Người làm sống dậy làng nghề truyền thống
Cuối năm biến động, điểm lại khối tiền của tỷ phú USD Việt Nam / Tỷ phú Shark Tank Mỹ: "Tôi không còn cố hết sức để kiếm tiền nữa"
Hai lần gặp chị, cả hai chúng tôi đều nghèn nghẹn bởi ký ức đầy cảm xúc lại tràn về. Tôi không thể hiểu được chị lấy đâu ra nhiều nghị lực đến vậy để có thể trụ vững sau bao thăng trầm của thời cuộc và của chính mình, để tạo dựng những giấc mơ.
Dường như trong lòng người phụ nữ ấy lúc nào cũng có một nỗi đau đáu khi nhìn thấy vẻ đẹp của làng quê, của văn hoá, lịch sử, con người…; biết bao vùng đất cứ ngày một phai đi, ngày một lụi tàn.
Không rõ là số phận đã chọn chị, hay làng quê Việt Nam đã chọn chị, để bao nhiêu năm lặng lẽ vun bồi, biến 22ha đầm lầy chi chít hố bom của mảnh đất thành đồng Củ Chi thành không gian mướt xanh, nơi sống dậy của làng nghề truyền thống với bao sản phẩm đã đi khắp năm châu.
Để chất thiêng dân tộc càng sáng rỡ và lan tỏa
Chia sẻ về động lực lớn nhất đã giúp chị kiên trì theo đuổi "Một thoáng Việt Nam" với bao sóng gió, chị thổ lộ: “Một đất nước tồn tại mấy ngàn năm bởi lòng yêu nước và tình đoàn kết, chất thiêng dân tộc ấy càng phát tiết, càng sáng rỡ, làm thế nào để gìn giữ là trách nhiệm của chúng ta.
Gọi là “một thoáng”, vì bằng sức lực nhỏ bé của mình, với quy mô nhỏ, tiền bạc có hạn nhưng sự nghiêm túc tối đa, trung thực tối đa, tôi cố gắng không phản bội lại lịch sử, không phản bội lại tiền nhân. Với lịch sử quá đẹp như thế, chỉ cần trình bày nghiêm túc trong một không gian xanh, sạch, đẹp, chất thiêng ấy sẽ lan toả, bàng bạc trong không gian".
Chị kể: "Khi Đàn Xã Tắc tại Hà Nội được khai quật nhưng không được gìn giữ, chúng tôi đã mang đất đào được tại vùng đất thiêng đó về, hợp cùng đất và nước của nhiều vùng miền trong cả nước, từ địa đầu Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với tro lấy từ lư hương ở nghĩa trang Trường Sơn và chùa Hoa Yến, Yên Tử làm thành một khối thống nhất, tượng trưng cho đất nước Việt Nam. Lịch sử, văn hóa Việt Nam được tái hiện đơn sơ và trọn vẹn ở đây, như ba chiếc cọc Bạch Đằng cùng bài học giữ nước thiêng liêng của tổ tiên”.
Chỉ có hy vọng cháy lên…
Đến vùng đầm lầy từ khi tóc còn xanh, giờ đã bạc trắng. Những lúc khó khăn cùng cực, phải bán đi căn nhà duy nhất của mình để trang trải nợ nần, có lúc Đài truyền hình TP. HCM từng trả chị hàng trăm tỷ đồng để mua lại làm phim trường, giờ có người trả gấp nhiều lần, nhưng chị vẫn không bán, bởi chị không tin họ giữ được Một thoáng Việt Nam. Đã có ngân hàng nói với chị rằng: “Chuyện này để Nhà nước làm, chị làm làm chi cho mệt”. Dường như ngành ngân hàng không có cơ chế dành cho những nhà đầu tư văn hóa dân tộc?
“Càng ngày sức ép càng lớn, nhiều người thương tôi cũng khuyên thôi dẹp đi, dù họ biết tôi làm đúng. Quả thật có lúc cô đơn, cảm giác bị lạnh lưng. Thôi thì cứ đi, đứng lại là đắng cay, hoang mang, chùn tay. Bao nhiêu năm tự tay đốt lửa, bởi không ai đốt lửa thay mình, chỉ có hy vọng cháy lên.
Sẵn sàng gạt bỏ cái tôi, cắn răng chịu, nín thở chịu, bị lừa cũng nhiều, nhưng tôi vẫn còn cái ngây thơ của một người yêu nước rằng mình làm như thế thì thể nào cũng có người giúp mình. Thực sự càng sống, tôi thấy xung quanh còn có quá nhiều người sống đẹp. Tôi tồn tại đến hôm nay là nhờ sự giúp sức của nhiều người.
Khi bán đi căn nhà duy nhất, gia đình sợ tôi quá phiên lưu. Nhiều người hỏi tôi tại sao khổ thế cứ theo hoài? Tôi nói cứ coi như tôi đi tu đi. Tu là làm người một cách đúng nghĩa nhất, biết sống có ích cho xung quanh, chứ không chỉ cho mình. Có lẽ do vậy mà mình không thấy khổ. Khi tự tay mình rửa chiếc cọc Bạch Đằng, tự tay đem đất, nước từng vùng miền về, tôi thấy mình như chết được rồi”.
Bây giờ, Một thoáng Việt Nam hiện đã biến thành không gian sinh học đa dạng công nghệ cao, với danh mục nấm thuốc đang dẫn đầu cả nước như đông trùng hạ thảo, tỏi đen, nano nghệ, thuốc trị bỏng, lọc nước… Chị muốn biến đó thành không gian khoa học, để trẻ em có thể đến học cuối tuần.
Hội Anthật kỳ diệu, đến một thời khắc nào đó đủ duyên, nhân tài khắp nơi tự nhiên tụ về, để tiếp sức cho một vùng đất thiêng suốt chiều dài lịch sử vẫn giữ trong mình vẻ đẹp của làng quê sông nước với ruộng lúa bờ ao, nếp nhà cùng những nét văn hóa riêng có và những nghề truyền thống đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc mà không có giặc ngoại xâm nào có thể đồng hóa được. Làng còn, là đất nước còn.
Truyền lửa
Đến Vinpearl Land Nam Hội An vào những ngày đầu năm mới 2019, không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian mướt xanh sống động của các làng nghề và kiến trúc nhà Việt trải dài suốt từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Mỗi ngôi nhà xưa đều gắn với một nghề truyền thống. Đích thân các nghệ nhân của làng cho chúng tôi xem cách làm giấy dó, một đặc ân của đất trời phương Bắc có tuổi đời trên 500 năm. Làng tranh Đông Hồ cũng có một hậu duệ xuất hiện ở đây, giọng Bắc Ninh duyên dáng và dí dỏm, anh kể cho chúng tôi nghe về chiếc khuôn đồng cổ “Đám cưới chuột” của cha ông mà anh đã gìn giữ qua mấy đời, dù có nứt vẫn tìm mọi cách để dán lại, vì nó sống động và hồn nhiên không sao tả xiết, người thợ khắc ngày nay khó mà tạo dựng lại hồn cốt đó.
Bên bếp lửa hồng, những bà, những chị đang ngồi gỡ từng nong kén, se sợi, để dệt nên những tấm lụa Mã Châu tưởng chừng đã thất truyền. Bên kia dòng sông, một vùng nguyên liệu và dược liệu mướt xanh hiện diện giữa những đồi cát trắng mênh mông như thể một phép màu, để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề.
Làng nghề ở đây không để trình diễn. Đem những gì thật nhất, mộc nhất về đây, cùng với đội ngũ của Vinpearl Nam Hội An, chị Trần Thị Tuyết Nga chính là người góp phần tạo dựng hồn cốt cho một làng nghề đặc sắc nơi đây.
Cả một đội ngũ nhân viên tinh nhuệ đã có kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm làng nghề từ Một thoáng Việt Nam đã được chị điều ra đây cùng các nghệ nhân tìm đường cứu làng, cứu sản phẩm của làng thông qua những sản phẩm được thiết kế mới phù hợp thẩm mỹ và nhu cầu người thưởng ngoạn quốc tế.
Các nghệ nhân lại trở thành người thầy, đào tạo cho một thế hệ mới của Hội An, với bản tính chất phác và chịu thương chịu khó, để nhân rộng sức người cho làng, một nỗi lo dường như quá sức với làng hiện nay.
Hỏi chị vì sao đang quá bận rộn với Một thoáng Việt Nam tại Củ Chi mà vẫn dành thời gian đến với Hội An?
Chị cười, nhỏ nhẹ nói: “Để gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc, tôi nghĩ nếu chỉ riêng Một thoáng Việt Nam thì không làm được, phải tập hợp sức mạnh cực lớn của mọi nguồn.
Một đất nước mà văn hóa làng mất thì xã hội sẽ lụi tàn. Kinh tế phát triển phải chứa đựng nội hàm tri thức, trí tuệ, đạo đức và môi trường, nếu không chỉ là khoe mẽ. Nếu sự phát triển của đất nước chỉ là cuộc chạy đua giữa các thế lực tài chính thì không biết đất nước này sẽ đi về đâu. Một dân tộc từng sống trong như viên pha lê là chuyện có thật, tại sao bây giờ lại để cho những thế lực kinh tế chặt hết cây rừng, gây ra hạn hán, lũ lụt? Bờ Đông rừng Cà Mau đang lở từng vùng, chúng ta sắp mất hết làng, mất hết rừng rồi. vẫn còn kịp nếu chúng ta biết chung sức, chung lòng để xây dựng đất nước".
Kháchdu lịchtới Việt Nam vì những đặc sắc văn hóa. Tốn rất nhiều công sức đưa về đầy đủ cây trái mọi miền, từ cây cau cọ lợn ở Phú Thọ, cam Canh, bưởi Diễn, cam Vinh ngọt lừ của miền quê phía Bắc, đến quýt Thiều, sầu riêng, bồn bồn, vú sữa… những loại cây trái đặc trưng của miền Nam, chúng tôi rất hạnh phúc khi được giới thiệu từng cái cây quý của đất nước hiện diện nơi này.
Làng nghề ở đây phải tích hợp với thương cảng. Không có thương cảng lấy gì ra Hội An? Đây còn có một bảo tàng sông nước, câu chuyện về thuyền bè Việt Nam. Thế giới đánh giá thuyền bè Việt Nam cách đây mấy ngàn năm kỹ thuật rất cao, tiếc là đã bị giặc phương Bắc đốt hết, mình tìm mọi cách truy tìm lại.
Làm sản phẩm du lịch có giá trị văn hóa, lịch sử… Khu giấy dó đang thực hiện bộ tranh 4D, đó là cơ sở cho bộ sách trẻ em Việt Nam và toàn thế giới với tiếng Việt-Anh, Việt-Pháp, có cả âm thanh.
Về không gian tinh thần, chúng tôi kết hợp với đạo diễn Tấn Lộc dàn dựng chương trình biểu diễn Về bến dài 25 phút rất dân dã, với hình ảnh người dân ra biển đánh cá, quay về với gia đình, cùng góc ả đào Nguyễn Công Trứ, góc truyện Kiều, góc Lục Vân Tiên...
Tập hợp được đội ngũ hơn hai trăm bạn trẻ chủ yếu ở Quảng Nam đưa về đào tạo. Tôi mời gọi các anh chị hiểu biết về làng cổ như Đỗ Lai Thúy, Mai Thanh Sơn… về đây truyền kiến thức cho các em, từ chưa cấp ba đến đại học dạy chung, kiểu phổ cập, dạy các em từ li từng tí một.
Chúng tôi đang trồng bông vải để dệt tơ, nuôi dâu tằm, có sợi vải tằm hoàn toàn hữu cơ. Phấn đấu khôi phục lại được văn hóa cha ông, vải nhuộm hoàn toàn tự nhiên, sợi hoàn toàn hữu cơ.
Vườn dược liệu cũng đang hoàn thiện để kịp phục vụ nguyên liệu làng nghề. Phải lo gấp than tre và cây xả để đưa vào sử dụng trong toilet, khử mùi hôi. Xả hồng có thơm mùi rất nhẹ, còn được làm ra sản phẩm quạt đan du khách rất thích… Rồi dọc mé sông này được trồng cây chuối nước phát triển rất tốt và để chưng thì đẹp lắm…". Cứ thế chị say sưa kể, tả và giới thiệu về dự án.
Chị còn cho biết thêm: "Tôi tâm huyết nhất là việc trồng tre vì đã đeo đẳng việc này nhiều năm nay mới có cơ hội. Tre sẽ giúp cho không khí sạch hơn, rễ tre giữ đất, cây tre đã làm ra hàng ngàn sản phẩm hữu ích. Tre có thể cứu nước mình trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trồng tre dọc bờ sông, bờ biển, nâng bờ sông bờ biển lên khi nước dâng, bảo đảm không tràn vào ruộng đồng.
Tôi đã vận độngVinamilkcùng UBND tỉnh trồng thử tre ở Bến Tre và thực tế là thành công. Cây tre rất chịu được mặn. Tôi cũng đang vận động cả Vingroup tham gia giúp chương trình này".
Chia tay người đàn bà tóc trắng như một bà tiên, bỗng thấy chị đẹp lạ lùng, tôi chợt hiểu ra với chị, hạnh phúc đó là sự xả thân, dâng hiến, cho đi, và cho đi mãi...
End of content
Không có tin nào tiếp theo