Nữ doanh nhân

CEO FSmart Corp Mỹ Nguyễn: Khởi đầu “không thật” là thất bại lớn nhất của khởi sự kinh doanh

DNVN - Theo chị Mỹ Nguyễn - TGĐ Công ty CP FSmart Corp, khởi đầu “không thật” đó là một thất bại lớn nhất của khởi sự kinh doanh. Người ta thường nói về thành công và thất bại nhưng lại không đặt nó vào cùng một hệ quy chiếu nào nên thường dẫn đến những tranh cãi không hồi kết từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Ông James Sơn - CEO BHD STAR: Trong khủng hoảng Covid-19 có cơ hội cho phim Việt tự tin ra rạp / CEO Asian Holding Nguyễn Văn Hậu: "Tài - Trí - Tâm - Tín - Đức" là nền tảng cho sự phát triển DN bền vững

Vị “thuyền trưởng” Công ty CP FSmart Corp cho rằng, kinh doanh thật, nếu không thuận lợi có thể chậm, vất vả và tốn kém lúc ban sơ, nhưng có thể chắc chắn rằng một doanh nghiệp bản lĩnh sống thật, làm thật sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững, dài lâu và luôn nhận được sự tin tưởng gắn bó của đối tác – khách hàng. Chị đã dành cho Doanh nghiệp Việt Nam cuộc trò chuyện về vấn đề này.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ cần có ý tưởng khác biệt, mới mẻ là đủ tạo ra nền tảng để khởi nghiệp thành công. Quan điểm của chị về cách nghĩ ấy như thế nào?

Chị Mỹ Nguyễn - TGĐ Công ty CP FSmart Corp: Bản thân tôi từ lúc còn sinh viên cũng đã từng nghĩ như vậy. Bốn mùa là mentor và giám khảo cuộc thi “Tôi, khởi nghiệp” của Nhà văn hóa Sinh viên phối hợp CLB khởi nghiệp Đại học Ngân hàng tổ chức tôi còn gặp rất nhiều bạn trẻ giữ khư khư ý tưởng của mình vì nói ra “sợ ban giám khảo và các bạn đánh cắp mất”.

Va chạm thật sự mới biết, học với hành cách nhau nhiều lắm, cũng như từ ý tưởng đến thực tế vận hành doanh nghiệp. Ý tưởng là nền tảng đầu tiên cần có để khởi nghiệp, nhưng không đủ để khởi nghiệp thành công. Người khởi nghiệp ngoài chuẩn bị đầy đủ các điều kiện (kế hoạch, nhân sự, nguồn vốn…) thì còn chuẩn bị cả tâm thế cho những lần bại trận nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, sống thật, làm thật là yếu tố mang lại thành công trong kinh doanh nhưng có quan điểm lại cho rằng, kinh doanh thật quá thì lại thất bại, chị nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi, khởi đầu “không thật” đó đã là một thất bại lớn nhất của khởi sự kinh doanh. Người ta thường nói về thành công và thất bại nhưng lại không đặt nó vào cùng một hệ quy chiếu nào (thể chế, thị trường, nền tảng và quan điểm cá nhân, …), nên thường dẫn đến những tranh cãi “không hồi kết” từ nhiều góc nhìn khác nhau. Thực tế, chẳng ai là kẻ dại trong một mặt trận toàn những người bản lĩnh, nên chuyện thật – giả cũng không quá khó để nhận diện.

Kinh doanh thật, nếu không thuận lợi có thể chậm, vất vả và tốn kém lúc ban sơ nhưng tôi dám chắc chắn rằng một doanh nghiệp bản lĩnh sống thật làm thật sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững, dài lâu và luôn nhận được sự tin tưởng gắn bó của đối tác – khách hàng. Kinh doanh như xây nhà: vững móng, đủ vật liệu… thì bao nhiêu “sóng gió” ập đến cũng không quật được. Với tôi, tạo ra giá trị thật, đã là thành công lớn nhất!

Theo chị Mỹ Nguyễn - TGĐ Công ty CPFSmart Corp, khởi đầu “không thật” đó đã là một thất bại lớn nhất của “khởi sự kinh doanh”.

Theo chị Mỹ Nguyễn - TGĐ Công ty CP FSmart Corp, khởi đầu “không thật” đó đã là một thất bại lớn nhất của khởi sự kinh doanh.

Chị có thể nói về cách không bị "lạc lối" trên con đường kinh doanh?

Thật ra việc “lạc lối” nó nằm ở ý thức nhiều hơn. Nếu thật sự bạn muốn tử tế và kỷ luật với điều đó, thì bạn sẽ đủ tỉnh táo vượt qua mọi cám dỗ để không bị “lạc lối”. Nên cách tốt nhất theo tôi nghĩ đó chính là “kỷ luật bản thân”. Chính mình phải tự vượt lên trên mọi “ham muốn” của bản thân mình trước, thì mới chọn được cho mình hướng đi phù hợp trước nhiều lối rẽ. Suy cho cùng, mọi sự “lạc lối”, vẫn từ chữ “tham” mà ra.

Trong thành công của doanh nghiệp, theo chị bao nhiêu phần trăm do giá trị của người dẫn dắt mang lại?

Thành công của một doanh nghiệp thường mang dấu ấn của người lãnh đạo doanh nghiệp đó. Họ là người chịu trách nhiệm đưa ra tầm nhìn, chiến lược; điều phối, giám sát hoạt động và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Thế nên dù rất nhiều yếu tố cấu thành sự thành công của doanh nghiệp thì giá trị của người dẫn dắt vẫn không dưới 50%

Một giám đốc xinh đẹp, trẻ trung, thông minh, giao thiệp rộng phải chăng là lợi thế giúp chị thành công ở vai trò là “thuyền trưởng” của “con tàu” FSmart Corp?

Theo tôi xinh đẹp – trẻ trung – thông minh – giao thiệp rộng sẽ là lợi thế ở bất kỳ “trường” nào chứ đừng nói gì thương trường, người ta vẫn thường nói đến ấn tượng đầu tiên mà. Thật ra, nếu có sự phân biệt ở thương trường thì thường vì những tính cách đặc trưng hơn là vẻ ngoài hay giới tính. Nói một cách trung thực, thì đúng là FSmart Corp cũng “thừa hưởng” từ thương hiệu cá nhân của tôi để có được sự tin tưởng ở những bước đi đầu tiên, vì khó lòng để trao những đơn hàng cho một công ty non trẻ mà không có một điểm tựa niềm tin nào, nhất là ngành dịch vụ nhiều yếu tố sáng tạo như FSmart Corp.

Còn nhớ thuở đầu, đối tác giao việc cho FSmart Corp vì chỉ biết là giao cho tôi là yên tâm chứ không biết FSmart Corp thế nào, tất nhiên không phải vì “xinh đẹp – trẻ trung – thông minh – giao thiệp rộng”… mà là vì tôi có được niềm tin từ các đối tác khi còn là “lính đánh thuê”. Tuy nhiên việc đó không kéo dài được nếu như nội lực FSmart Corp không có khả năng thực hiện tốt công việc được giao. Lợi thế của tôi là đem khách hàng về, còn giữ chân khách là phụ thuộc hơn 90% vào nỗ lực của cả đội ngũ.

Thách thức lớn nhất trong vai trò lãnh đạo chị đang làm là gì?

Là lựa chọn giữa thận trọng hay quyết đoán. Vì bất cứ quyết định nào của tôi cũng sẽ không còn chỉ ảnh hưởng đến gia đình tôi, mà còn ảnh hưởng đến nhiều gia đình cộng sự khác. Là người cầu toàn, tôi không bằng lòng với chuyện “làm cho có” mà luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt, luôn ép nhân sự phải làm tốt hơn nếu còn có khả năng và thời gian. Chính vì thế vô tình tôi luôn tạo cho nhân sự dưới quyền một áp lực vô hình, đôi khi trở thành khó chịu, nếu không có sự thấu hiểu và khéo léo, tôi có thể sẽ mất đi quản lý giỏi dưới quyền.

Là người cầu toàn, vị "thuyền trưởng" FSmart Corp không bằng lòng với chuyện “làm cho có” mà luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt

Là người cầu toàn, vị "thuyền trưởng" FSmart Corp không bằng lòng với chuyện “làm cho có” mà luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt.

Thị trường kinh doanh ở lĩnh vực truyền thông bây giờ có sự cạnh tranh gay gắt về giá cả lẫn chiêu trò, FSmart Corp có gặp khó khi vướng phải sự cạnh tranh này?

Tôi không quan tâm lắm về việc người khác làm gì, mà chỉ luôn tìm cách để bản thân ngày một tốt hơn. Ở FSmart Corp tôi đưa quan điểm rõ ràng với cộng sự về việc “buôn có bạn, bán có phường”, không coi bất cứ ai là đối thủ, không cần chiêu trò, coi những doanh nghiệp thành công khác là cột mốc để phấn đấu cho công ty tốt hơn hôm qua và vượt lên các “tiền bối trong nghề” bằng chính nội lực của FSmart Corp.

Với gần 6 năm và nhiều mảng hoạt động, FSmart Corp đã xây dựng được cho mình nền tảng phát triển bền vững và luôn sẵn sàng cho những “trận đánh lớn”.

Chị từng chia sẻ: “Cứ 1 ngày thức dậy đều tin rằng những điều tuyệt vời mới sẽ đến... Tử tế, chân thật, kiên trì... mọi thứ sẽ bền vững. Làm đi, đừng sợ thiệt!”. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?

“Sự khác biệt duy nhất giữa một ngày tốt đẹp và một ngày tồi tệ nằm ở chính thái độ của bạn”. Tôi tôn trọng sự thật, yêu sự tử tế, luôn kiên trì với mục tiêu của mình và sống mỗi ngày với một tinh thần tích cực nhất. Nhiều bạn trẻ hiện tại “chưa bắt đầu, đã sợ thiệt” và thiếu sự dấn thân…Dường như chính họ đã tự mình kìm hãm khả năng của mình mà vô tình không biết điều đó. Câu này tôi cũng đồng thời tự nhắc mình, mỗi ngày.

Được biết, khi khởi nghiệp bản thân chị đã từ bỏ sự ổn định của công việc cũ, dấn thân vào các thử thách để đạt được những ước mơ lớn. Chị muốn nhắn nhủ gì đến các bạn trẻ khởi nghiệp?

Khởi nghiệp không có chỗ cho những mộng mơ, ảo tưởng hay vẽ vời ý tưởng, mà phải sẵn sàng làm một chiến binh và tự đứng lên được sau những lần bại trận.Theo tôi, trước khi khởi sự kinh doanh, bất kể quy mô của nó như thế nào. Chúng ta cần phải tự mình trả lời các câu hỏi như: Ta có thực sự mong muốn chịu trách nhiệm đối với một công việc kinh doanh hay không? Sản phẩm và dịch vụ nào là cơ sở trong việc khởi nghiệp của mình? Thị trường ở đâu? Liệu công việc sắp khởi sự có tiềm năng và đủ để trang trải lương và các khoản chi phí cho nhân sự? Làm cách nào để ta huy động vốn để đủ vận hành khi bắt đầu hoạt động kinh doanh? Liệu ta nên khởi đầu việc kinh doanh một mình hay với đối tác?.

Không có câu trả lời đúng hay sai cho những câu hỏi trên. Nhưng nếu muốn khởi nghiệp phải tự chất vấn mình trước khi để người khác chất vấn. Tôi không khuyến khích hay cổ xúy cho nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp. Nhưng sau khi trả lời các câu hỏi trên, mà bạn vẫn tự tin có đủ đam mê, đủ nền tảng kiến thức và thật sự có khát vọng làm chủ… thì bạn hãy thử một lần bước ra khỏi “vùng an toàn” để khởi sự kinh doanh. Lỡ sai thì làm lại, không đương đầu với thách thức thì khó thể lớn lên được, mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn.

Nhiều doanh nhân chia sẻ, họ thậm chí không còn thời gian dành cho gia đình và người thân. Với vai trò là đầu tàu của FSmart Corp, lại luôn bận rộn với việc mở rộng các mối quan hệ trong kinh doanh. Chị có bị áp lực về thời gian và công việc?

Nếu nói không có là xạo, nhưng tôi biết cách cân bằng và sắp xếp khi nào ưu tiên công việc và khi nào ưu tiên gia đình. Hiện tại tôi vẫn vừa đi làm, vừa chăm sóc gia đình nhỏ bằng những bữa cơm tự nấu, nhưng nếu công việc bận quá thì tôi giao việc đó lại cho cô giúp việc, nhưng cố gắng không bỏ bữa tại gia đình. Tôi có ước muốn làm chủ từ nhỏ, một phần cũng vì muốn được chủ động mọi công việc của mình để dành thời gian cho gia đình mà không phải lệ thuộc vào ai.

Là nữ doanh nhân thế hệ 9X, chị thấy ưu điểm của thế hệ này là gì? Chị có định thử sức trong lĩnh vực khác? Mong muốn của chị khi trở thành một nữ doanh nhân là gì?

Ưu điểm lớn nhất của thế hệ 9X là năng động, trẻ trung, có khả năng nhạy bén và thích ứng tốt với nền công nghệ số đang là xu hướng. Bên cạnh đó thế hệ doanh nhân 9X nhờ đi sau trong một bối cảnh thị trường vận động liên tục, nếu biết tận dụng những kinh nghiệm chia sẻ của các bậc tiền bối, sẽ rút ngắn được đoạn đường thành công của mình.

Kế hoạch của tôi còn dài khi có ý định xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp cho FSmart Corp nên kinh doanh vẫn là con đường tôi chọn gắn bó, thỉnh thoảng tôi cũng làm mentor cho vài hoạt động của các bạn trẻ… Ngoài ra tôi còn phát triển FSmart Corp Skill Trainning, đồng thời làm giảng viên doanh nhân tại một số trường đại học…

Xin cảm ơn chị!

Phạm Đức (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm