vượt qua dãy núi Pyrenees vốn được coi như đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha để vào xứ sở bò tót, ông được chứng kiến sự kết hợp ấn tượng giữa văn hóa châu Âu và văn hóa Islam giáo. Còn sau khi băng qua eo biển Gibraltar để vào Morocco, những khu chợ sầm uất khiến ông choáng váng.

Đi xa hơn về phía Đông Âu, ông thấy người dân vô cùng nghèo khổ trong khi trước đó ông từng nghĩ rằng khu vực này giàu có. Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 vài tháng, ông đã đến đất nước này. Ông nhìn thấy người dân tại Iran đeo bám lên xe bus, những ai không lên xe được bắt đầu tìm cách phá xe.

Các chuyến đi đã dậy ông rất nhiều. Sawada chia sẻ: “Khi bạn đang ở giữa biển và chẳng nhìn thấy gì xung quanh, bạn sẽ chẳng biết mình nên đi đâu. Tương tự như vậy, nếu bạn chỉ sống ở một đất nước, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy dòng chảy của lịch sử”.

... đến ông chủ doanh nghiệp thay đổi cách người Nhật du lịch

Việc đi du lịch đã thay đổi cách nhìn của Sawada về chính nước Nhật của ông. Trước khi đi khắp nơi trên thế giới, ông nghĩ nước Nhật vô cùng tự do. Thế nhưng, sau khi nhìn nước Nhật từ bên ngoài, ông thấy Chính phủ quá cứng nhắc và luôn gò ép con người.

 

Bản thân ông cũng so sánh giữa ngành ngân hàng châu Âu và Nhật. Nếu như ở Nhật, Chính phủ quản lý chặt chẽ toàn bộ ngành ngân hàng để đảm bảo lãi suất cho vay là như nhau thì ở châu Âu, một số ngân hàng nhỏ hoặc đang gặp khó khăn về tài chính sẽ tính lãi vay cao hơn so với các ngân hàng có tiềm lực tài chính ổn định.

Vé máy bay cũng tương tự như vậy. Nếu như giá vé máy bay ở châu Âu có nhiều mức khác nhau vô cùng cạnh tranh thì tại Nhật, giá vé gần như giống nhau.

Ông nhận ra rằng: "Ồ, hóa ra xưa nay cách người ta làm du lịch ở Nhật không phải cách tốt nhất". Thế nên, năm 1980, ông quyết tâm thành lập công ty du lịch H.I.S.

Công ty H.I.S khác tất cả các công ty du lịch Nhật trước đó bởi nó hoạt động theo mô hình mua vé máy bay theo nhóm và sau đó bán riêng lẻ. Bằng cách làm này, người ưa thích du lịch Nhật có toàn quyền để quyết định lịch trình của mình ở mức giá mà họ chấp nhận được.

Không chỉ vậy, Sawada cũng tiến tới thành lập hãng hàng không giá rẻ riêng mang tên Skymark Airlines. Hãng bắt đầu hoạt động từ năm 1998 và ngày càng chiếm được nhiều thị phần tại Nhật.

 

Giờ đây, sau gần 40 năm nỗ lực để thay đổi cách du lịch của người Nhật, ông đang tự thưởng cho mình những chuyến đi đến khắp các địa điểm trên thế giới.

Ông bàn giao lại công việc quản lý công ty cho những người trẻ tuổi và đi du lịch khắp nơi trên thế giới liên tục trong 1 năm rưỡi liên tục. Ông khẳng định các tham vọng kinh doanh luôn như máu trong huyết quản của ông và ông luôn quyết tâm với nó.

Theo Doanh nhân Sài Gòn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm