Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nghị quyết 01/NQ-CP: Doanh nghiệp kỳ vọng vào cơ hội phát triển năm 2024

Năm 2024 khởi động từ điểm xuất phát không nhiều thuận lợi khi năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn kéo dài đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Sàn thương mại điện tử xử lý gian lận: Cần minh bạch / Vượt khó chăm lo Tết đầm ấm, đủ đầy cho người lao động

Bất ổn địa chính trị, căng thẳng và xung đột vũ trang giữa một số cường quốc cùng hệ lụy của giai đoạn dài sau dịch bệnh COVID-19 dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng trực diện tới nền kinh tế Việt Nam, khiến thị trường và nhu cầu tiêu thụ nhiều loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bị thu hẹp, tồn kho gia tăng, dư thừa lao động và sức khỏe nhiều doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Ngày 5/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết này cùng các chính sách được ban hành được cho là kịp thời, đáp ứng nhanh mong đợi và kỳ vọng của số đông doanh nghiệp đang chờ đợi những cơ chế mang tính mở đường, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cũng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và theo dự báo, nhận định, tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.

Do đó, nhiệm vụ đề ra sẽ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nổi như: liên kết vùng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; củng cố các thị trường truyền thống đi đôi với mở rộng các thị trường mới; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Cùng với đó, sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới....Với những chủ trương này từ Nhà nước sẽ mở ra nhiều triển vọng và cơ hội phát triển mới giúp thúc đẩy cộng đồng kinh doanh vượt khó, vươn lên.

Đồng tình với quyết nghị từ Chính phủ, ông Phạm Minh Hiệu, Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần Kính Kala cho hay, qua tổng hợp sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2023, nhiều chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch của công ty gần như chỉ đạt trên dưới 50%, thấp hơn nhiều so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, với những động thái mới và chủ trương từ Chính phủ, có thể tin tưởng là nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có thể sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024. Nhất là khi các dự án đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy, nhiều công trình, dự án nhà ở xã hội sẽ sớm được triển khai... Được hiểu là kéo theo đó thị trường vật liệu xây dựng cũng sẽ có nhiều cơ may hơn và cũng như nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, Kala đang rất mong chờ những cú huých từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 

Cũng qua báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành du lịch – khách sạn trong giai đoạn tháng 10-12/2023 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện vừa mới công bố, Tổng giám đốc Vũ Đăng Vinh cho biết, năm 2024, ngành du lịch hoàn toàn có thể thực hiện được con số 14-15 triệu lượt khách, nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh, bởi có đến 66,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho rằng triển vọng của ngành du lịch năm 2024 sẽ khả quan hơn so với năm 2023.

Gần 93% doanh nghiệp kỳ vọng chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ tăng trong năm 2024 và có nhiều cơ sở để thiết lập niềm tin này từ phía các doanh nghiệp ngành du lịch. Theo đó là việc cấp visa điện tử, chính sách nới lỏng visa từ 15 ngày tới 45 ngày đối với một số quốc gia; đặc biệt sẽ là phong trào các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm nay sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng xuất và nhập khẩu.

Chính sách kéo dài việc giảm thuế 2% giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ cũng nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của đại bộ phận các doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương cho biết, chính sách hỗ trợ cần đi ngay vào cuộc sống. Vì hiện nay, tình hình chung của doanh nghiệp đang rất khó khăn, không chỉ nên kéo dài thời gian giảm thuế tới hết năm 2024 mà còn cần làm sao để chính sách giảm thuế VAT có thể được triển khai ngay. Ngoài chính sách hỗ trợ về thuế VAT, các chính sách khác cũng có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để bắt kịp đà tăng trưởng. Do đó, việc cần làm là cách tiếp cận và hướng đi đúng để giúp doanh nghiệp vận dụng được chính sách; họ không phải ngại ngần, không phải đi "xin" mà vẫn chạm tay được tới chính sách hỗ trợ để thay đổi doanh nghiệp mình.

Đánh giá cao việc Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngay từ đầu năm để giúp cải thiện môi trường kinh doanh và kịp thời can thiệp, định hướng thị trường, bà Nguyễn Kim Huệ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trần Gia cho rằng, chủ trương phát triển thị trường nội địa được nhiều doanh nghiệp ủng hộ.

 

Đó là việc Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương có giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước; phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 9%; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp Lễ, Tết để kịp thời triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước...

Theo bà Nguyễn Kim Huệ, chỉ đạo này sớm được thực thi sẽ giúp nâng cao chỉ số niềm tin của doanh nghiệp với hệ thống chính sách và chủ trương điều hành của Chính phủ. Điều nay vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh khó khăn đang chồng chất khó khăn như hiện thời. Chỉ mong sao, có sự định hướng của Nhà nước, ý thức tạo dựng khối đoàn kết, chia sẻ để thúc đẩy hành động kết nối sẽ giúp mang lại nhiều giá trị và lợi ích chung cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm