Những tác động từ vụ M&A kỷ lục ngành trò chơi điện tử
Công ty Nhôm Đắk Nông tổ chức “Về nguồn” tại Côn Đảo / Đà Nẵng: Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm khởi sắc
Một sự kiện đáng chú ý của giới công nghệ tiêu dùng toàn cầu đó là sau nhiều nỗ lực, hồi tuần trước, ông lớn công nghệ Microsoft đã được giới chức Anh bật đèn xanh cho thương vụ thâu tóm hãng trò chơi điện tử Activision Blizzard - được xem là một trong những trở ngại cuối cùng cho thương vụ kỷ lục này. Với trị giá 69 tỷ USD, thương vụ được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ với lĩnh vực trò chơi điện tử toàn cầu thời gian tới.
Cái gật đầu của cơ quan quản lý thị trường Anh đã giúp Microsoft hoàn tất một cuộc chạy đua pháp lý gần 2 năm, nhằm nhận được sự thông qua tại cơ quan quản lý ở 40 thị trường.
Theo các chuyên gia, trước tiên thương vụ này sẽ giúp củng cố vị thế của Microsoft trong lĩnh vực trò chơi điện tử, khi từ đây họ đã sở hữu được một kho trò chơi đồ sộ với nhiều cái tên nổi tiếng như Call of Duty hay Diablo.
Ông George Jijiashvili - Chuyên gia phân tích cấp cao, Hãng tư vấn Omdia cho biết: "Trong vòng một thập kỷ qua, hệ sinh thái game của Microsoft đã bị tụt lại phía sau so với những cái tên dẫn đầu từ Sony hay Nintendo. Nhưng với thương vụ khổng lồ này, họ đang có một cơ hội lớn để khiến nền tảng của mình trở nên cực kì cạnh tranh và có ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu".
Một số dự báo cũng kỳ vọng với sức mạnh mới, Microsoft có thể thúc đẩy ngành công nghiệp trò chơi tiến sang kỷ nguyên mới với AI và vũ trụ ảo Metaverse. Ở chiều ngược lại, các nền tảng khác như Playstation của Sony hay Steam cũng sẽ phải dè chừng và có những động thái mạnh mẽ nhằm tránh mất khách hàng vào tay đối thủ, tạo nên cục diện cạnh tranh khó lường hơn.
Ông George Jijiashvi - Chuyên gia phân tích cấp cao, Hãng tư vấn Omdia cho biết: "Việc có nhiều cạnh tranh hơn trên thị trường sẽ tốt hơn với người tiêu dùng về tổng thể. Khi Microsoft tăng cường vị thế, tôi tin rằng cả thị trường cũng sẽ phải thay đổi theo, từ đó mang lại các sản phẩm trò chơi chất lượng cao hơn, dịch vụ tốt hơn cho người chơi".
Tuy nhiên, chứng minh rằng thương vụ này sẽ không gây ra thế độc quyền thị trường là bài toán không hề dễ dàng. Để có thể chiều lòng các cơ quan quản lý nhiều nước, Microsoft đã chấp nhận sửa đổi thỏa thuận và đưa thêm nhiều cam kết như không thu phí với các nền tảng đám mây trong vòng 10 năm, hay tiếp tục cung cấp các tựa trò chơi của Activision cho dịch vụ của đối thủ như Sony.
Ông Max Von Thun - Tổ chức chống độc quyền Open Markets Institute cho hay: "Giới chức Anh đã làm tốt việc buộc Microsoft phải có thêm những cam kết, nhiều hơn cơ quan quản lý các nước khác. Nhưng việc này gây tốn kém và mất nhiều thời gian cho các bên và thực ra mối lo ngại về tình trạng độc quyền sẽ vẫn còn trong lĩnh vực nền tảng game đám mây".
Thời gian tới, Microsoft sẽ vẫn còn phải đối mặt với một vụ kiện từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ nhằm xem xét lại thương vụ này. Tuy nhiên về cơ bản, thương vụ đã được hoàn tất và sẽ mang lại những biến động trong ngành game toàn cầu trong tương lai gần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo