Doanh nghiệp - Doanh nhân

Người phụ nữ nghèo vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp

Đông con, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghề nghiệp không có nên chị Nguyễn Thị Nhạn phải tần tảo với đồng ruộng, chợ búa, rồi sản xuất đá sỏi nhân tạo để lo cho cuộc sống của gia đình. Nào ngờ đây lại là “cơ duyên” giúp chị Nhạn tìm thấy con đường làm giàu và trở thành chủ doanh nghiệp sản xuất đá ốp lát nhân tạo.

8 mối bất hòa kinh điển giữa các tỷ phú công nghệ thế giới / Tỷ phú kiếm bộn tiền khi mọi người ở nhà để giãn cách xã hội

Ở phố Nam Hưng, phường An Hưng, hầu như ai cũng biết đến chị Nhạn - một tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp chị Nhạn là sự chân thành, nhanh nhẹn toát ra từ trong dáng vẻ. Vồn vã chào đón, rồi chị dẫn tôi đi tham quan công ty của gia đình. Được biết, năm 1994, sau khi lập gia đình, tài sản của hai vợ chồng chị Nhạn chỉ có khoảng 4 sào ruộng.

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn cứ luẩn quẩn không thoát khỏi cái nghèo. Vốn gia cảnh khó khăn, lại đông con, vì thế, vợ chồng chị quyết định chuyển 2 sào ruộng thành ao thả cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ khá lên nhờ đồng ruộng, nhưng căn bệnh viêm cầu thận mà chị Nhạn không may mắc phải khiến kinh tế gia đình suy giảm. Được sự động viên của gia đình, chị em phụ nữ phố An Hưng, chị đã vượt lên chiến thắng bệnh tật để tiếp tục lao động, sản xuất nuôi các con ăn học.

Chị Nguyễn Thị Nhạn, tấm gương phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng ở phố Nam Hưng, phường An Hưng.

Chị Nguyễn Thị Nhạn, tấm gương phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng ở phố Nam Hưng, phường An Hưng.

Năm 2010, khi các con chị bắt đầu vào học đại học, chị suy nghĩ và tự động viên: “Mình phải bứt phá trong phát triển kinh tế, nếu không các con sẽ không có tiền để ăn học”. Qua kênh phụ nữ phường An Hưng, chị Nhạn được vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay ngân hàng và chút tiền dành dụm được, gia đình chị quyết định mở xưởng sản xuất đá sỏi nhân tạo. Những sản phẩm do cơ sở của gia đình chị Nhạn sản xuất bảo đảm chất lượng nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt mua. Kinh tế gia đình ổn định, năm 2013, gia đình chị Nhạn đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Với tâm niệm, “cách thuyết phục khách hàng là sự chân thành và chất lượng sản phẩm”, vì thế cơ sở sản xuất của gia đình chị ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Chị Nhạn cho biết: “Bản thân tôi chính hiệu là một nông dân nên hành trang để sản xuất, kinh doanh đều do khách hàng chỉ bảo, hướng dẫn”. Nhận được lời khuyên từ những bạn hàng thân tín, gia đình chị chuyển sang sản xuất, kinh doanh đá ốp lát, đá bó vỉa. Sản xuất, kinh doanh ngày một phát triển, gia đình chị đã bàn bạc, thống nhất quyết định thành lập doanh nghiệp lấy tên là Công ty TNHH Mai Hoàng Sơn. Đến nay, sau 4 năm đi vào hoạt động, với quy mô 2 xưởng sản xuất, công ty của gia đình chị Nhạn đã khẳng định được uy tín, chất lượng sản phẩm đá ốp lát, đá bó vỉa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đáng nói hơn doanh thu của công ty do chị Nhạn làm giám đốc năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong năm 2019, doanh thu của công ty đạt khoảng 60 tỷ đồng. Cùng với đó, hiện công ty của gia đình chị đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, chị Nhạn còn tích cực tham gia các phong trào do chính quyền, đoàn thể địa phương phát động, chị luôn hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện như: Ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bằng ý chí, nghị lực, sự năng động trong sản xuất, kinh doanh chị Nhạn không những đã thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp uy tín.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm