Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhà sáng lập giàu có từng một thời sống bằng trợ cấp của WhatsApp

Sau khi WhatsApp được Facebook mua lại vào năm 2014 với giá hơn 19 tỷ USD, Jan Koum - cha đẻ của ứng dụng nhắn tin này - đã lọt top 400 người giàu có nhất nước Mỹ cũng như trở thành tỷ phú mới nổi được xếp hạng cao nhất vào năm đó.

Câu chuyện “bàn tay ta làm nên tất cả” của tỷ phú tự thân Mark Cuban / Tỷ phú Việt sắp được Forbes xướng tên là ai?

Hiện nay, WhatsApp là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được sử dụng đặc biệt rộng rãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hay Brazil với khoảng hơn 1,5 tỷ người dùng. Và, cha đẻ của ứng dụng này, không ai khác, chính là tỷ phú tự thân Jan Koum. Được biết, theo thống kê của Forbes, thì đến năm 2018, tổng tài sản ròng của tỷ phú công nghệ này là vào khoảng 9,2 tỷ USD - chủ yếu đến từ cổ phiếu tại Facebook, sau khi WhatsApp được mua lại cách đây 4 năm.

Tuổi thơ khó khăn

Jan Koum sinh năm 1976 tại một vùng ngoại ô hẻo lánh ở Kiev, Ukraine, khi đó còn thuộc Liên Xô. Vị tỷ phú 42 tuổi là một người gốc Do Thái và có tuổi thơ khá khó khăn. Căn nhà của gia đình Koum còn không có nước nóng để tắm dù thời tiết ở Ukraine là vô cùng lạnh giá.

Nhà sáng lập giàu có từng một thời sống bằng trợ cấp của WhatsApp

Jan Koum - tỷ phú sáng lập WhatsApp Inc.

Koum nhớ lại: “Mọi thứ đều rất hạn chế, bởi cả trường học cũng không có phòng tắm bên trong. Thử tưởng tượng với cái lạnh -20 độ C vào mùa đông ở Ukraine mà bọn trẻ thường xuyên phải đến công viên để tắm nhờ”.

Năm 16 tuổi, Koum cùng mẹ quyết định sang Mỹ nhập cư, với mong muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cả hai đã dọn đến một căn hộ nhỏ 2 phòng ngủ tại Mountain View, California nhờ sự giúp đỡ của một chương trình hỗ trợ xã hội. Lúc đó, mẹ của Koum đã làm người trông trẻ, còn cậu thanh niên Jan Koum làm nhân viên lao công tại một cửa hàng tạp hóa.

Ban đầu, cha của Koum dự định cũng sẽ sang Mỹ để sống cùng 2 mẹ con, song, cuối cùng đã ở lại Ukraine. Có lẽ, đối với Jan Koum, hình ảnh những ngày sống bằng phúc lợi và phải xếp hàng nhận tem thực phẩm để lấy đồ ăn mãi không thể nào quên được.

Năm lên 18, Koum bén duyên với lập trình và đã tự mày mò học kiến thức máy tính bằng cách mượn sách tham khảo ở các cửa hàng rồi trả lại khi đã đọc xong. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông ghi danh vào đại học San Jose State, đồng thời xin vào làm việc tại công ty Ernst and Young ở vị trí kiểm tra an ninh.

Từ Yahoo đến WhatsApp...

Trong thời gian làm việc cho công ty này, Koum có dịp gặp gỡ một nhân viên của Yahoo là Brian Acton vàonăm 1997. Sáu tháng sau, Acton đã giúp Koum trở thành nhân viên an ninh tại Yahoo. Jan Koum đã từng có cơ hội tham gia vào một đội hacker đặc biệt chuyên tập trung vào vấn đề an ninh có mật danh là “w00w00”.

Kể từ đó, vị tỷ phú gốc Ukraine làm việc cho Yahoo trong 9 năm và dần bước đến vị trí quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đến năm 2007, ông cùng Acton quyết định nghỉ việc và dành thời gian du lịch Nam Mỹ để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới.

Khi trở về, hai người quyết định cùng nộp đơn ứng tuyển vào Facebook. Tuy nhiên, mong muốn của họ không thành hiện thực khi cả hai đều trượt.Trong thời gian xả hơi, Koum suy nghĩ về những gì mà anh thật sự muốn làm và đã nảy ra ý tưởng sáng tạo ra một sản phẩm nào có thể đó giúp mọi người cập nhật trạng thái qua điện thoại.

Vị doanh nhân nói “cảm thấy rất phiền vì bỏ lỡ nhiều cuộc gọi khi ở phòng gym”. Ông muốn tạo ra một ứng dụng giúp bạn bè biết người bên kia đầu dây có đang rảnh tay để nhận cuộc gọi hay không, bằng tính năng được gọi là “trạng thái”. Koum kể: “Mới đầu, chúng tôi không định thành lập công ty, chỉ muốn làm ra một sản phẩm mà mọi người có thể dùng được”.

brian-acton-jan-koum-whatsapp-doanh-nhan

Brian Acton và Jan Koum. Ảnh: Wired

Koum ra mắt WhatsApp vào đúng ngày sinh nhật 24/2/2009. Cũng mùa hè năm đó, ông và Acton quyết định biến sản phẩm thành một ứng dụng nhắn tin. Trụ sở đầu tiên của WhatsApp là một dãy các căn phòng nhỏ nằm sau nhà kho của công ty Evernote. Ở đây lạnh đến mức nhân viên phải quấn chăn quanh mình để sưởi ấm.

Bộ đôi sáng lập rất quan tâm đến tính năng bảo mật cho người dùng. Jan Koum chia sẻ: “Chúng tôi muốn biết càng ít thông tin của người dùng càng tốt. Chúng tôi không chạy quảng cáo nên không cần những dữ liệu cá nhân”.

WhatsApp nhanh chóng phát triển một cách tự nhiên mà không cần bất cứ chiến dịch tiếp thị hay PR nào, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển - nơi người dùng rất tin tưởng vào các tin nhắn SMS.

...và cuối cùng là Facebook

Năm 2012, WhatsApp lọt vào tầm ngắm của Facebook. CEO Mark Zuckerberg đã gọi điện thoại cho Koum. Hai người sau đó đi uống cà phê và cùng leo núi. Trong suốt 2 năm, họ luôn giữ liên lạc, thường xuyên leo núi và trò chuyện về chủ đề kết nối thế giới.

Tháng 2/2014, Zuckerberg mời Koum ăn tối và đưa ra đề nghị mua lại WhatsApp ngay trên bàn ăn. Nhà đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin suy nghĩ trong vài ngày và trở lại nhà ông chủ Facebook vào đúng dịp Valentine, phá vỡ bữa tối lãng mạn của Zuckerberg và vợ. Cả hai bắt đầu thảo luận các điều khoản giữa mớ dâu tây và socola của ngày tình nhân.

Đêm trước ngày ký kết cuối cùng, Koum ở lại văn phòng muộn để xử lý tất cả mọi thứ với quỹ đầu tư Sequoia, nơi rót vốn cho họ từ vòng serie A. Hôm đó, Jan Koum đã lái xe trở về nhà lúc 2h30 sáng. Lốp xe nổ tung khi đang chạy với tốc độ 120 km/h và Koum đã suýt chết.

Ngày hôm sau, ông chính thức ký bản thỏa thuận mua lại của Facebook. Vào thời điểm này, cổ phiếu của Koum tại WhatsApp có giá trị 6,8 tỷ USD. Koum chính thức gia nhập hội đồng quản trị Facebook với mức lương cơ bản 1 USD/năm và tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt WhatsApp. Tài sản của ông tiếp tục tăng cùng với giá trị cổ phiếu của Facebook.

Cuộc sống mộc mạc và mục tiêu mở rộng WhatsApp

Chỉ vài tháng sau khi bán WhatsApp cho Facebook, nhà sáng lập đã lặng lẽ đóng góp 556 triệu USD cho Quỹ cộng đồng của thung lũng Silicon. Ông cũng quyên góp 1 triệu USD cho hệ thống điều hành nguồn mở FreeBSD. Lý do là vì: “Nhờ hệ thống này đã phần nào đó giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo. Một trong các lý do khiến tôi được nhận vào Yahoo là bởi họ sử dụng FreeBSD ”.

Có người hỏi Koum vì sao vẫn làm việc sau khi có được một khoản tiền lớn từ thương vụ với Facebook, vốn được người ta ví như là trúng số độc đắc. Koum đã trả lời như sau: “Ngoài kia vẫn có rất nhiều người chưa sử dụng ứng dụng của chúng tôi. Tôi muốn thuyết phục họ và cũng còn rất nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết”.

Mặc dù ngày càng giàu có, Koum vẫn giữ cuộc sống mộc mạc nguyên bản như trước đó. Ông thừa nhận việc bán WhatsApp cho Facebook chỉ thay đổi 10% cuộc sống của mình. Vị doanh nhân nói vẫn sống trong căn nhà trước giờ và bạn bè vẫn không có gì thay đổi.

Một trong số rất ít những đam mê của Koum là tình yêu dành cho những chiếc Porsche. “Với tôi, một chiếc Porsche luôn đại diện cho thành công. Và, khao khát sở hữu một chiếc xe như thế là động lực lớn để học hỏi và làm việc chăm chỉ hơn”, Koum nói.

Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo